Năm 2022 kết thúc với nhiều kết quả lạc quan về kinh tế vĩ mô. Nhưng đằng sau đó là sự gồng mình nỗ lực của cả hệ thống chính trị, và phía trước vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức...
Không nên lạc quan quá mức
Trong năm 2022, kinh tế thế giới hồi phục tốt trong 2 tháng đầu năm khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và hầu hết các nước quốc gia dần mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi xung đột nổ ra tại Ukraine và dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng với chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc. Những khó khăn đến cùng lúc đã tác động tiêu cực đến sức cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng, giá cả hàng hóa, lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ…
Để đối phó với lạm phát, Ngân hàng Trung ương các nước liên tục tăng lãi suất nhanh và mạnh; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng nhanh; giảm mạnh sức cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng, tăng rủi ro tài chính, rủi ro nợ tại nhiều quốc gia, nguy cơ suy thoái hiện hữu. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực với những bài toán khó về phục hồi kinh tế, lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ... Nhưng sau cùng, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, dù đạt được những kết quả tích cực, song chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Khó khăn đầu tiên được nhận diện là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế. “Đáng chú ý, sự suy giảm thương mại và đầu tư trên toàn cầu đang gây ra những tác động và hệ lụy tiêu cực, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết. Đó là những bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn và khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng; khả năng chống chịu trước những cú sốc; năng lực tự chủ của nền kinh tế…
Theo các chuyên gia, dù kinh tế Việt Nam đang duy trì đà phục hồi tốt, đặc biệt GDP quý III-2022 có sự bật tăng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số nhờ kịp thời chuyển hướng, mở cửa trở lại nền kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên sự phục hồi này khó kéo dài. Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Sự phục hồi mạnh chỉ là hiện tượng nhất thời, bởi những yếu tố tạo nên phục hồi như xuất khẩu, du lịch, dịch vụ, sản xuất… không tăng như những tháng trước và cũng khó kéo dài đến năm 2023 hay 2024”. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải nhận diện và đánh giá năm 2022 đúng với thực tế, tránh lạc quan quá mức sẽ dẫn tới không phù hợp với thực tế diễn biến của nền kinh tế.
Khó khăn, thách thức đang chờ
Theo các chuyên gia, trong năm 2023 tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Tăng trưởng đang bị chậm lại, nguy cơ suy thoái sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức cơ bản của kinh tế nước ta trong năm 2023. Ví dụ như: Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; Giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023 vẫn còn chậm; Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023; Thị trường tài chính, tiền tệ, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt…
Từ đó, vị chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp cần được lưu tâm. Trong đó, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng...
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. Đồng thời, có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính - bất động sản. “Cần đảm bảo 4 cân bằng là: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà Nhà nước và tư nhân” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu rõ.
Một nhóm giải pháp quan trọng khác là cần sớm giải quyết các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư… Từ đó, đảm bảo thanh khoản của thị trường và an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Sự tìm đến của dòng vốn FDI là một “lá phiếu tín nhiệm” đối với Việt Nam
Năm 2022, hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực giúp Việt Nam tăng trưởng 8,8% trong 3 quý đầu của năm 2022. Trong đó, xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng…
Năm 2022, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát, đồng thời không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, những “cơn gió ngược” đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Những “cơn gió ngược” này khiến Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%. Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính. Việt Nam cũng nên cảnh giác với lạm phát trong năm 2023. Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, tôi tin Việt Nam có thể đối đầu những “cơn gió ngược” trong năm 2023. Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm” với Việt Nam.
Doanh nhân Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát): Khởi nghiệp năm 2023: Vững tin, nhưng thận trọng
Sản xuất kinh doanh năm 2023 được dự đoán là sẽ có không ít khó khăn thách thức mà người khởi nghiệp (start-up) cần phải đối mặt. Đây cũng là bài toán trăn trở mà Tân Hiệp Phát chúng tôi đã cảm nhận từ năm 2022. Chúng tôi sớm nhìn thấy khó khăn và trải qua từ thách thức này đến thách thức khác. Ví dụ như ngay sau giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19 và cho đến Tết năm 2022 là giai đoạn thực sự vất vả. Bởi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng chỉ ở nhà, không có tương tác trực tiếp và đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, tâm lý nhân viên cũng có nhiều tác động bởi căng thẳng trong cuộc sống, những lo toan và có không ít chuyển dịch về công việc.
Đến hiện tại, những khó khăn đó vẫn hiển hiện và là bài toán chắc chắn phải đặc biệt quan tâm tìm lời giải lâu dài. Năm 2023 theo dự báo chứa đựng không ít thay đổi, biến động ảnh hưởng đến nền kinh tế. Một trong những lời khuyên mà Tân Hiệp Phát lấy làm kim chỉ nam, cũng như đây có thể xem như kinh nghiệm cho các “start-up”; đó là: chúng ta nên bước từng bước thận trọng. Như Dr Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc, nhà sáng lập của Tân Hiệp Phát cũng đã có chia sẻ: “Đây là thời điểm lái xe trong sương mù”. Tất cả yếu tố bên ngoài đều là những dấu chấm hỏi và có quá nhiều những ẩn số, nên hình ảnh “lái xe trong sương mù” là một trong những nội dung quan trọng về định hướng mà Tân Hiệp Phát luôn nhắc nhở tất cả các cấp quản lý trong Tập đoàn là Giám đốc khối.
Tôi cho rằng, vững tin nhưng thận trọng, đồng thời chủ động có các giải pháp cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, đi kèm với sự kiên định, nỗ lực không ngừng nghỉ, tạo sự khác biệt của giá trị khởi nghiệp. Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai… là lời khuyên của tôi với các “start-up” trong năm 2023.
https://www.anninhthudo.vn/nen-tang-vung-vang-giup-viet-nam-vuot-kho-trong-nam-2023-post528971.antd
Ngày đăng: 08:09 | 23/01/2023
Hà Loan / ANTĐ