Nam giới hỏi tôi, sao em lại gọi là “nam tính độc hại” khi cả xã hội thấy những gì đàn ông phải gồng mình thể hiện trước cộng đồng là bình thường.
Làm thằng đàn ông không được khóc, hoặc nếu có lỡ khóc sẽ bị mắng "con trai mà thua đàn bà", "đồ ủy mị như đàn bà", "loại mặc váy"... Chúng ta vẫn thường được dạy dỗ như thế suốt nhiều năm. Bất kỳ ai cũng có thể buột miệng ra câu "đồ mặc váy" để dằn vặt người đàn ông nào đó với ám chỉ tiêu cực, coi thường vì thiếu nam tính. Cách nghĩ đó trở thành một nếp mặc định đến nỗi, hầu như chúng ta không ai đặt câu hỏi ngược lại: tại sao đàn ông không được khóc, được thể hiện sự yếu đuối?” khi cả xã hội thấy những gì đàn ông phải gồng mình thể hiện trước cộng đồng là bình thường.
Rất tiếc rằng, nếu thể hiện điều đó, họ sẽ trở thành một sinh vật lạc bầy, một người đàn ông thất bại và đáng thất vọng trong một thế giới mà nam tính được định khuôn rằng phải cứng cỏi, mạnh mẽ từ tấm bé, có thể ngỗ nghịch, thậm chí phải biết đánh nhau, lớn lên phải trở thành trụ cột trong gia đình và cả ngoài xã hội. Nếu không "trị quốc, bình thiên hạ" được thì cũng phải "tề gia", có uy quyền vượt trội và hấp dẫn nữ giới.
"Tất cả những điều đó bình thường, có gì là hại, có gì đáng quan tâm ở đây?", tôi đã bị hầu hết những người đàn ông tôi gặp vặn lại khi đưa chủ đề "nam tính độc hại" ra thảo luận. "Nam tính độc hại" nói một cách nôm na là những gì đàn ông phải gồng mình thể hiện ra trước cộng đồng, từ những hành vi thông thường như biết uống rượu bia cho tới buộc phải nhịn khóc, buộc ra dáng một người cứng cỏi, mạnh mẽ, tự chủ, trụ cột dù trong lòng họ nhiều khi không muốn thế. Họ hỏi tôi: "Sao em lại gọi đó là độc hại khi cả xã hội cho là bình thường?"; "Đàn ông chúng tôi thích như vậy sao em lại gọi là độc hại?"
Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta hãy thử nhìn vào một đặc điểm được coi là biểu hiện bình thường của nam tính - "nam vô tửu như kỳ vô phong". Quả thực câu thành ngữ này đang phản ánh đúng bức tranh hút thuốc, uống rượu cũng như chỉ dẫn sử dụng hai thứ này của nhà bán hàng gần như chỉ nhắm vào đàn ông. Các điều tra khảo sát về rượu bia cho thấy, cứ 10 đàn ông Việt thì 7 người uống, thậm chí ¼ số đó uống ở mức gây hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Tương tự, gần một nửa đàn ông Việt hút thuốc.
Tuy nhiên, không phải tất cả họ đều thích rượu bia mà chính xác là "bị thích" vì các mối quan hệ xã hội bắt buộc họ phải thể hiện điều đó. Nghiên cứu mới nhất về nam giới và nam tính gần đây của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng và Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho thấy, khoảng 74% người trong số hơn 2.500 người được hỏi cho biết họ uống rượu vì "sợ làm cho mọi người không vui" và 27% người được hỏi "sợ mất các mối quan hệ". Phần lớn đàn ông không thể chối từ, không thể đi ngược lại một bàn nhậu đang hừng hực khí thế "dzô dzô" hoặc nụ cười xã giao của đối tác làm ăn.
