Vào những ngày cuối cùng của năm 2023, Cộng hòa Nam Phi đã nộp hồ sơ khởi kiện Israel tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc với cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng trong chiến dịch quân sự ở Gaza.
Đây là trường hợp đầu tiên một quốc gia không liên quan đến cuộc chiến tại Gaza kiện Israel tại ICJ, phù hợp với quy định của Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng (Công ước về diệt chủng).
Đơn kiện của Nam Phi dài 80 trang được lập luận chặt chẽ, với tài liệu tham khảo chi tiết về các quan chức và báo cáo cấp cao của Liên hợp quốc để chứng minh ý định diệt chủng của Israel. Các luật sư mà Nam Phi cử đến The Hague đều là những luật sư giỏi nhất.
Đơn kiện có đoạn: “Các hành động của Israel mang tính chất diệt chủng, vì chúng được thực hiện với mục đích cụ thể nhằm tiêu diệt người Palestine ở Gaza với tư cách là một phần của nhóm dân tộc, chủng tộc Palestine rộng lớn hơn” và rằng “việc hành vi của Israel - thông qua các cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước cũng như những cá nhân và tổ chức khác hành động theo hướng dẫn của họ, hoặc dưới sự chỉ đạo, kiểm soát, hoặc ảnh hưởng của họ - liên quan đến người Palestine ở Gaza, là vi phạm nghĩa vụ của họ theo Công ước về diệt chủng”.
“Ý định diệt chủng” là yếu tố khó chứng minh nhất, nhưng trong thực tế các quan chức Israel trực tiếp triển khai cuộc chiến đã đưa ra rất nhiều tuyên bố để chứng minh việc họ cần thiết “tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần dân số Palestine ở Gaza”, Susan Akram, Giám đốc Khoa Nhân quyền quốc tế tại Đại học Boston cho biết.
Iva Vukusic, trợ lý giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết: “Với hơn 21.000 người chết ở Gaza, Nam Phi tin rằng đã đến lúc để tòa án xem xét chuyện gì đang xảy ra. Công ước về diệt chủng cho phép Nam Phi làm điều đó, khi cả thế giới đang bất lực, đặc biệt là khi Hội đồng Bảo an không đưa ra được nghị quyết để buộc Israel dừng cuộc tấn công”.
Điều IX của Công ước về diệt chủng cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào tham gia công ước đưa vụ kiện chống lại quốc gia khác lên ICJ, ngay cả khi quốc gia đó không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào đến cuộc xung đột đang được đề cập. Năm ngoái, ICJ đã ra phán quyết rằng Gambia có thể đưa ra yêu sách chống lại Myanmar về tội diệt chủng. ICJ cũng ra phán quyết trong vụ kiện giữa Croatia và Serbia rằng việc tước đoạt lương thực, nơi ở, chăm sóc y tế và các phương tiện sinh hoạt khác của người dân là cấu thành hành vi diệt chủng.
Bất kỳ vụ kiện nào tại ICJ có thể phải mất nhiều năm để giải quyết. Vì vậy, Nam Phi đã yêu cầu ICJ triệu tập trong vài ngày tới để đưa ra phán quyết về một biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn Israel thực hiện các hành vi diệt chủng tiềm tàng, chủ yếu bằng cách dừng các hoạt động chiến sự. Trong bối cảnh cuộc chiến hiện nay, biện pháp cấp bách này được xem là phù hợp nhất.
Phiên điều trần đầu tiên ở The Hague được ấn định vào ngày 11 và 12/1/2024. Dựa vào tiền lệ, có thể ICJ sẽ đưa ra phán quyết tạm thời trong vòng vài tuần và chắc chắn khi đó các cuộc tấn công của Israel vào Gaza có thể vẫn đang được tiến hành.
Bằng cách tìm kiếm biện pháp tạm thời theo Điều 74 của tòa án, trái ngược với phán quyết dứt khoát, Nam Phi có thể hạ thấp ngưỡng của những gì cần phải chứng minh và có thể giảm thiểu một số vấn đề pháp lý cơ bản của vụ việc. Thật vậy, Nam Phi lập luận “tòa án không bắt buộc phải xác định xem liệu có xảy ra bất kỳ hành vi vi phạm nghĩa vụ nào của Israel theo Công ước về diệt chủng hay không.
Nam Phi muốn chứng minh rằng, các biện pháp mà Israel thực hiện vượt ra ngoài mục đích tự vệ và hủy diệt người Palestine. Do đó, hồ sơ khởi kiện đã nêu chi tiết về số người chết, buộc phải sơ tán, thiếu lương thực và hạn chế sinh sản, thông qua các cuộc tấn công vào bệnh viện và cho rằng chúng là bằng chứng đầy đủ để suy ra ý định diệt chủng. Hồ sơ kiện cũng bổ sung thêm 2 yếu tố khác - đó là mức độ mà đời sống văn hóa của người Palestine đã bị tấn công và mức độ mà các quan chức Israel đã nhiều lần ủng hộ việc tiêu diệt không chỉ Hamas mà cả người Palestine.
Nam Phi nêu chi tiết nhiều ví dụ về “sự kích động trực tiếp và công khai nhằm thực hiện tội diệt chủng của các quan chức nhà nước Israel”, bao gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Những lời đe dọa khiến Gaza vĩnh viễn không thể ở được, việc coi người Palestine là “động vật của con người”, đều được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ. Lời kêu gọi của các bộ trưởng cực hữu Bezalel Smotrich và Itamar Ben Gvir nhằm tái định cư người Palestine bên ngoài Gaza cũng được trích dẫn.
Nhưng, liệu Israel có dễ dàng tuân theo phán quyết của ICJ không? Một đánh giá của luật sư người Mỹ Mattei Alexianu cho rằng, các biện pháp của tòa án chỉ được các quốc gia thành viên tuân thủ trong 50% trường hợp, trong khi một số trường hợp khác - thường là những vụ án nổi bật nhất gần đây, bao gồm các tuyên bố của Gambia về tội diệt chủng chống lại Myanmar vào năm 2020, Nagorno-Karabakh và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran - quốc gia thua cuộc chỉ đơn giản là thách thức tòa án. Không có gì ngạc nhiên khi một phán quyết càng đụng chạm đến ý thức chủ quyền quốc gia của một quốc gia thì họ càng ít có khả năng tuân thủ.
Đặt sang một bên liệu Israel có tuân thủ bất kỳ lệnh nào của ICJ nhằm thay đổi chiến thuật quân sự và ngừng thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là diệt chủng hay không thì Israel cũng đã bị thiệt hại đáng kể về uy tín, danh tiếng do phán quyết như vậy. Và, ít nhất phán quyết có thể khiến Israel thay đổi trong chiến dịch quân sự của nước này. Mặc dù ICJ chưa đưa ra phán quyết nào, nhưng Israel đã có những điều chỉnh chiến dịch quân sự gần đây theo hướng giảm dần cường độ và tần suất, kể cả việc dự kiến rút một phần lực lượng ra khỏi Gaza.
Ngày đăng: 10:34 | 08/01/2024
Trương Hùng / CAND