Ở trong trại giam, Năm Cam giáp mặt với Đại Cathay - ông trùm du đãng Sài Gòn thời bấy giờ. Ngay từ khi mới vào trại làm “thực tập sinh” trong thế giới giang hồ thu nhỏ, y nuôi mộng một ngày sẽ trở thành ông trùm đất Sài Thành.
Năm Cam và đồng bọn trước vành móng ngựa
“Giáp mặt” với thế giới du đãng Sài gòn
Bị bắt về tội giết người, 3 anh em Bảy Xi, Nô “cao giò” và Năm Cam bị giam ở phòng 1B4 (khám Chí Hòa), cạnh phòng Đại Cathay - ông trùm du đãng khét tiếng Sài Gòn thời bấy giờ. Năm Cam quan sát Đại Cathay từ xa, để ý từng cử chỉ, từng thái độ của người được xem là số một của giới giang hồ Sài Gòn, y nghĩ Đại Cathay cũng hết sức bình thường chẳng có một ưu điểm phi phàm nào. Ba “gà” - tay anh chị hùng cứ khu vực bến đò Thủ Thiêm thường đánh cờ tướng với Đại Cathay. Hai “kỳ thủ” cãi nhau bởi một nước cờ, càng lúc càng hăng, cuối cùng. Nói bằng mồm không xong, Đại Cathay to lớn như hộ pháp, nổi danh lì lợm đã lao vào động thủ, Ba “gà” nhỏ con hơn nhưng nghe đâu “nghề” rất khá.
Cuộc đọ sức của hai đối tượng kéo dài suốt cả giờ đồng hồ không phân thắng bại, cuối cùng anh em của cả hai bên can được cuộc “cờ chiến” của hai đối thủ. Khi đã rời trận Ba “gà” tuyên bố: “Mai tiếp!”. Quản ngục biết chuyện, lập tức đem Đại Cathay qua phòng giam khác trước khi xảy ra những chuyện tồi tệ hơn. Năm Cam suy nghĩ, làm anh chị mà hành xử kiểu đó không xứng tầm.
Sài Gòn, Chợ Lớn sau Hiệp định Geneve cho đến cuối thập niên 1960, đời sống “tranh tối tranh sáng”, loạn du đãng làm các tướng lĩnh bất lực, họ dựa vào các đại ca giang hồ để “dĩ độc trị độc”. Còn giới giang hồ cũng có cách cư xử riêng, biến pháp luật thành chất xúc tác tô vẽ và khẳng định thêm “số má” của những tay anh chị tầm cỡ như Đại Cathay. Họ hàng quan chức, vợ con các tướng lĩnh cấu kết các băng nhóm giang hồ, xây nhà cho họ thuê mở vũ trường, sàn nhảy thoát y, sòng bạc, ma túy cũng không chừa.
Cậu Mười - em vợ đệ nhất phu nhân, dựa hơi anh rể là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để bất chấp pháp luật, giao du mật thiết các băng nhóm giang hồ cộm cán, trong đó có Đại Cathay. Luôn mặc quần jean, cổ đeo dây chuyền to tướng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, ngang tàng, có lúc Đại Cathay như quên hẳn mình là ai, gây hấn với tướng Nguyễn Cao Kỳ trên sàn nhảy. Các tướng lĩnh, những người cực kỳ giàu có thường gặp nhau trong “hậu cung” ở Chợ Lớn do người Hoa tổ chức, Đại Cathay cũng có mặt ở đó bằng cái uy giang hồ của mình để làm thượng khách, hóa thân thành hoàng đế theo kiểu “nhất dạ đế vương” bên mỹ nữ.
Nghe qua câu chuyện, Năm Cam nghĩ làm giang hồ chỉ cần lấy sẹo một vài đối tượng, kèm theo có chút máu gan lì cũng có thể thành danh, mà như vậy, có gì là quá sức của mình. Năm Cam lao vào các trận đánh nhau trong tù, dĩ nhiên chỉ là đám lóc nhóc, cắc ké để tạo thanh danh. Y nhận ra, nếu là một tay giang hồ có tầm cỡ, việc kiếm tiền chẳng có gì là khó khăn và càng kiếm được nhiều tiền càng dễ tạo thêm vây cánh, nghĩa là thêm thanh thế, danh tiếng. Với cách nghĩ ấy, y bắt đầu cảm thấy rạo rực bầu máu nóng và khát vọng đổi đời bằng con đường tắt kiểu các tay anh chị y đã nhìn thấy.
3H2 - phòng kỷ luật do một tên tội phạm là Bé Bòn quản lý. Năm Cam bị chuyển qua phòng này. Bé Bòn hung ác có tiếng, y vẽ vòng phấn giữa phòng rồi bảo: “Mày vô ngồi trong đó, tối nay tao tính sổ”. Sau đó, có lẽ thấy Năm Cam còn quá nhỏ tuổi nên được đặc cách miễn “thủ tục” chào phòng. Nhưng không lâu sau, Năm Cam chứng kiến cảnh Bé Bòn bị hai tên anh chị khác thanh toán chớp nhoáng bằng đòn đánh lén. Phòng kỷ luật 3H2 giải tán. Năm Cam rút ra một điều từ vụ thanh toán Bé Bòn, miễn là loại bỏ được địch thủ, còn phương tiện gì, thủ đoạn nào cũng làm được.
