- “Hùng vào làm việc đúng dịp các công nhân mắc dịch sốt xuất huyết. Vừa được một ngày, nam công nhân nhìn thấy cảnh trên, lo lắng nên bỏ đi ngay trong đêm...”, anh Phùng Văn Ngọc kể.
Bước chân vào một căn lán tạm bợ trên một con ngõ quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi thấy cảnh vắng vẻ, im ắng bao trùm.
Anh Phùng Văn Ngọc (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cất vội tấm chăn bông, bước xuống giường nói: "Các chị đến các lán tạm công nhân xây dựng vào buổi sáng thì khó gặp được công nhân vì họ đi làm hết. Những người bị ốm hay vừa làm ca đêm như chúng tôi thì may ra mới ở nhà”.
Vừa mời nước, anh Ngọc kể về hoàn cảnh gia đình. 9 năm trước anh kết hôn với một người phụ nữ cùng quê. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng anh luôn hạnh phúc.
Khi vợ sinh đứa con đầu lòng, để có thêm thu nhập, anh Ngọc quyết định xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng. Ban đầu anh Ngọc xin đi phụ hồ, sau đó nhờ chăm chỉ, anh chuyển sang nghề bốc gạch, trát vữa cho các công trình.
Anh Phùng Văn Ngọc kể câu chuyện của mình. Ảnh: Thanh Hải.
Anh Ngọc chia sẻ: “Làm công nhân là công việc tay chân nặng nhọc, môi trường sống tạm bợ, khắc khổ nhưng đổi lại chúng tôi được trả lương khá hậu hĩnh. Có những tháng, tổng thu nhập của tôi lên đến cả chục triệu đồng. Tháng ít nhất, tôi nhận được hơn 7 triệu đồng”.
Kể về cuộc sống ở lán tạm trong hầm khu chung cư đang xây dựng này, anh Ngọc cho rằng, ở đây còn may mắn, bởi nhiều nơi công nhân không có chỗ ăn ngủ tử tế. Ban ngày, các công nhân làm việc quần quật ở công trường, ban đêm thì căng bạt, trải vội manh chiếu đặt lưng nghỉ ngơi.
Vì sống trong điều kiện khắc khổ đó nên các công nhân thường mắc bệnh lý về da, phổi và sốt xuất huyết. Nói đến đây, giọng anh Ngọc chùng xuống, kể về lần mắc bệnh gần đây của mình như một bằng chứng.
“Đó là khi tôi ở căn lán tạm của một công trình trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi đó, điều kiện ăn ở của chúng tôi rất tạm bợ. Bạn cứ tưởng tượng, trong căn lán 10m2 ấy, 20 người công nhân cùng ăn ngủ và sinh hoạt thì bất tiện thế nào.
Mùa nóng, chúng tôi ở trong lán như cái lò lửa, mùa mưa thì muỗi và côn trùng trú ngụ. Đợt sốt xuất huyết vừa rồi, chúng tôi ngủ không mắc được màn nên bị muỗi cắn.
Tôi và công nhân khác bị sốt, khi đi bệnh viện, bác sĩ thông báo bị sốt xuất huyết. Vì vậy tôi xin về quê nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Khi khỏi hẳn, tôi chuyển sang làm ở công trường này”, anh Ngọc nói.
“Gặp tình trạng như tôi cũng không phải hiếm, đa phần ai ở đây cũng một lần phải trải qua. Ở lâu tôi cũng quen dần với cuộc sống này, trừ trường hợp một số người mới đến làm, họ không chịu đựng được nên bỏ việc", anh Ngọc nói tiếp.
Bữa cơm của các công nhân trong lán tạm. Ảnh: Thanh Hải.
Người công nhân sinh năm 1986 kể: “Tôi có người em họ tên Hùng (SN 1992, quê Thanh Hóa). Nhà Hùng có điều kiện nhưng không chịu học hành mà sa vào chơi lô đề, cờ bạc.
Bố mẹ Hùng thấy con trai như vậy thì vừa mắng mỏ vừa khuyên răn nhưng cậu chẳng mủi lòng mà ngày càng sống sa đọa hơn. Cuối cùng, khi số nợ của Hùng tăng cao, không có khả năng chi trả, Hùng bất đắc dĩ phải bắt xe ra Hà Nội để kiếm việc làm.
Ở Hà Nội, Hùng xin đi làm bưng bê trong quán cafe. Tuy nhiên vừa vào được nửa ngày, Hùng bị ông chủ đuổi việc vì lỡ tay làm vỡ cốc chén. Không có bằng cấp, kinh nghiệm, Hùng nhờ tôi xin vào công trường làm công nhân xếp gạch.
Chẳng ngờ khi Hùng vừa vào làm việc một ngày thì đúng dịp các công nhận mắc dịch sốt xuất huyết. Cậu nhìn thấy thế thì sợ quá nên đêm đó bỏ đi luôn. Từ hôm Hùng đi đến nay là 2 tháng, tôi vẫn không thấy cậu ta quay lại”, anh Ngọc kể.
Nói về bệnh tật khi sống trong lán tạm, anh Mai Văn Tiến (29 tuổi, quê Sơn La) cho biết, anh vẫn còn hãi hùng về lần bị đau bụng do thức ăn ở đây được chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Bếp ăn ngày cạnh nhà vệ sinh. Ảnh: Thanh Hải
Anh Tiến nói: “Ở công trường này, chủ thầu bố trí cho chúng tôi việc làm và chỗ ở là tốt rồi. Tuy nhiên chỗ ăn thì đúng là không tưởng tượng nổi".
Chỉ tay về chiếc bếp cạnh nhà vệ sinh, anh cho biết thêm: “Cạnh nhà vệ sinh ướt nhẹp kia là khu bếp chế biến thức ăn. Khi nấu xong, chúng tôi phải bê về các phòng riêng của mình”.
Vì ăn uống, vệ sinh trong những lán tạm này mà có lần anh Tiến bị đau bụng nặng. May mắn, anh được anh em công nhân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Vừa nói anh vừa đưa lọ thuốc đau bụng cho chúng tôi: “Ở đây chẳng ai là không bị đau bụng cả. Vì vậy, anh em nào cũng coi lọ thuốc này là vật phòng thân”.
Tâm sự về cảnh sống khắc khổ của mình, nam công nhân trải lòng: “Chúng tôi đều nghèo, đi làm mong có tiền để trang trải cuộc sống. Vào đây, dù điều kiện thiếu thốn, khó khăn thế nào cũng phải chấp nhận. Nếu chúng tôi ngoài thuê nhà trọ vừa tốn tiền, lại không an toàn”.
*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu
Đoàn lân sư nghĩa tình của những đứa trẻ đường phố ở Sài Gòn
- Tuổi thơ của những đứa trẻ bất hạnh là những ngày lang thang đầu đường xó chợ. Chúng Mồ côi có, cha mẹ bỏ ... |
Gợi ý 5 chỗ ngủ cho dịp Tết Dương \'không ồn ào\' ở Sài Gòn
Nằm trong hẻm hoặc chung cư cũ, Lela, Innalley hay Nấp Saigon là nơi nghỉ chân lý tưởng cho người thích sự yên tĩnh, tách ... |
Ngày đăng: 08:50 | 15/01/2018
/ Vietnamnet