“Do thông báo năm tới sẽ nghỉ, tiền thưởng Tết của tôi bị giảm thế thảm, vì thế nếu có lần sau, tôi sẽ cứ cầm tiền thưởng đã rồi mới nói chuyện ra đi”.
Đó là tuyên bố của độc giả Quyết Nguyễn, phản hồi bài viết “Chờ nhận thưởng Tết xong mới nghỉ việc, có khôn lỏi quá không?”. Trong bài này, tác giả Trần Long cho rằng việc nhiều người chờ có thưởng Tết mới xin nghỉ là không chơi đẹp với công ty, khiến sếp bị động về mặt nhân sự.
Quyết Nguyễn chia sẻ câu chuyện của mình: “Đây cũng là kinh nghiệm xương máu của bản thân tôi. Suốt mấy năm luôn được đánh giá cao, thành tích xuất sắc, thưởng tết năm nào cũng cao (xứng đáng hoàn toàn). Đến năm thứ tư vì có cơ hội phát triển quá tốt nên tôi quyết định ra đi.
Vì kính trọng sếp, vì nghĩ mình nên chơi đẹp nên thôi báo trước để anh ấy kịp tìm người thay thế. Tôi còn nói nếu chưa kịp tìm, tôi có thể giúp anh làm thêm một thời gian ngắn nữa. Nghĩa là tôi thấy mình cũng cư xử vẹn tình vẹn nghĩa là đúng pháp luật rồi.
Nhưng kết quả là gì? Năm đó thưởng tết của tôi cực kỳ thảm hại, thua cả những cô cậu nhân viên mới thành tích phọt phẹt nữa. Thế nên ừ thì biết khôn lỏi đấy nhưng nếu có lần sau tôi sẽ cứ cầm tiền thưởng Tết đã rồi mới báo nghỉ việc. Thiên hạ chơi xấu, mình chơi đẹp thì thiệt thân, còn bị bạn bè mắng là ngu”.
Độc giả Minh Thúy cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự: “Tôi nè. Chơi đẹp báo nghỉ đúng luật nè, rồi cả năm cống hiến thành tích xuất sắc tiền thưởng Tết ko bằng đứa làm dốt, làm biếng. Từ giờ chừa. Cứ nhận thưởng xong báo gì thì báo”.
“Nếu là tôi, tôi cũng sẽ chờ nhận thưởng Tết rồi mới báo nghỉ, để tránh việc bị sếp cắt bớt thưởng. Họ nắm đường chuôi mà. Thưởng tết bao nhiêu trong hợp đồng đâu có ghi, họ muốn cho bao nhiêu thì cho, mình làm sao khiếu nại được”, độc giả Minh Tâm tuyên bố.
Hà Nguyễn cũng chia sẻ: “Cơ quan cũ của tôi chuyên cắt giảm thưởng Tết của người nào sắp nghỉ. Những người làm việc 10-11 tháng rồi nghỉ việc trước dịp cuối năm thì cũng không được đồng nào luôn. Thế nên mọi người thường cố đợi hết năm âm, có thưởng rồi mới nghỉ. Biết là không quân tử nhưng người ta cũng có quân tử đâu”.
Rất nhiều độc giả tuy thừa nhận việc thông báo nghỉ việc quá chậm so với quy định chỉ vì chờ thưởng Tết là không “chơi đẹp”, nhưng vẫn cho rằng đây vẫn là một cách để người lao động tránh bị thiệt thòi khi nhận thưởng. Bởi tình trạng bị giảm tiền thưởng sau khi thông báo ra năm sẽ nghỉ là phổ biến.
Hải Vân: Tác giả nói đúng, nhưng là đúng từ phía sếp, trong trường hợp sếp công bằng, quân tử. Nhưng đáng tiếc là nhiều sếp cũng chơi xấu, biết nghỉ là cắt thưởng tết hoặc xác định mức thưởng thấp không xứng đáng công sức bỏ ra. Nên đừng trách nhân viên khôn lỏi, họ phải đối phó thôi.
