Hàng chục nghìn người thừa nhận là nạn nhân của các vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, với hy vọng thu hồi vốn gần như bằng không.

Cuối năm 2017, đường dây lừa đảo tiền ảo Alos Coin (viết tắt là AOC) bị phanh phui với hệ thống tại 10 tỉnh thành, hơn 1.400 người tham gia. Nhiều nông dân đổ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vào AOC với hy vọng làm giàu nhanh bằng lãi suất 180% mỗi năm.

Đường dây này mượn danh "tiền ảo", "tiền kỹ thuật số" nhưng áp dụng chiêu quen thuộc là lấy tiền người sau trả cho người trước với lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu cho những cú lừa ngoạn mục và hoành tráng hơn trong năm 2018.

Đầu tháng 4, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin. Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do công ty đại diện.

Theo nhà đầu tư, Modern Tech cam kết lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Mời thành viên mới vào hệ thống thì được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Để gây dựng lòng tin, đồng iFan hay Pincoin được gắn mác là tiền quốc tế, thành lập tại Singapore, Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz.

nam no ro lua dao tien ao tai viet nam

Tiền ảo iFan đã thu hút người tham gia như thế nào.

Tuy nhiên, sau 4 tháng ra đời, iFan đã sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%. Nạn nhân được ước khoảng 32.000 người.

Đến tháng 7, Sky Mining là trường hợp tiếp theo bị tố lừa đảo. Ngày 23/7, nhiều nhà đầu tư tố cáo không thể liên lạc được với ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ). Một số xưởng đào tiền ảo bị dọn sạch máy trong đêm. 300 đơn tố cáo được gửi đến cơ quan công an.

Sky Mining tự nhận là công ty đào tiền ảo "lớn nhất Việt Nam", bán các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để nhà đầu tư mua máy đào. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Đóng tiền xong, công ty xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào tiền ảo.

Khi ông Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining lừa đảo vì đã đóng từ 5 đến 10 tỷ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày mà chưa kịp thu hồi vốn. Ông Tâm sau đó phát hành video trên mạng xã hội trấn an rằng đang đi chữa bệnh và hứa sẽ về giải quyết.

Cũng trong tháng 7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với các bị can trong vụ án lừa đảo 6.000 nhà đầu tư thông qua sàn tiền ảo VNCOINS dạng đa cấp. Công ty này vẽ ra các dự án đầu tư ảo để huy động vốn đa cấp, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước với mức lãi lên đến 1,8% mỗi ngày.

Khi không thể xoay tiền trả lãi, công ty tạo ra tiền ảo VNCOINS, tự định giá và đưa ra mức lợi nhuận 2,5% mỗi ngày để lôi kéo nhà đầu tư chuyển tiền sang sàn tiền ảo. Sự thật, đây cũng là đồng tiền \'rác\', không có giá trị giao dịch.

Các vụ lừa đảo tiền ảo năm 2018 có mức độ tinh vi hơn AOC trong hình thức để lấy lòng tin nhà đầu tư, từ xây dựng ra đồng tiền ảo, lập sàn giao dịch, mua máy đào đến tặng thưởng khủng bằng ôtô sang đến việc khoe có đối tác quốc tế hay người nổi tiếng.

Tuy nhiên, đặc điểm chung là hứa hẹn một mức lãi suất không tưởng, gấp hàng chục đầu tư nhà đất hay tiết kiệm ngân hàng. Cùng với đó, mô hình huy động vốn kim tự tháp, lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước được tận dụng triệt để.

Một số trường hợp huy động vốn đào tiền ảo sụp đổ nhanh vì biến động của thị trường tiền ảo quốc tế. Sau năm 2017 tăng nóng, thị trường tiền ảo lao dốc thảm họa. Đến hiện tại, đồng Bitcoin đã mất 80% giá trị so với lúc lập đỉnh. Điều này khiến các xưởng đào từ trạng thái lời tốt, dễ trả lãi cho nhà đầu tư sang lỗ nặng chi phí vận hành.

Một số hợp tác xã kiểu Sky Mining chọn cách "đột ngột biến mất" như đóng cửa văn phòng, lãnh đạo bặt vô âm tín. Và cuối cùng, điểm chung của hầu hết vụ việc là sau khi bị tố cáo hay đổ vỡ, hy vọng lấy lại tiền của nhà đầu tư đến nay gần như bằng không. Nhiều vụ chưa thể đi đến kết thúc và chìm trong im lặng.

Ngoài các hình thức lừa đảo đầu tư tiền ảo, năm 2018 cũng chứng kiến các trò lừa đảo thông qua Internet mượn danh tiền ảo như thông báo thừa kế Bitcoin. Cùng với đó, hơn trăm nghìn người ở Việt Nam cũng bị qua mặt mà không biết, để tội phạm tận dụng tài nguyên máy tính vào việc đào tiền ảo.

Theo ghi nhận của Symantec, hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam bị chiếm quyền điều khiển do nhiễm virus đào tiền ảo W32.AdCoinMiner. Virus này phát tán qua dịch vụ quảng cáo Adf.ly và lỗ hổng phần mềm, chuyên chiếm dụng CPU và RAM máy tính nạn nhân để đào tiền ảo.

Dỹ Tùng

nam no ro lua dao tien ao tai viet nam Xe sang, biệt thự và mưa tiền: Chân dung "thiếu gia tiền ảo" Hong Kong

"Thiếu gia tiền ảo" Hoàng Chinh Kiệt, người được cho là "tác giả" của cơn mưa tiền hôm 15/12 ở Hong Kong, sở hữu khối ...

nam no ro lua dao tien ao tai viet nam Giá mỗi Bitcoin chỉ còn 78 triệu đồng

Từ mức giá gần 20.000 USD cuối 2017, Bitcoin lao dốc thảm hại xuống quanh quẩn 3.400 USD hiện tại, tức mất khoảng 80.

nam no ro lua dao tien ao tai viet nam Bitcoin giảm là tác nhân khiến toàn bộ thị trường tiền ảo đi xuống

Giá Bitcoin hôm nay 7/12 tiếp tục giảm sâu và kéo theo sự sụt giảm của toàn thị trường tiền kỹ thuật số.

nam no ro lua dao tien ao tai viet nam 70 tỷ USD tiền ảo bốc hơi trong tháng 11

Bitcoin lao dốc mạnh nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây tạo ra cơn mất giá với hầu hết các đồng tiền ảo khác.

Ngày đăng: 10:49 | 25/12/2018

/