Triều Tiên có thể tiếp tục thử tên lửa vào đầu mùa xuân, theo sau là ít nhất một vụ thử hạt nhân lớn và rất nhiều lời chỉ trích qua lại giữa Bình Nhưỡng và Washington
Cho đến trước năm 2017, hầu hết chuyên gia về an ninh đều nghĩ rằng mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên không phải là vũ khí hạt nhân mà là sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng, đe dọa dẫn đến một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.
Từ cuối những năm 1990, đã có những lo ngại về việc Triều Tiên có thể phát triển công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để tấn công lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng mối đe dọa này phải nhiều năm nữa mới thành hiện thực. Các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên thất bại nhiều hơn thành công, dẫn đến nghi ngờ liệu Bình Nhưỡng có đủ khả năng trở thành một cường quốc hạt nhân hay không.
Nhưng thất bại có thể là một trong những người thầy vĩ đại nhất. Trong năm 2018, thế giới sẽ phải tiếp tục chú ý đến cái tên Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng phải chỉ ra mối đe dọa Triều Tiên đang hiển hiện khắp nơi trên thế giới.
Người dân Triều Tiên chụp hình trước tượng tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng băng tại Bình Nhưỡng hôm 1-1-2018 Ảnh: KYODO
Vậy có thể chờ đợi điều gì diễn ra ở Triều Tiên trong năm 2018? Dưới đây là 6 điều có thể xảy ra trong năm nay, cũng như lý do 2018 sẽ là năm Bình Nhưỡng gây nhiều căng thẳng hơn và nguy cơ xảy ra xung đột đến gần hơn bao giờ hết.
Tiếp tục thử tên lửa tầm xa: Hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên giảm bớt vào cuối năm 2017. Thế giới không chứng kiến hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng cho đến mùa xuân 2018. Tuy nhiên, nước này sẽ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 ít nhất một lần nữa trong vài tuần tới, đi theo khuôn mẫu thử mọi tên lửa mới ít nhất 2 lần. Như vậy, các loại tên lửa nhiên liệu rắn tiên tiến mà Triều Tiên phát triển trong nhiều năm có thể trở nên nguy hiểm hơn.
Tàu ngầm phóng tên lửa: Bình Nhưỡng đang nghiên cứu tên lửa đạn đạo có thể phóng từ dưới biển và năm nay sẽ chứng kiến nhịp độ và quy mô của các vụ thử nghiệm như vậy được đẩy nhanh. Cùng với kế họach phát triển tàu ngầm mới, ông Kim Jong-un đang muốn chứng tỏ khả năng của chương trình hạt nhân dưới biển do Bình Nhưỡng tiến hành.
Một số người phỏng đoán tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên sẽ có tầm bắn 3.000-4.000 km. Nếu vậy, ông Kim Jong-un sẽ nắm trong tay một nền tảng nguy hiểm khác có thể tấn công các đồng minh, căn cứ của Mỹ khắp Đông Bắc Á và xa hơn thế.
Thử vũ khí hạt nhân: Bình Nhưỡng được cho là sẽ thử hạt nhân ít nhất một lần trong năm 2018. Đây là nỗ lực nhằm bảo đảm Triều Tiên có thể chế tạo một vũ khí đủ nhỏ để tích hợp vào tên lửa đạn đạo và có sức hủy diệt đủ để biến một thành phố của Mỹ hoặc đồng minh của Washington thành tro bụi.
Gây rắc rối cho Thế vận hội mùa đông: Triều Tiên sẽ bảo đảm cho thế giới biết họ cách nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông, tại Hàn Quốc đầu năm 2018, chỉ 80 km. Bình Nhưỡng có thể tiến hành một số cuộc tấn công mạng nhằm vào kết nối giữa các đài truyền hình với internet và mạng băng thông rộng, cũng như tấn công mạng lưới ngân hàng và máy ATM của Hàn Quốc.
Không có sự giúp đỡ từ Trung Quốc: Chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump xem Trung Quốc là cường quốc xét lại, đồng thời cố gắng đối phó sự "xâm lược kinh tế" của Bắc Kinh. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ không cảm thấy "mặn mà" với Washington. Điều đó sẽ chỉ củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng họ đã làm tất cả những gì có thể để giúp Mỹ kiềm chế mối đe dọa của Triều Tiên và sẽ không làm gì thêm nữa.
Trung Quốc sẽ không áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Triều Tiên. Mục tiêu của Trung Quốc đối với Triều Tiên khá đơn giản: Bảo đảm Triều Tiên không bị sụp đổ hoặc không phát động chiến tranh và sử dụng quan hệ đồng minh với Bình Nhưỡng để khiến Mỹ không quan ngại đến tham vọng thống trị biển Đông, biển Hoa Đông hoặc trong vấn đề Đài Loan. Mặc dù Bắc Kinh có thể không muốn Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng họ sẽ dùng những bước đi như vậy để chiếm lợi thế.
Không có sự giúp đỡ từ Nga: Giống như trường hợp của Trung Quốc, Nga cũng muốn bảo đảm Triều Tiên không bị sụp đổ hoặc không để chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, Moscow thích thấy Mỹ bị "sa lầy" trong chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng bởi Nga có những mục tiêu an ninh quốc gia riêng mà không muốn có sự can thiệp của Mỹ.
Tóm lại, 2018 sẽ là năm của Triều Tiên. Xét về nhiều khía cạnh, 2018 gần như sẽ là sự lặp lại của năm 2017: Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa vào đầu mùa xuân, theo sau là ít nhất một vụ thử hạt nhân lớn, rất nhiều lời chỉ trích qua lại giữa Triều Tiên và Mỹ, trong lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump vất vả tìm cách ứng phó hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, trừ khi bị tấn công trước, Mỹ hiện vẫn có thể dễ dàng kiềm chế và ngăn chặn Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt kết hợp với sự cô lập quốc tế - mặc dù không phải là giải pháp nhanh nhất - sẽ có hiệu quả.
Con số tiết lộ thực lực quân sự Triều Tiên
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm 2017 tăng cao do Bình Nhưỡng nhiều lần thử tên lửa và hạt nhân, trong khi Mỹ ... |
Mỹ tiết lộ cách bí mật đưa F-22 tới bán đảo Triều Tiên
Với phương pháp vận chuyển mới, mỗi phi đội từ 3-4 chiếc F-22 của Mỹ có thể bí mật triển khai tới bất kỳ đâu ... |
Mỹ vẫn để ngỏ biện pháp quân sự với Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng nỗ lực ngoại giao cần được hậu thuẫn bằng biện ... |
Ngày đăng: 07:00 | 07/01/2018
/ Người lao động