Từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên thay vì 300 triệu đồng như hiện nay, vậy quy định mới áp dụng cho đối tượng nào?

Quy định mới này được ban hành để thay thế quy định 20/2013.

Phân tích về quy định mới, trả lời trên VOV Giao thông, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho biết, những đối tượng áp dụng quy định trên là tổ chức tài chính, tổ chức cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 4 Luật phòng chống rửa tiền.

“Quy định về hạn mức giao dịch phải báo cáo không phải là quy định mới. Cụ thể, mức giao dịch này đã được quy định theo quyết định số 20 năm 2013 của Thủ tướng, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 300 triệu đồng trở lên. Theo quan điểm của tôi, việc quy định nới lỏng, tăng hạn mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ tạo thuận lợi và linh hoạt hơn cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giao dịch”, luật sư Phạm Thành Tài nói.

Theo khoản 1 và khoản 2 điều 4 luật chống rửa tiền, đối tượng phải báo cáo giao dịch có giá trị lớn là các tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện một hoặc một số hoạt động như nhận tiền gửi, cho vay, cho thuê tài chính, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền.

Nâng mức giao dịch phải báo cáo NHNN lên 400 triệu đồng: Áp dụng với những ai? - 1

Từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên. (Ảnh minh họa: Internet)

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc lộ lọt thông tin cá nhân, luật sư Trương Thị Hòa, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng người giao dịch có thể yên tâm. “Trong hoạt động báo cáo giao dịch có một số thông tin về người giao dịch, nhưng tôi tin rằng trong việc này ngân hàng phải thực hiện chức năng, trách nhiệm của mình là giữ bí mật những thông tin đó và chỉ thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền phòng chống rửa tiền biết để phòng chống các trường hợp xấu chứ không phổ biến rộng rãi. Cho nên tôi nghĩ rằng người dân có thể yên tâm vấn đề này”, bà Hòa nói.

Đối tượng báo cáo là tổ chức cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động gồm kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh kim khí quý, đá quý, kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc này khó khả thi và hiện cũng chưa có những quy định ràng buộc cụ thể.

Ông Phạm Luân, Công ty DKRA Việt Nam chia sẻ: “Việc mua bán giao dịch bất động sản hiện nay có rất nhiều đối tượng tham gia chứ không chỉ riêng sàn giao dịch, những kênh đầu tư khác thì liệu rằng tiền mặt giao dịch như thế nào? Và như hiện nay chúng tôi nhận thấy những quy định trên ban đầu sẽ gây rối, tôi nghĩ rằng sẽ cần hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn”.

 

Có thực tế là hiện nhiều dự án chưa đủ điều kiện giao dịch thì gần như giao dịch tiền mặt, ít giao dịch qua ngân hàng nên rất khó tuân thủ báo cáo. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: “Luật kinh doanh Bất động sản 2014 đã bãi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư phải bán sản phẩm, dự án nhà ở thương mại của mình thông qua sàn giao dịch. Hiện nay, các chủ đầu tư trực tiếp bán hàng, còn trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu sàn giao dịch bán hộ sản phẩm thì đó là quyền của chủ đầu tư. Cho nên hiện nay chắc chắn số liệu báo cáo của sàn giao dịch, của công ty môi giới báo cáo về Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng của các địa phương không phản ánh được thực tế giao dịch trên toàn bộ thị trường”.

Trước nhiều yếu tố lo ngại sẽ có việc lách luật mà cụ thể ở đây là sẽ chia nhỏ giao dịch, luật sư Phạm Thành Tài nhận định: “Việc lách luật, tức là thực hiện chia nhỏ và chuyển các khoản tiền nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng về giao dịch có giá trị lớn vốn là một trong những phương thức chủ yếu của các đối tượng rửa tiền thì đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, không vì thế mà chúng ta không nghiên cứu đưa ra những quy định mới có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội”.

Song song với đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và xử lý tội phạm rửa tiền bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống rửa tiền. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trong Thịnh đề xuất: “Trước hết để phòng chống rửa tiền trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng việc đầu tiên chúng ta phải làm là phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân. Chỉ có thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì chúng ta mới có cơ hội kiểm tra, giám sát tốt nhất các hoạt động trong nền kinh tế và từ đó giúp cho việc công khai minh bạch các khoản thu nhập sẽ dễ dàng.

Thứ hai, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống rửa tiền và phải đi theo thông lệ quốc tế, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việc thành lập các lực lượng đặc nhiệm tài chính để mà chống rửa tiền cũng là một trong những đòi hỏi rất quan trọng. Việc thay đổi các biện pháp cho phù hợp với điều kiện phát triển của công nghệ số hiện nay là một trong những hoạt động rất quan trọng”.

Trước đó, lý giải về quy định này, NHNN cho biết, việc xây dựng quyết định hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Định mức về giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng đã được áp dụng từ năm 2013, đến nay, tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần vì vậy việc quy định nâng hạn mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 400 triệu đồng là phù hợp và sẽ có tác động tích cực đảm bảo an toàn cho thị trường tài chính Việt Nam.

Từng lý giải với VTC News về lý do NHNN yêu cầu những giao dịch lớn phải báo cáo, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều này phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.

Theo ông Thành, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là công cuộc mà tất cả các quốc gia đều quan tâm, Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý. Đây cũng không phải là lần đầu chúng ta làm chuyện này. Những việc gắn với sự phát triển xã hội, làm trong sạch xã hội thì nên làm. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra.

Không những thế, những quy định chặt chẽ trong Luật Phòng chống rửa tiền còn gắn liền với các cam kết quốc tế, phù hợp với các thông lệ quốc tế. “Trong bối cảnh chúng ta đang muốn xây dựng hệ thống các trung tâm tài chính trong đó có dòng tiền mang tính chất xuyên biên giới, tính chất toàn cầu thì nghị định này lại càng cần thiết để đáp ứng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.

https://vtc.vn/nang-muc-giao-dich-phai-bao-cao-nhnn-len-400-trieu-dong-ap-dung-voi-nhung-ai-ar770344.html

Ngày đăng: 08:09 | 05/05/2023

Đức Thiện / VTC News