Hoàng Sơn: Em nghĩ không phải khôn lỏi đâu. Nhìn từ vị trí người chủ doanh nghiệp tốt thì là khôn lỏi. Tuy nhiên thưởng Tết là kết quả 1 năm làm việc của họ, họ xứng đáng được nhận, nhưng một số công ty sếp xấu tính, nếu họ báo nghỉ trước Tết thì sếp sẽ chỉ trả lương tháng 13, còn các khoản ràng buộc hoặc thưởng theo thỏa thuận trong năm sẽ không được nhận nữa.
Tuyết Lam: Tác giả nói rất hay, nhưng thực tế thì không chỉ người lao động khôn lỏi mà nhiều người sử dụng lao động còn chơi không đẹp nữa.
Bích Chi: Thưởng Tết đâu phải là ơn huệ gì đâu, nó thực chất là lương mềm, các sếp tách ra gọi là thưởng để khích lệ cuối năm, chứ cũng là tiền mình đáng được hưởng, công sức cả năm của mình. Biết nhân viên nghỉ thì giảm thưởng, chơi vậy mới không quân tử đó.
Thúy Nga: Tác giả nói như vậy là trong điều kiện lý tưởng, công ty chơi đẹp, sếp chơi đẹp. Còn nếu công ty chơi bẩn thì họ chỉ cần biết mình sắp nghỉ, họ cho mình khoản thưởng bèo bọt luôn.
Long Trần: Phần lớn công ty thưởng tết không tính điểm kỳ vọng như công ty tác giả đâu, nên họ trừ là trừ cái phần người lao động đáng được hưởng đó. Ai dại mà thông báo, chờ nhận tiền đã.
Nguyễn Huy: Đâu phải sếp công ty nào cũng quân tử mà trừ đúng cái điểm kỳ vọng như bạn nói đâu. Họ biết nhân viên sắp nghỉ là cắt thưởng Tết thành thấp vô lý luôn.
Nhân viên văn phòng: Vậy thưởng Tết là cho những cống hiến trong năm vừa qua hay là sự kỳ vọng vào nỗ lực trong tương lai ạ? Liệu những thứ ở tương lai có thể thấy trước hay không? Tôi nghĩ xin nghỉ việc gửi lúc trước Tết hoặc sau cũng đều được. Quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động có hành động đẹp hay không: Người lao động bàn giao mọi thứ suôn sẻ, không làm gián đoạn công việc của doanh nghiệp; người sử dụng lao động có chi trả xứng đáng với cống hiến của nhân viên hay không.
Bên cạnh đó, một số độc giả cũng nói về tình trạng người lao động vì sợ mất, sợ giảm thưởng Tết mà hành xử không đúng luật khi báo nghỉ muộn, về cái khó của phía sử dụng lao động khi bị “bỏ bom” như vậy.
Bình Phạm: Ra Tết nhân viên nghỉ việc là thực trạng phổ biến. Họ chẳng nói một lời, chờ nhận thưởng xong mới báo. Còn nếu nghỉ trong năm thì thường là cũng thông báo trước 30-45 ngày rất đúng luật.
Trần Cung: Tôi cũng là chủ doanh nghiệp, nhiều cái tết phải đối phó với tình trạng nhân viên nghỉ việc sau tết nhưng chỉ báo trước ít ngày vì chờ nhận thưởng Tết. Sang cơ quan mới, vì là mới sẽ không có thưởng tết nên họ đợi năm mới mới đi. Kết quả là công ty cực kỳ bị động. Tôi đang áp dụng một cách là lẽ ra thưởng Tết 30 triệu thì tôi chỉ phát 20 thôi, số còn lại đợi tổng kết quý 1 mới phát cho những người còn ở lại.
Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
MINH ANH
Doanh nghiệp Quảng Nam thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cao nhất bao nhiêu? |
Hà Nội: Thưởng tết 2021 cao nhất là 400 triệu đồng |
Thưởng Tết |
Ngày đăng: 08:29 | 19/01/2021
/ vtc.vn