Hậu quả của những thói quen xấu đó có lẽ ai cũng biết: 80% các vụ tai nạn là do nam dù tỷ lệ nam nữ tham gia giao thông như nhau, và rượu là một trong năm nguyên nhân chính của tai nạn giao thông tại Việt Nam; bệnh tật, gồm nhiều loại bệnh, đáng chú ý là hiện tượng những người chết do Covid-19 chủ yếu đàn ông. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, Trung Quốc thống kê nam có nguy cơ tử vong gấp đôi nữ, mà nguyên do chủ yếu có thể do đàn ông hút thuốc. Trên toàn thế giới, tỷ lệ chết do Covid-19 ở nam giới cao hơn hẳn, buộc các nhà khoa học phải đem vấn đề lên bàn nghiên cứu.
Sức khỏe thể chất và tinh thần của nam giới ở Việt Nam gắn bó khá chặt chẽ với những cái khuôn của xã hội bấy lâu nay luôn đòi hỏi "đàn ông đàn ang phải cứng rắn lên", "ra dáng đàn ông đích thực". Là con trai, từ bé có thể đánh nhau, bạo lực tý chả sao, trăng hoa chút chả sao, thậm chí cợt nhả đụng chạm với chị em (chúng tôi coi đó là quấy rối) cũng chả sao... Tất cả những cái "phải" và "chả sao" ấy đang mặc nhiên ngấm vào người đàn ông, mặc nhiên trở thành câu cửa miệng của người lớn với các bé trai.
Trong khi nữ giới chúng tôi đang dần khước từ những khuôn mẫu đòi hỏi phải "ba đảm đang", phải luôn nhu mì khiếp nhược trước đàn ông, nhiều người đang làm những công việc trước nay chỉ độc tôn nam như nghiên cứu khoa học, lái máy bay, phi hành gia, làm mẹ đơn thân khi cần thiết, hay đơn giản chỉ là mặc đồ nam nếu thích... tại sao đàn ông chưa thể tự giải phóng mình, tại sao không cùng phân tích và loại trừ những tính nam "độc hại", để đàn ông thôi phải gồng mình lên?
Đây là câu hỏi đáng quan tâm, bởi khi tôi đọc kết quả khảo sát bước đầu của nhóm nghiên cứu trên. Cứ 100 nam giới được hỏi, có ba người cho biết đã chịu áp lực tới mức từng có ý định tự sát. Thậm chí, cứ 100 thanh niên độ tuổi 18 đến 29, có tới 5,4 người cho biết từng có ý định tự sát. Trước đây, khảo sát quốc gia năm 2010 về thanh thiếu niên và thanh niên Việt Nam, 4,1 trên 100 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14 đến 25 đã từng nghĩ về việc tự tử. Đánh giá của WHO trên toàn cầu năm 2000 cũng cho thấy, nhìn chung, trẻ em trai và thanh niên có tỷ lệ tử vong do bạo lực, tai nạn và tự tử cao hơn giới nữ cùng tuổi.
Tại sao nam giới lại trầm cảm và có ý định tự sát nhiều hơn nữ giới, điều đó có mối quan hệ nhân quả thế nào với "nam tính độc hại" vẫn còn là một dấu hỏi. Nhưng tôi chắc chắn rằng, để giảm thiểu rủi ro về thể chất và tâm lý cho nam giới, những thứ nam tính độc hại - khuôn mẫu "đàn ông phải là" - cần được đo lường, nhận thức và điều chỉnh. Đó là cách trực tiếp nhất các nhà xã hội học và nhà quản lý xã hội có thể làm để tất cả khuôn mẫu đó thôi gây áp lực cho giới nam, khiến đàn ông tự tử nhiều hơn đàn bà, đàn ông bệnh tật nhiều hơn đàn bà, đàn ông trầm cảm nhiều hơn đàn bà. Và như một hệ quả gián tiếp, dù có thể ai đó không thừa nhận, rất nhiều đàn ông trút áp lực trong người họ lên phụ nữ và những người yếu thế hơn, con cái, cha mẹ mình bằng bạo lực tinh thần và thể xác. Chúng ta vẫn đọc nhan nhản các tin tức về bạo hành gia đình, các cặp đôi, trong xã hội hàng ngày. Và đáng lo hơn, những áp lực độc hại ấy sẽ lại được "di truyền tới các thế hệ sau.
Nguyễn Thu Quỳnh
Ngày đăng: 20:53 | 03/10/2020
/ vnexpress.net