Cùng là người mẹ, người vợ và cùng công tác trong ngành giáo dục, nhưng tôi không thể tìm được lý do nào để có thể đồng tình với quan điểm của cô giáo T.

Sự việc cô giáo T. tố cáo Hiệu phó trường Tiểu học Kim Đồng, Buôn Đôn, Đắc Lắc, ông H. dùng clip quan hệ bất chính giữa hai người để uy hiếp cô T đã làm dậy sóng dư luận.

Việc cô T. tố cáo ông H. đồng thời cũng là lời tự thú về sai lầm của mình sẽ chỉ là sự việc giữa hai cá nhân, có thể đâu đó vẫn nảy sinh trong xã hội.

Nhưng cả hai đều đang đứng trên bục giảng, vẫn đang là những người thầy, người cô của các em học trò. Dư luận bàn ra tán vào, kẻ chê người trách cũng là điều dễ hiểu.

neu con tu trong 2 vi doi tinh lay bien che hay roi buc giang
Hình ảnh Bà T. kể lại sự việc mà bà đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn).

Thực lòng chúng tôi cũng không muốn tham gia vào câu chuyện chẳng hay ho gì này, nhưng không đành lòng im lặng.

Bởi lẽ, các em học sinh ở trường Tiểu học Kim Đồng vẫn ngày ngày phải gọi người bất chấp danh dự, đạo đức, luân thường đạo lý là thầy.

Trong khi đó, cô T. lại “quàng” câu chuyện biên chế vào chuyện “đổi tình” của mình với ông Hiệu phó.

Dư luận mấy tháng qua vốn đã xôn xao, báo chí tốn không ít giấy mực về “biên chế”, câu chuyện cô T. và ông H. có thể lại châm ngòi cho những cuộc tranh luận không hồi kết về “nỗi thống khổ” của các giáo viên hợp đồng.

Đừng lấy hai từ “biên chế” bao biện cho chuyện ngoại tình

Cùng là phụ nữ, cùng là người mẹ, người vợ và cũng cùng công tác trong ngành giáo dục, nhưng tôi không thể tìm được lý do nào để có thể đồng tình với quan điểm của cô giáo T về việc “đổi tình” để vào biên chế.

Đọc bài báo tường thuật lời cô T. trên Infonet ngày 24/8, chúng tôi thực sự bàng hoàng về đạo đức nghề giáo của người được học sinh, xã hội gọi bằng hai tiếng thầy, cô này:

“Để được vào biên chế ngành giáo dục, cô N.T.T. (SN 1984, nguyên giáo viên hợp đồng theo tháng của một trường tiểu học tỉnh Đắk Lắk) đã chấp nhận quan hệ tình cảm với thầy hiệu phó của trường này.

Điều đáng nói, thầy hiệu phó nhà trường đòi quay lại clip ghi lại cảnh hai người yêu thương nhau để làm kỷ niệm và cô T. đã đồng ý.

Một thời gian dài sau, cô T. đòi chia tay thầy hiệu phó vì sợ gia đình và đồng nghiệp phát hiện thì thầy này đã liên tục nhắn tin đe dọa và đánh cô T.”

Chúng tôi thiết nghĩ mình không có quyền đánh giá đạo đức của người khác, nhưng câu chuyện của cô T. đã không còn là chuyện riêng, khi cô quàng mối quan hệ bất chính giữa 2 người có gia đình vào đề tài “biên chế”, một từ khóa đang nóng trên mạng như hiện nay, thiết nghĩ cũng cần nhìn nhận, phân tích rõ ràng.

Công tác trong ngành giáo dục cũng đã trên chục năm, tôi chưa từng thấy một hiệu phó nào được ngồi vào ghế thành viên hội đồng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Kể cả hiệu trưởng cũng chưa, nói gì đến hiệu phó.

Ở cấp tiểu học, việc thi tuyển viên chức giáo viên thường do phòng nội vụ tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện. Phòng giáo dục nhiều khi còn chẳng có tiếng nói gì.

Chúng tôi không nghĩ một giáo viên đã đi dạy hợp đồng 4 năm lại không nắm được các quy định về tuyển dụng biên chế.

Ngay cả việc nhận xét, đánh giá quá trình công tác của giáo viên hợp đồng khi thi viên chức vào trong hồ sơ thi, xét tuyển biên chế là của hiệu trưởng, chứ không phải hiệu phó.

Cá nhân tôi trải qua cả chục năm công tác, cũng chưa thấy hiệu trưởng nào đặt lời nhận xét bất lợi cho về các giáo viên trong hồ sơ thi tuyển viên chức, hết tập sự, nâng lương.

