Sáng nay, hơn 20 triệu học sinh cả nước tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018. Đây được xem là năm “bản lề” cho việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông dự kiến bắt đầu từ năm 2018. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là tập trung quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở đào tạo giáo viên; tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Làm sao để đạt được mục tiêu toàn diện cả về chất và lượng đối với không chỉ đội ngũ giáo viên mà toàn ngành giáo dục cần được nhìn nhận nghiêm túc.

nam hoc 2017 2018 quyet liet doi moi dai doan ket
Niềm vui ngày khai trường.

Giáo dục toàn diện, nhân văn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu của năm học 2017 - 2018 là tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Nhiệm vụ cụ thể của từng cấp học cũng được chỉ rõ. Đối với bậc học mầm non, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Đây cũng là kỳ vọng của nhân dân đối với ngành giáo dục nước nhà. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, một trong những vấn đề ngành giáo dục cần tập trung triển khai trong thời gian tới ở tất cả các bậc học, nhất là bậc học tiểu học đó là cần quan tâm đến dạy người nhân văn.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, việc này những năm qua đã làm rồi nhưng phải làm mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Ngành giáo dục cần kết hợp với các tổ chức Đoàn, Đội để làm cho thiết thực, làm sao để dạy cho học sinh những vấn đề về luân thường đạo lý làm người, để trở thành những con người nhân văn, toàn diện, những công dân ưu tú toàn cầu. “Dạy học sinh phải dạy toàn diện, kiến thức trí tuệ khai mở cho các cháu, một mặt thì nghiêm túc với các cháu một mặt thì phải khơi gợi, giáo dục toàn diện: Yêu bố mẹ, yêu làng xóm, rồi mới có ý thức toàn cầu”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

nam hoc 2017 2018 quyet liet doi moi dai doan ket
Học sinh xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) thực hiện nghi thức chào cờ trong ngày khai giảng năm học 2017 - 2018. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN.

Vấn đề cũ, giải pháp mới?

Một trong những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục những năm gần đây là việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương. Báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 của Bộ GD&ĐT chỉ ra, cả nước hiện thừa hơn 26.000 cử nhân sư phạm, tập trung ở khối THCS; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên được Bộ GD&ĐT thẳng thắn nhìn nhận còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Trong khi đó, việc tuyển sinh thiếu dự báo, quy hoạch cử nhân ngành sư phạm những năm qua đã được đề cập đến nhiều nhưng chưa được cải thiện bao nhiêu. Mặc dù những năm gần đây, mỗi năm Bộ GD&ĐT đã cắt giảm 10-20% chỉ tiêu ngành sư phạm và trong năm học tới Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm, đặc biệt là ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Nhiều hội nghị bàn giải pháp cho các trường đào tạo sư phạm đã được tổ chức trong thời gian qua, đặc biệt là sau kỳ xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua khi liên tiếp các trường có đào tạo sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp, bằng với mức sàn 15,5 điểm của Bộ GD&ĐT. Nhiều trường CĐ chỉ lấy trung bình mỗi môn 3 điểm. Dư luận lo lắng chất lượng đầu vào thấp khiến đầu ra khó có thể cải thiện.

Giải pháp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đặc biệt là đào tạo giáo viên, xác định đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong năm học tới. Theo đó, sẽ quy định điểm chuẩn riêng cho ngành sư phạm từ năm 2018 trong khi các ngành khác sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Sẽ có khoảng 8-10 trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm. Các trường sư phạm chất lượng trung bình sẽ có hướng chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của trường trung tâm, cùng sử dụng chương trình, quy trình, đội ngũ giảng viên và đạt chuẩn chất lượng đầu ra.

Hiện Bộ GD&ĐT đang hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm; kết hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại. Yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình, bước đi cho hợp lý; đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ...

Bên cạnh đó là việc đảm bảo trường lớp, cơ sở vật chất để học sinh yên tâm đến trường học tập. Không thể chấp nhận trường học không an toàn là điều tất cả các bậc phụ huynh đều mong mỏi mỗi nhà trường, mỗi địa phương, toàn ngành giáo dục phải quán triệt ở mọi lúc mọi nơi, không phải chỉ là khẩu hiệu mà phải là thực chất.

Trong bối cảnh yêu cầu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhiều địa phương cũng lo lắng liệu có thể thực hiện được thành công khi điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng. Vì vậy, một số địa phương đã kiến nghị Bộ GD&ĐT lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới có lẽ cũng cần được xem xét và sớm có giải pháp khắc phục bởi thời gian đã cận kề…

Riêng đối với một số mô hình giáo dục như mô hình trường học mới VNEN với nhiều ý kiến khác nhau cần được Bộ GD&ĐT xem xét có nên tiếp tục triển khai, nếu triển khai theo hình thức nào để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tình trạng trường bảo có, phụ huynh học sinh nói không thì không thể đem lại hiệu quả cao nhất cho giáo dục. Đó cũng là bài học kinh nghiệm khi triển khai nhiều mô hình khác như STEM- giúp học sinh tìm hiểu các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán thông qua thực hành lắp ráp robot; phương pháp Bàn tay nặn bột- đề cao thực hành thí nghiệm trong các môn tự nhiên để học sinh tự khám phá kiến thức…

Chuẩn bị cơ sở vật chất khang trang cho thầy và trò Trường Sa

Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có gần 7.900 phòng học thông thường, đáp ứng cơ bản nhu cầu tập của học sinh các cấp học, bậc học. Tất cả số phòng học trên đều được kiên cố hóa, chuẩn hóa, không có phòng học tạm, phòng học tranh tre, nứa, lá.

Đối với huyện đảo Trường Sa, bên cạnh việc đã chuẩn bị cơ sở vật chất khang trang, thầy và trò tại các trường tiểu học thị trấn Trường Sa, 2 xã Song Tử Tây, Sinh Tồn đã tiến hành trang trí lớp học, dọn dẹp, vệ sinh nhằm tạo môi trường, cảnh quan sư phạm cho tất cả các trường học trước khi khai giảng năm học mới. Các em học sinh cũng được cấp quần áo đồng phục mới, sách vở và đồ dùng học tập đầy đủ.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/nam-hoc-2017-2018-quyet-liet-doi-moi-378626

Ngày đăng: 08:38 | 05/09/2017

/ daidoanket.vn