Sau 18 tháng bị giam giữ, Năm Cam, Bảy Xi, Nô “cao giò” bước ra toà. Năm Cam nhận hết tội về mình và bị kết án 3 năm tù. Bảy Xi, Nô “cao giò” được trả tự do ngay tại tòa. Trở lại khám Chí Hòa, Năm Cam vào khu nhi đồng để quản lý. Tại đây, Năm Cam tham gia 1 vụ ẩu đả nên bị chuyển tới khu tù chính trị. Tại phòng giam này một người tù chính trị tên Sáu Hoa đã dạy Năm Cam biết chữ. Năm Cam rất có tình cảm và khâm phục những người tù chính trị này, đặc biệt trước đòn roi của bọn quản ngục họ vẫn rất kiên cường.
Tay nhúng chàm
Cận Tết Nguyên Đán, Năm Cam cầm mảnh giấy tha tù trên tay bước ra khỏi cổng khám Chí Hòa. Như bất kỳ cuộc hội ngộ nào, nước mắt, nụ cười và tất cả mừng tủi như òa vỡ khi Năm Cam từ xe taxi lững thững bước vào nhà ở hẻm Sáu Căn. Năm Cam tới sòng me của Bảy Xi chơi. Tọa lạc trong con hẻm được mệnh danh là Xóm Cầu Tiêu, sòng me của Bảy Xi hoạt động khá rôm rả. Vừa thấy mặt Năm Cam, Bảy Xi lại dúi vào tay đứa em vợ có thành tích xấp tiền kèm theo lời dặn: “Cứ kẹt là cậu qua đây, với cậu, tôi không tiếc cái gì hết!”, cũng là để trả nghĩa em vợ gá thân nhận tội thay mình.
Ở sòng bạc của Bảy Xi, Năm Cam tái hợp với nhiều thành phần bất hảo trong xã hội. Năm Cam gặp Sơn “lùn”, nhân vật quái kiệt khu bến tàu. Cứ mỗi lần y đi tù về là cảnh sát cảng Sài Gòn lại phải đau đầu vì tài ăn trộm của y. Sơn “lùn” hỏi: “Chú muốn có tiền xài Tết không?”. Năm Cam gật đầu theo Sơn “lùn” đi trộm cắp.
Đêm. Cả bọn gồm Nô “cao giò”, Của “cọp”, Bảy “trắng”, Năm Cam đột nhập kho hàng của bến tàu. Những tên trộm cạy tung các kiện thuốc tây, máy radio loại nhỏ cho vào túi vải rồi chuồn về an toàn. Năm Cam cảm thấy thắc mắc về phi vụ trộm cắp dễ như chỗ không người. Khi tập kết số hàng về nhà y ở khu vực chợ Cầu Cống thì gặp Sơn “lùn”, hắn bảo: “Công việc của tụi bây xong rồi, giờ tao lãnh trách nhiệm đi tìm mối tiêu thụ”.
Chiều 30 Tết, Sơn “lùn” trở về đưa tất cả qua nhà hàng Đồng Khánh nhận tiền, ăn bữa tiệc tất niên tương đối linh đình. Sơn hồ hởi tuyên bố mỗi người nhận trước 30.000 đồng, mùng 2 Tết sẽ nhận phần gấp 3-4 lần. Nhưng sau đó, Sơn đã ôm trọn số tiền còn lại lặn mất tăm. Năm Cam cầm tiền đi gặp Tư Xẩm bàn bạc mua nhà 148/31 Tôn Đản bằng đồng tiền do chính bản thân kiếm được, dù là tiền ăn trộm.
Sau đó, vụ án được cảnh sát điều tra làm rõ, đồng bọn của Năm Cam tham gia vụ trộm lần lượt bị bắt nhưng riêng Năm Cam được Bảy Xi lo liệu nên thoát án. Một số tiền lót tay được tung ra kịp lúc và đúng người, cộng thêm Năm Cam không nằm trong danh sách những tên trộm chuyên nghiệp nên Bảy Xi dễ dàng cứu được y một khoá tù dài đằng đẵng. Bảy Xi vỗ vai em vợ, khuyên: “Cậu cần gì cứ qua anh, việc gì phải dây vào ba cái vụ trộm cắp mang tiếng mà lỡ có gì tội cho vợ con”. Sau phi vụ đầu đời, Năm Cam rút ra được bài học quí báu: “Thề không bao giờ lao vào cách kiếm tiền theo kiểu lưu manh cấp thấp”./.
Còn nữa...
Nam Cam (Kỳ 2): Kẻ giết người máu lạnh và bài học đầu tiên trong giới giang hồ
Đầu năm 1962, mẹ Năm Cam qua đời sau một cơn bạo bệnh. Năm Cam trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, gánh ... |
Cuộc chiến thời hậu Năm Cam (Kỳ 3): Chuyện tình li kỳ và nỗi ân hận của Minh “đen”
Trong giới giang hồ, anh em bằng hữu cũng trở thành kẻ thù khi đụng chạm chuyện làm ăn. Trò chuyện với PV, Nguyễn Văn ... |
Năm Cam (Kỳ 1): Hành trình trở thành “ông trùm” giang hồ Sài Gòn
Năm Cam sinh ra ở “vùng trũng” của Sài Gòn, cuộc sống khốn khó khiến y sớm phải bươn chải, nếm “mùi đời” từ nhỏ. ... |
Ngày đăng: 21:00 | 24/03/2018
/ http://danviet.vn