Biên giới rộng rãi, mạng lưới tội phạm được tổ chức hoàn hảo, thị trường chợ đen trải rộng khắp... Trong khi đang rất thiếu vaccine ngừa COVID-19, Châu Phi lại có đủ mọi thứ để dụ dỗ bọn tội phạm mặc áo khoác trắng. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng đây là địa bàn lý tưởng để phát tán vaccine giả và tạo ra “một cơn thác lũ” cho các băng nhóm tội phạm.
Nỗi ám ảnh mang tên vaccine và thuốc giả
Ngày 6-3-2020, chỉ một ngày sau khi các nhà chức trách Nam Phi xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 và chỉ một vài tuần sau khi Ai Cập là quốc gia đầu tiên trên lục địa Châu Phi tuyên bố tìm ra người bị nhiễm COVID-19, cảnh sát Uganda đã bắt giữ một “thầy lang” cùng con gái ở một ngôi làng cách thủ đô Kampala của Uganda 120km về phía Đông.
Fred Enanga, người phát ngôn của cảnh sát cho biết “Họ đã đến một số gia đình và tuyên bố rằng họ đã tìm ra một loại vaccine chống lại coronavirus. Người dân địa phương đã tin và mua loại vaccine với giá đã thỏa thuận trước khi được tiêm”.
Mlungisi Wondo, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi (Sahpra), cho biết vào ngày 19-11-2020, một sự cố nghiêm trọng hơn nhiều đã xảy ra tại một nhà kho ở Germiston. Cảnh sát đã phát hiện một "lô hàng đáng ngờ" đến từ sân bay Tambo, phía Đông Johannesburg. Sau khi mở "một số kiện", cảnh sát ngay lập tức đã liên hệ với Sahpra.
“Các thanh tra viên của chúng tôi đã đến và phát hiện ra những ống tiêm chứa sẵn vaccine, dán nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc. Hai người có mặt tại hiện trường - chủ kho hàng và chủ hàng là người Trung Quốc - đã bị bắt. Rõ ràng là những ống tiêm này nhằm mục đích được bán như những liều vaccine ngừa COVID-19 đích thực”, Wondo nói. Theo Interpol, các vaccine giả này được chào bán trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc và được nhập khẩu từ Singapore theo danh mục “sản phẩm thẩm mỹ dạng tiêm”…
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2013 đến năm 2017, gần một nửa số thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng trên thế giới được lưu hành ở Châu Phi cận Sahara, nơi việc kiểm soát thị trường và biên giới rất yếu kém và việc phân phối dược phẩm giả thường không bị coi là tội phạm, bất chấp những nguy hiểm mà chúng có thể gây ra.
Báo cáo của WHO đã cho thấy các loại thuốc điều trị sốt rét giả là nguyên nhân gây ra 158.000 ca tử vong mỗi năm ở vùng cận Sahara, và thị trường thuốc giả hiện chiếm tới 200 tỷ USD, tương đương 10 đến 15% thị trường dược phẩm thế giới.
Những mạng lưới tội phạm có tổ chức
Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp kiểm soát ở Châu Phi không chặt chẽ như ở Châu Âu và Mỹ, nơi mà mỗi mắt xích trong chuỗi phân phối vaccine - từ sân bay, hãng vận tải đến nhà sản xuất – đều được giám sát chặt chẽ bởi các các ê-kip được đào tạo đặc biệt.
Các công ty thường xuyên kiểm tra lý lịch và giám sát mọi hoạt động của các nhân viên; các hộp vaccine được gắn thiết bị theo dõi GPS và được cất giữ ở những địa điểm bí mật; một số liều được trang bị các công nghệ xác minh “ánh sáng đen” (với những dấu hiệu chỉ xuất hiện dưới tia cực tím) để chứng minh tính xác thực của chúng; một số công ty còn sử dụng mồi nhử để đánh lạc hướng bọn tội phạm.
