Liên minh quân sự NATO bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận hải quân ở biển Baltic với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.
Hôm 5/6, NATO khởi động cuộc tập trận hải quân có tên gọi BALTOPS 22, kéo dài gần 2 tuần (từ 5-17/6) do Mỹ dẫn đầu trên biển Baltic. Cuộc tập trận có sự tham dự của hơn 7.000 thủy thủ, không quân và lính thủy đánh bộ, và 45 tàu, 75 máy bay chiến đấu từ 16 quốc gia.
Cuộc tập trận BALTOPS 22 của NATO có sự tham gia của 2 quốc gia vừa nộp đơn xin gia nhập NATO là Phần Lan và Thụy Điển. Cả 2 nước là đối tác thân thiết của NATO và đã tham gia cuộc diễn tập hải quân từ giữa những năm 1990.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. (Ảnh: AP)
Cuộc tập trận hải quân BALTOPS diễn ra hàng năm, bắt đầu vào năm 1972. NATO cho rằng “với sự tham gia của cả Thụy Điển và Phần Lan, liên minh quân sự này đang phối hợp nâng cao khả năng phục hồi và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng".
Phát biểu trước thềm diễn ra cuộc diễn tập hải quân, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ tại Thụy Điển cho biết NATO thể hiện sự ủng hộ đặc biệt đối với các chính phủ ở Helsinki và Stockholm.
“Điều quan trọng đối với chúng tôi, Mỹ và các nước NATO khác là thể hiện tình đoàn kết với cả Phần Lan và Thụy Điển qua cuộc tập trận này”, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết hôm 4/6.
Tướng Mark Milley nhấn mạnh biển Baltic là vùng nước quan trọng về mặt chiến lược - "một trong những con đường biển lớn của thế giới". Nga sẽ rơi vào tình thế khó khăn về quân sự vì đường bờ biển của biển Baltic sẽ bị các thành viên NATO gần như kiểm soát hoàn toàn một khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Phần Lan và Thụy Điển đều có lịch sử không liên kết quân sự lâu dài trước khi chính phủ của họ quyết định nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5. Điều này diễn ra sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, với lý do cáo buộc 2 nước Bắc Âu ủng hộ một nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. NATO đang cố gắng thuyết phục Ankara ủng hộ nguyện vọng của Helsinki và Stockholm.
https://vtc.vn/nato-tap-tran-hai-quan-voi-phan-lan-thuy-dien-ar680769.html
Ngày đăng: 08:23 | 06/06/2022
KÔNG ANH(Nguồn: ABC News) / VTC News