Tổng thư ký khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết nhằm ứng phó với các thách thức an ninh do cuộc chiến tại Ukraine gây ra.
Được tổ chức vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 5 với nguy cơ leo thang ngày càng nghiêm trọng, Hội nghị Thượng đỉnh liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO diễn ra trong 3 ngày, từ 28 - 30/6 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha được đánh giá là một trong những Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhất của NATO trong nhiều thập kỷ qua.
Tại Madrid, nguyên thủ của 30 quốc gia thành viên khối quân sự lớn nhất thế giới sẽ phải thảo luận về tình hình cuộc chiến tại Ukraine, các hỗ trợ quân sự với Ukraine, việc thay đổi chiến lược và học thuyết chiến tranh của NATO, quyết định tái bố trí lực lượng của NATO tại sườn Đông châu Âu cũng như việc kết nạp hai nước Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO.
NATO đang đối mặt với nhiều quyết định lịch sử. (Ảnh: NATO)
Trong thông điệp gửi đi trước thềm Thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết cuộc họp 3 ngày tại Madrid lần này sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng nhất của NATO trong cả một thế hệ, nhằm đối phó với các thách thức an ninh đặt ra sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thay đổi đầu tiên là việc tái bố trí lực lượng của NATO. Theo ông Jens Stoltenberg, các nguyên thủ NATO sẽ thông qua kế hoạch tăng lực lượng thường trực, phản ứng nhanh của NATO lên mức 300.000 quân, thay cho con số 40.000 quân hiện nay. Tất cả các đơn vị quân đội NATO đồn trú tại 3 quốc gia Baltic cũng như 5 mặt trận khác sẽ được nâng cấp lên cấp độ lữ đoàn, với biên chế từ 3.000 đến 5.000 quân, thay vì cấp tiểu đoàn như hiện nay.
Ngoài ra, NATO cũng dự tính sẽ xây dựng và đặt các kho dự trữ vũ khí xa hơn gần mặt trận phía Đông và dự kiến hoàn tất việc này trong năm 2023. Tất cả những điều này đều là những thay đổi lớn nhất mà NATO thực hiện kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Về việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, Tổng thư ký NATO cũng cho biết các lãnh đạo NATO sẽ thông qua gói trợ giúp tăng cường toàn diện cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp ngay lập tức hệ thống liên lạc bảo mật, hệ thống chống máy bay không người lái cũng như nhiên liệu. Tuy nhiên, NATO nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì quan điểm không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhằm tránh bị lôi kéo vào xung đột quân sự trực diện với Nga.
NATO dự kiến cũng sẽ bàn thảo về vấn đề ngân sách quốc phòng của các nước thành viên, nhằm thúc giục các nước nhanh chóng đạt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP mỗi năm cho ngân sách quốc phòng. Trong số 30 thành viên NATO, hiện chỉ có 9 nước đạt và vượt con số này.
Ngoài các vấn đề trên, một chủ đề trọng tâm tại Thượng đỉnh NATO lần này là về việc kết nạp Phần Lan, Thuỵ Điển làm thành viên, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phản đối 2 quốc gia Bắc Âu và yêu cầu 2 nước này nhượng bộ về vấn đề không chứa chấp các lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố.
Phát biểu trong ngày 27/6 sau khi có cuộc gặp Thủ tướng Thuỵ Điển, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO sẽ lưu tâm đến các quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tổ chức cuộc gặp giữa các bên trong sáng 28/6 nhằm cố gắng đạt thoả thuận trước khi Thượng đỉnh NATO bắt đầu.
“Các quan ngại về an ninh của tất cả các quốc gia đồng minh đều cần được xem xét như là một phần của tiến trình kết nạp thành viên NATO. Các quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ là hợp pháp và cần được thảo luận. Không có quốc gia đồng minh nào hứng chịu các hậu quả của khủng bố nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Jens Stoltenberg nói.
https://vtc.vn/nato-du-kien-dua-ra-nhieu-quyet-dinh-lich-su-tai-thuong-dinh-o-madrid-ar684588.html
Ngày đăng: 08:25 | 28/06/2022
QUANG DŨNG / Theo VTC News