Có thể khẳng định chuyển đổi số là một cuộc “cách mạng” có thể tạo ra những đột phá, giá trị gia tăng lớn hơn cho doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tối ưu các nguồn lực.

 

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, đồng thời là nhu cầu tự thân để tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực Dầu khí và ứng biến linh hoạt với môi trường kinh doanh hiện đại và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn, là công cụ để thực hiện dịch chuyển mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh.

Với nhận thức như vậy, thời gian qua, Petrovietnam đã xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số, trong đó, Tầm nhìn số và Lộ trình chuyển đổi được ban hành tại Công ty mẹ - Petrovietnam bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện chuyển đổi số. Công tác số hóa và ứng dụng công nghệ số đã được nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn triển khai sâu rộng bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng số hóa, hệ thống quản lý dữ liệu lớn (BIG DATA)…

Nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu các nguồn lực

Năm 2023, Tập đoàn xác định trọng tâm tăng tốc chuyển đổi số, nền tảng số trong toàn Tập đoàn phù hợp với công tác quản trị theo hướng tích hợp, đồng bộ từ Công ty mẹ - Petrovietnam tới các đơn vị thành viên, cập nhật lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) - Giai đoạn 1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ ERP giai đoạn tiếp theo tại Công ty mẹ Petrovietnam như: triển khai giải pháp quản trị nguồn nhân lực và quản lý công tác đào tạo; dịch vụ chuyển đổi dữ liệu tài chính từ phần mềm Sun System vào hệ thống ERP; xây dựng và triển khai Cổng thông tin ERP (ERP Portal)…; tiếp tục hoàn thành, cập nhật điều chỉnh và phê duyệt Lộ trình chuyển đổi số 2022-2026 như lập kế hoạch triển khai chi tiết các sáng kiến số 2023, kiện toàn nhân sự làm công tác chuyển đổi số.

Việc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Petrovietnam. Chúng tôi đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn doanh nghiệp (ERP); đã tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai xây dựng các nhà máy thông minh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh cho nhiều mặt hàng chủ lực của Tập đoàn. Nhờ vậy, trong năm 2022, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, Petrovietnam đạt được nhiều thành tích hết sức ấn tượng, toàn diện. Tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 05 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng cao.

 https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/99704d2e-fe04-46cb-be3f-3d7e9dc55d85

Ngày đăng: 09:56 | 14/05/2023

PV / Cổng thông tin điện tử PVN