Khi tôi học môn marketing cho khởi nghiệp ở nước ngoài, giáo sư yêu cầu học viên liệt kê các lý do khiến họ lo lắng khi khởi nghiệp.
Ngô Trọng Thanh |
Khi tôi học môn marketing cho khởi nghiệp ở nước ngoài, giáo sư yêu cầu học viên liệt kê các lý do khiến họ lo lắng khi khởi nghiệp.
Kết quả: trong khi các bạn Mỹ sợ nhất ý tưởng chưa đủ đột phá và không đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư, thì tất cả dân châu Á trong lớp đều coi trở ngại lớn nhất của họ là sợ bị ném đá, sợ thất bại và bị dư luận xã hội chê cười. Thái độ tiêu cực từ cộng đồng như một rào cản rất vô hình, nhưng cũng rất thật níu bước họ khỏi vùng an toàn.
Song ngược lại, tất cả học viên người Mỹ thì không có tâm lý này. Họ cho rằng bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào tung ra một ý tưởng mới thì hơn 350 triệu người Mỹ luôn sẵn sàng thử nghiệm. Các bình luận của họ phần lớn là “Tôi thích nó, Ý tưởng này thật tuyệt… Hãy thử đi bạn”. Họ sẵn sàng cởi mở, khuyến khích vô tư người khác khởi động sự mới lạ, ủng hộ sự nỗ lực với tinh thần, lời lẽ xây dựng, động viên. Điều này khiến dân châu Á chúng tôi thèm muốn, bởi mở trang diễn đàn của nước mình, tôi chỉ thấy hầu hết là các ý kiến chê bai.
Một lần, tôi được mời làm diễn giả trên truyền hình, nói về một dự án khởi nghiệp đình đám của một doanh nghiệp phía Bắc.
Sau đó, tôi thử vào các trang mạng xem họ nói gì. Ngoài một số ít ý kiến khen ngợi (mà tôi nghi là người nhà) thì hầu hết là các ý kiến chê bai, dè bỉu. Tôi ù tai hoa mắt. Sau đó, dự án thất bại. Sự thất bại có nhiều nguyên nhân song tôi không loại trừ khả năng nhiều người trong đội ngũ đó đã mất hết tinh thần, sau khi đọc được hàng nghìn ý kiến đạp đổ.
Đến giờ, tôi vẫn day dứt với một comment, có thể được viết từ một "người nhà" hay chủ dự án: "Nếu không yêu thương, xin đừng nói lời cay nghiệt".
Với lối sống cộng đồng, người Á châu vốn dĩ rất sợ thất bại và sợ dư luận xã hội, người Việt Nam càng sợ "mất mặt". Có những đêm tôi vắt tay lên trán và tự hỏi: Tại sao mọi người dân mình luôn dị ứng với cái mới, tại sao chúng ta rất khó khăn trong việc tôn trọng sự khác biệt, và tại sao chúng ta sẵn sàng ủng hộ hết mình những ước mơ táo bạo của Elon Musk, nhưng cười nhạo ước mơ chế tàu ngầm của người kỹ sư Việt?
Hai năm trước, khi con trai út của tôi rạng rỡ trở về với tấm huy chương đồng đội của giải bóng đá trẻ Arsenal châu Á, con trai lớn của tôi chợt hỏi: "Bố, ngày xưa con chạy nhanh nhất trường, nhưng mẹ không cho con đi thi đấu. Nếu được đi thi, biết đâu con cũng được huy chương như em nhỉ?"
Cũng có thể con lớn của tôi sẽ có huy chương, hay thành vận động viên chuyên nghiệp, nếu như vợ chồng tôi tin tưởng hơn vào khả năng và lựa chọn của con. Và việc thiếu lòng tin đó, có thể đã làm thui chột khả năng thể thao của con trai mình, và biết đâu, nó làm cho con tôi thiếu tự tin và dũng khí để thử thách bản thân trong cuộc sống sau này.
Tâm lý cộng đồng tích cực chính là một “vốn xã hội” quý giá mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có được.
Liệu những người “ném đá” có biết rằng, khi một ý tưởng được thai nghén, thì mỗi doanh nhân tương lai phải quyết định "có hay không", và những lời comment thiếu tính xây dựng sẽ góp phần bóp chết ý tưởng đó từ trong trứng nước. Thực tế có những dự án khởi nghiệp thiếu khả thi, và nó thất bại, nhưng đó không phải là lý do ta nên ném đá tơi bời mà không động viên họ làm lại với tinh thần xây dựng.
Mỗi ý tưởng, mỗi con người, và mỗi doanh nghiệp đều có điểm mạnh, rất mạnh, và cũng có điểm yếu, rất yếu. Nếu được khích lệ và phát huy những điểm mạnh, dù là hiếm hoi, tôi tin rằng cơ hội thành công sẽ đến với mỗi người, mỗi doanh nghiệp. Và ngược lại.
Làm sao để người Việt Nam chúng ta thay đổi văn hóa bình luận nói riêng và cách nhìn nhận người khác nói chung? Tôi nghĩ trước cái mới, mỗi người chỉ cần hoặc ủng hộ hoặc góp ý, đặt câu hỏi thêm trên tinh thần xây dựng chứ không phải chê bai kiểu đạp đổ và đặc biệt là công kích cá nhân.
Doanh nhân cần vững vàng, bạn sẽ nói thế. Nhưng đừng quên trước hết họ cũng là những con người có đầu đủ hỷ nộ ái ố, và luôn có sự mong manh trong sâu thẳm.
Thay vì tiếp tục hỏi “Bao giờ Việt Nam có doanh nghiệp lớn?” rồi chê bai người đang làm, bạn chỉ cần tự hỏi mình trước khi gõ một câu bình luận trên mạng: “Nếu là người bị chê đó thì mình có đủ dũng cảm đi tiếp hay không?”. Và hãy nhớ, tất cả đế chế kinh doanh toàn cầu ban đầu đều trải qua quá trình trứng nước mong manh dễ vỡ như vậy.
Giải pháp phải đến từ mỗi người, chính bạn. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy nghĩ cho người khác, mãi mãi chúng ta là những con cua trong chậu. Một con leo lên thì ngay lập tức có con khác kéo xuống, dù chậu cua vẫn cứ mãi huyên náo.
Và ngày có Bill Gates, Steve Jobs, hay Elon Musk của Việt Nam vẫn còn xa.
Ngô Trọng Thanh
Ngày đăng: 19:10 | 23/08/2017
Theo VnExpress /