Hơn 100 thi thể thợ mỏ được chôn tập thể, trong khi hàng chục thi thể được hỏa táng sau vụ sạt lở mỏ khai thác ngọc ở bang Kachin.
Hơn 170 người, nhiều người trong số đó là lao động nhập cư tìm kiếm vận may ở các khu vực giàu ngọc bích ở bang Kachin, đã chết sau khi đống bùn thải đổ sụp xuống hồ nước mưa bên dưới, gây "sóng thần" bùn và nước. Các thợ mỏ đang thu lượm đá ở Hpakant, trung tâm của ngành công nghiệp ngọc bích tỷ đô bí mật ở Myanmar, khi sóng và bùn ập vào, nhấn chìm họ.
Đây là một trong những tai nạn khai thác mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử Myanmar. Thar Lin Maung, một quan chức địa phương của bộ thông tin, nói rằng 171 thi thể đã được tìm thấy, nhưng nhiều thi thể đang nổi lên mặt nước.
Ông cho biết 77 người được chôn cất trong mộ tập thể hôm 3/7 đã được xác định danh tính, trong khi 41 người được chôn hôm 4/7. Các tình nguyện viên bê quan tài gỗ dán chứa thi thể các nạn nhân và đặt vào một ngôi mộ tập thể do các thợ mỏ trong khu vực đào.
Tình nguyện viên đưa quan tài thợ mỏ thiệt mạng trong vụ lở mỏ ngọc ở bang Kanchin, Myanmar, xuống hố chôn tập thể hôm 3/7. Ảnh: Reuters. |
Hàng chục người khác được hỏa táng theo truyền thống Phật giáo tại một nghĩa trang trên sườn đồi, trong đó có Saw Myint Tun, một sinh viên 21 tuổi đã vượt hàng trăm km tới đây mưu sinh. Hla Shwe Win, anh rể của Saw Myint, cho biết một trong những người anh em của anh cũng chết trong thảm họa và một người khác bị thương. Họ theo Hla Shwe đến Hpakant để làm việc trong hầm mỏ.
"Họ đến đây, trông cậy vào tôi", Hla Shwe nói, thêm rằng không từ nào diễn tả cảm giác của anh lúc này. Cạnh Hla Shwe là những người phụ nữ đang gào khóc trên quan tài trước khi hoả thiêu.
Nhiều thi thể bị biến dạng và mất sạch quần áo do lực sóng ập vào, vẫn chưa được xác định danh tính.
Myanmar cung cấp 90% ngọc bích của thế giới, phần lớn được xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc, giáp bang Kachin. Sạt lở gây chết người và các tai nạn khác thường xuyên xảy ra ở các mỏ, nơi thu hút những người lao động nghèo khổ từ khắp Myanmar.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi nói nguyên nhân thảm họa là tình trạng thất nghiệp khiến người lao động phải đến mỏ làm việc. Chính phủ đã tuyên bố thành lập một ủy ban điều tra thảm họa.
Theo đề xuất của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN, các ngoại trưởng ASEAN hôm qua ra tuyên bố bày tỏ cảm thông và chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Myanmar. Các nước ASEAN khẳng định đoàn kết cũng như cam kết sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Myanmar, đồng thời tin tưởng Myanmar sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, vượt qua thảm hoạ này.
Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ lở đất ở Myanmar lên tới hơn 160 người
Đến tối 2/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 162 thi thể nạn nhân bị vùi lấp dưới bùn đất và 54 người khác ... |
Sạt lở mỏ đá quý tại Myanmar, hơn 100 người thiệt mạng
Nhà chức trách Myanmar vừa cho biết, đã có ít nhất 113 người thiệt mạng trong một vụ sạt lở mỏ khai thác ngọc bích ... |
https://vnexpress.net/myanmar-chon-tap-the-nan-nhan-vu-lo-mo-ngoc-bich-4125668.html
Ngày đăng: 14:39 | 05/07/2020
/ vnexpress.net