Vì thế xin đừng lấy 2 từ “biên chế” ra để bao biện cho hành vi không hay ho gì của cả hai người, bởi chuyện đã diễn ra trong thời gian kéo dài. Bằng chứng để “uy hiếp” cô T. có được là cũng bởi cô đã cho phép đối phương làm việc ấy.

Cô T. đang xúc phạm nhân phẩm, danh dự các giáo viên hợp đồng

Chúng tôi càng không thể chấp nhận, nếu lời nói dưới đây trên báo Infonet là của cô T., khi cô bao biện rằng: “Ngoài tôi ra, nhiều giáo viên khác cũng phải đánh đổi không chỉ tiền và cả những thứ khác nhau chỉ để được “vào biên chế”.

Nói thế là cô T không chỉ xem bán rẻ chính mình, mà còn đang xem thường nhân phẩm những giáo viên hợp đồng khác.

Nhất là những giáo viên hợp đồng đã làm vợ và làm mẹ. Khó khăn của giáo viên hợp đồng là khó khăn chung, cũng đã có nhiều người phản ánh.

Hiện còn rất nhiều thầy cô khó khăn, những trường hợp như cô T. không ai có thể thống kê để xã hội biết là nhiều hay ít.

Nhưng khi cô T. khẳng định điều vừa nói trên đây: "nhiều giáo viên khác cũng phải đánh đổi không chỉ tiền và cả những thứ khác nhau chỉ để được vào biên chế” chỉ có thể nói lên hai điều.

Một là cô T. có thể khiến dư luận hiểu rằng đại đa số giáo viên hợp đồng phải đánh đổi cái gì đó để có được "biên chế", cho dù đó là chính thân xác và tâm hồn mình.

Hai là, nếu ai tin rằng điều cô T. nói là sự thật, thì đúng là thảm họa cho nền giáo dục nước nhà! Nhà giáo đã không còn nhân cách, thì con em chúng ta đi về đâu?

Cá nhân tôi tin vào khả năng thứ nhất nhiều hơn. Cô T. đang lợi dụng vào tâm lý xã hội xung quanh câu chuyện "biên chế" ngành giáo dục, để tìm chỗ dựa tinh thần cho mình lúc này.

Chúng tôi không muốn bàn đến chuyện cá nhân, trong khi chuyện đó chẳng hay ho gì, nhưng người trong cuộc lại muốn "vơ cả nắm" giáo viên hợp đồng đứng về phía mình, dùng 2 từ "biên chế" để bao biện cho những hành vi sai trái là điều không thể chấp nhận.

Chúng tôi không có quyền phán xét ai, cũng không có quyền xử lý ai, nhưng là những phụ huynh, thiết nghĩ mình cần phải lên tiếng:

Nếu còn tự trọng, cả hai vị "đổi tình lấy biên chế" hãy rời khỏi bục giảng!

Được biết Sở Giáo dục và Đào tạo Đak Lak, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn đã có những chỉ đạo ban đầu, nhưng chúng tôi chưa thấy được sự thức tỉnh của người trong cuộc.

Một người vẫn phủ nhận, vẫn tại vị Hiệu phó, còn một người vẫn muốn quay lại bục giảng, sân trường. Các vị có thể làm bất cứ nghề gì để kiếm sống, miễn là nó lương thiện, chỉ xin đừng tiếp tục làm nghề giáo.

Sai lầm của các vị do mình gây ra thì hãy tự chịu trách nhiệm, đừng kéo các giáo viên hợp đồng khác vào câu chuyện chẳng hay ho gì, cũng đừng lấy hai từ "biên chế" ra bao biện.

Sự vất vả, thiệt thòi của giáo viên hợp đồng là có thật. Nhưng có không ít thày cô đã vượt lên chính mình, bằng cách dũng cảm chọn một con đường lương thiện khác, chứ không chấp nhận đồng lõa với cái xấu chỉ để đổi lấy 2 chữ "biên chế".

Câu chuyện "Nữ giáo viên chấm dứt “duyên nợ” với sư phạm vì không… “chạy” được việc" đăng trên báo Infonet hôm nay, có thể là gợi ý cho cô T. và những ai có ý định đánh đổi "cái gì đó" để lấy biên chế.

Chúng tôi chỉ mong sao:

Những ai lạc bước mau dừng lại, Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về!

(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Neu-con-tu-trong-2-vi-doi-tinh-lay-bien-che-hay-roi-buc-giang-post179222.gd)

Ngày đăng: 08:02 | 26/08/2017

Báo Giáo Dục Việt Nam /