Được PR như là một “đỉnh cao check-in”, một “nấc thang thiên đường”, nhưng rồi cái hồ, hay “cái mảng”, “cái vệt” trên núi ấy đã vỡ như quả bom nước khiến nước, đất đá kè hồ bị đẩy thẳng về khu dân cư, hệt như trận sóng thần, tàn phá thảm khốc.
Liên quan đến vụ vỡ hồ nhân tạo của dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (Nha Trang) khiến 10 ngôi nhà sập, 4 người trong một gia đình giáo viên tử vong, ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - khẳng định: "Họ không có xây một cái hồ nào hết. Hồ sơ trong quy hoạch cũng không cấp phép xây hồ. Đó là "cái mảng", "cái vệt" tạo dòng chảy".
Dài hơn 45m, rộng 15m, sâu 1-1,5m, dù là cái hồ, như cái nhìn của dân, là “bể bơi vô cực” như dự định, “cái mảng”, “cái vệt”- theo cách ông Phó Giám đốc sở nói, thì rõ ràng nó đích thị là một quả bom nước. Và quả bom ấy đã vỡ, đã phát nổ, như lời Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ: "Dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú đã bị sạt lở từ nguồn nước do mương đón nước từ sườn núi...". Hoặc như chính đại diện Công ty Thanh Châu - chủ đầu tư - thừa nhận trên báo Pháp luật TPHCM: Nước từ trên núi đổ dồn xuống “làm bức hồ”, gây sạt đất đá xuống dưới.
Hồ nhân tạo bị vỡ khiến 10 ngôi nhà sập đổ, 4 người chết. Ảnh: Nhiệt Băng. |
Trận mưa gây ra “sạt lở ngoài sức tưởng tượng” chỉ là tác nhân để làm lộ ra bao nhiêu những vô lý trong quy hoạch và quản lý xây dựng.
Làm gì có thứ công trình nào mà cơ quan quản lý thì bảo “trong hồ sơ thiết kế, quy hoạch 1/500 của dự án không cho phép xây dựng hồ bơi ở khu vực đó”, còn đại diện chủ đầu tư lại cãi: “Sở nào không cho làm? Có văn bản nào cấm doanh nghiệp làm hồ bơi đâu?”.
Trận mưa, hay thiên tai, nếu có chỉ là giọt nước để nhìn thấy “nhân tai” mà thôi. Đã không biết bao nhiêu lần nguy cơ sạt lở đã được cảnh báo! Đến mức Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa Nguyễn Văn Lộc nói rằng, các nơi xảy ra sạt lở đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, gần các dự án, đã được liên tục “cảnh báo sự bất cập” khi những dự án có độ cao đều vượt quá chuẩn quy hoạch chung của TP. Nha Trang mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Chẳng có "thiên tai" nào ở đây cả, nếu có, nó cũng chỉ là sản phẩm phái sinh từ thiên tai mà người phải chịu thiệt, bằng cả tài sản, tính mạng là những người dân vô tội.
Sông bị nắn dòng. Biệt thự mọc trong rừng phòng hộ. Lâm tặc ngang nhiên lập lán, mở xưởng trong rừng cấm. Và “thiên đường”, và “đỉnh cao check-in”, chỉ sau một trận mưa thôi đã gây ra thảm họa. Có lẽ người trả lời câu hỏi trách nhiệm trước tiên phải là chính quyền.
Đất xen kẹt khu dân cư, dư địa tạo tham nhũng vặt
Cơ chế giải quyết đất xen kẹt tại địa phương hiện là vấn đề đau đầu với cơ quan quản lý và là dư địa ... |
Ông Dũng "Lò Vôi" chi 2.300 tỷ xây dựng khu dân cư tại Bình Dương
Khu dân cư chiếm 20% diện tích đất khu công nghiệp Sóng Thần 3 nhằm phục vụ cho hơn 20.000 cư dân và đối tượng ... |
Ngày đăng: 13:30 | 23/11/2018
/ Lao động