Ngược lại, ở hầu hết các quốc gia Châu Phi, các nhà chức trách vẫn đang bị cuốn vào các cuộc đàm phán để có được vaccine và mò mẫm tìm giải pháp cho những thách thức lớn về mặt hậu cần trong việc phân phối chúng trên khắp các vùng lãnh thổ rộng lớn của đất nước mình khi mà mạng lưới đường sá nghèo nàn, hoặc thậm chí không tồn tại.
Một báo cáo của WHO vào tháng 11-2020 đã chỉ ra rằng "Châu Phi (còn) chưa sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất trên lục địa". Theo bản báo cáo này, dựa trên các dữ liệu do chính các quốc gia cung cấp, chỉ 24% quốc gia Châu Phi có "kinh phí và nguồn lực cần thiết" cho hoạt động tiêm chủng vaccine cho toàn dân; 17% có khả năng triển khai các công cụ giám sát và thu thập dữ liệu; chỉ 12% đã thiết lập được các chương trình truyền thông để “xây dựng lòng tin và tạo ra nhu cầu về vaccine” trong dân chúng.
Đau xót vì hoàn cảnh của một trong những chị em gái bị nghiện codeine nhập khẩu bất hợp pháp vào Nigeria, Ruona Meyer đã dành hơn một năm để thâm nhập vào các băng nhóm buôn lậu dược phẩm ở Tây Phi. Cô đóng giả là một người mua sắm - những kết quả điều tra đã được công bố trong bộ phim tài liệu “Sweet Sweet Codein” (Codein ngọt ngào).
Cuộc điều tra đã dẫn đến một số vụ bắt giữ và kết án, trong đó có giám đốc một tập đoàn dược phẩm. Meyer thừa nhận: "Châu Phi hội tụ đầy đủ các yếu tố để xuất hiện của thị trường chợ đen vaccine. Sự gia tăng số ca nhiễm trùng và tử vong, cũng như đợt dịch COVID-19 thứ ba hoặc thứ tư, sẽ làm tăng mối lo ngại và tăng nhu cầu về vaccine. Sẽ có lúc chúng ta cạn kiệt vaccine và đó là lúc bọn tội phạm sẽ lợi dụng. Các mạng lưới tội phạm không gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng giả của chúng vào các mạng lưới phân phối toàn cầu”.
Marius Schneider và Nora Hồ Tú Nam là những luật sư hành nghề tư vấn cho một số công ty dược phẩm lớn nhất thế giới về các vấn đề sở hữu trí tuệ. Trong một báo cáo được xuất bản bởi Tạp chí “Luật Sở hữu Trí tuệ & Thực hành” vào tháng 5-2020, họ đã cảnh báo độc giả về nguy cơ vaccine giả trên lục địa Phi Châu. “Chúng tôi đã gặp phải những trường hợp một tổ chức phi chính phủ tham gia vào việc phân phối vaccine giả. Các tổ chức này đảm nhận nhiệm vụ tiêm chủng cho cộng đồng, nhưng các nhân viên tại địa phương lại là một phần của các mạng lưới tội phạm”, Schneider giải thích.
Schneider đã cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình cho cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Đặc biệt, anh đã tham gia vào cuộc điều tra “Gomorra” nổi tiếng, cuộc điều tra về các sản phẩm giả mạo, đặc biệt là các công cụ điện, được bán tràn lan khắp châu Âu, dẫn đến sự sụp đổ của một số nhân vật chính của Camorra, băng đảng mafia Neapolitan.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), từ nhiều thập kỷ, mafia Ý đã buôn bán các sản phẩm dược phẩm bị đánh cắp hoặc không được kiểm soát, hầu hết chúng được sản xuất ở châu Á. Vào đầu tháng 12-2021, một điều tra viên người Anh giấu tên nói rằng “các mạng lưới mafia đã lưu hành vaccine giả khắp châu Âu”.
Ông cũng xác nhận sự tồn tại của các mối liên kết giữa các nhóm mafia này và “một số băng nhóm tội phạm ở Nigeria, Maroc, Ai Cập và Côte d’ivoire”. Băng đảng Camorra cũng có mặt ở Nam Phi. Năm 2014, 5 công dân Ý đã bị bắt gần Port Elizabeth và bị buộc tội cố gắng bán các dụng cụ điện giả trị giá hàng triệu đô la Nam Phi.
Hỗn loạn và tuyệt vọng
Một số nguồn tin trong các cơ quan chống tội phạm quốc tế nói rằng khi các tuyến thương mại được thiết lập tốt giữa Châu Phi và một số nước châu Á, chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phép các mạng lưới tội phạm đưa hàng giả của họ vào các chuỗi phân phối.
Các phóng viên điều tra đã nói chuyện với một cựu trùm buôn lậu ma túy ở Tây Phi, người hiện nay đã bỏ nghề. Theo anh này, các mạng lưới tội phạm “chỉ chờ đợi sự hỗn loạn, tuyệt vọng và thiếu tổ chức” của các chiến dịch tiêm chủng để bắt đầu ra tay phân phối sản phẩm của chính họ, hoặc tiến hành đánh cắp các lô vaccine thật.
Anh ta cũng hé lộ cho các phóng viên biết về sự tồn tại đã từ lâu của “một đường dây được thiết lập đặc biệt để buôn lậu tramadol (một loại thuốc giảm đau thông dụng)” giữa Ấn Độ và Nigeria. Theo anh này, trong một tương lai gần kênh này “sẽ bị xâm nhập bởi vaccine giả”.
Anh ta nói thêm: “Có mối liên hệ chặt chẽ giữa các công ty bình phong có trụ sở tại Nigeria và các đối tác ở Ấn Độ. Họ sẽ nhanh chóng chuyển đổi các lô hàng tramadol bằng vaccine giả chống COVID-19, bởi vì họ sẽ có rất nhiều tiền khi buôn bán loại hàng giả này. Chúng ta đang nói về tỷ suất lợi nhuận vượt quá 1.000%, với một loại vaccine giả”. Trùm buôn lậu đã nghỉ hưu này nói tiếp: “Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, tôi chắc chắn trong một số trường hợp, cảnh sát và binh lính sẽ bảo vệ những sản phẩm vaccine dởm này”.
Cánh cửa rộng mở cho những kẻ bất lương
Ở Nam Phi cũng như nhiều nước Châu Phi khác, việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện tại các phòng khám công và tư, bệnh viện, nhà thuốc, trung tâm di động và tại nơi làm việc. Các không gian có sức chứa lớn hơn cũng có thể được thiết lập để tiêm chủng cho nhiều người càng nhanh càng tốt.
Theo các chuyên gia chống tội phạm, các trung tâm tiêm chủng này sẽ là những điểm dễ bị tấn công nhất trong chuỗi phân phối vì chúng sẽ ít bị giám sát hơn so với việc vận chuyển vaccine. Andy Gray, Giáo sư Dược học tại Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi nhận định rằng: “Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi lưu trữ an toàn; không có nhiều nhà kho có độ an toàn cao ở Châu Phi.
Nếu nguồn cung cấp cạn kiệt và số ca nhiễm trùng và tử vong tiếp tục tăng, nhu cầu có thể sẽ “bùng nổ” và “cánh cửa sẽ rộng mở” cho những tên trộm hoặc buôn lậu. Nếu như để chống việc buôn bán ma túy, chúng ta cần phải làm cạn kiệt nguồn cung thì với vaccine, chúng ta phải làm ngược lại: để kiềm chế tội phạm, chúng ta sẽ phải tăng nguồn cung cấp. Càng có nhiều vaccine chính hãng trên thị trường, càng ít chỗ cho tội phạm, và nhu cầu đối với các sản phẩm lậu sẽ càng giảm”.
Giới chức Nga khốn khổ vì giấy chứng nhận tiêm vaccine giả
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh quốc gia Gamalei Alexander Gintsburg cho biết, khoảng 80% người dân mua giấy ... |
Bắt khẩn cấp "nữ quái" làm giả vaccine phòng bệnh Covid-19 để lừa tiền
Công an TP.Quy Nhơn thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với Tiêu Thị Tuyết Sương để điều tra về hành vi làm giả vaccine phòng ... |
Ngày đăng: 16:00 | 18/02/2022
/ antg.cand.com.vn