Mỹ mô tả các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể "nghiền nát nền kinh tế Nga" và "đồng ruble trở thành đống vụn nát", nhưng sau 4 tháng, hiệu quả của những biện pháp này đang gây tranh cãi.

Thời điểm Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine hôm 21/2, Mỹ và các nước châu Âu đã khẩn trương chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt, phương Tây khẩn trương áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế với mục tiêu cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Mỹ và đồng minh
Binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Tính đến nay, chỉ riêng Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố 6 vòng trừng phạt khác nhau, nhắm vào hàng trăm cá nhân, thực thể Nga, hệ thống thương mại, tài chính và cả ngành xuất khẩu năng lượng Nga, biến nước này thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới.

Hồi tháng 3/2022, giới chức Mỹ từng tuyên bố rằng hệ thống tài chính Nga sẽ bị phá hủy nếu Moscow tấn công Ukraine. Đích thân Tổng thống Joe Biden quả quyết, các lệnh trừng phạt đang "nghiền nát nền kinh tế Nga" và "đồng ruble trở thành đống vụn nát", New York Times mô tả.

Tuy vậy, chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 5, những dự báo của Mỹ chưa xảy ra. Vài tháng qua, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga đã đạt kỷ lục nhờ giá năng lượng tăng trên toàn cầu.

Sau khi lao dốc đầu tháng 3 vì quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ (có thời điểm xuống 140 ruble đổi 1 USD), đồng ruble tuần này đạt giá trị cao nhất trong 7 năm so với đồng USD, kết phiên giao dịch thứ 6 ở ngưỡng 54,2 ruble đổi 1 USD.

Mỹ và đồng minh
Đồng ruble neo ở mức giá cao nhất 7 năm qua. Ảnh: Getty Images

"Hệ thống tài chính của Nga đã hoạt động bình thường trở lại sau một vài tuần lao đao", Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, Mỹ, viết trên Twitter, New York Times trích lời.

Bà Ribakova cũng tin rằng, tư duy "cắt nguồn thu tài chính Nga trong một vài tuần từ khi chiến tranh bắt dầu sẽ ngăn chặn được chiến tranh đã được chứng minh là ngây thơ".

Theo New York Times, giới chức Mỹ nói nền kinh tế Nga vẫn đang hứng chịu tổn thất theo thời gian, đặc biệt khi các hạn chế xuất khẩu công nghệ dần kìm hãm sự phát triển của các ngành công nghiệp, từ hàng không vũ trụ tới máy tính của nước này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần này nhiều khả năng cũng sẽ đề ra kế hoạch mới nhằm siết chặt các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Nga. Tổng thống Mỹ Biden hôm 26/6 xác nhận các quốc gia G7 đã đi đến thống nhất sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, quốc gia đáp ứng 10% nhu cầu vàng toàn cầu.

Giống như những lần trước đó, các quan chức phương Tây mô tả nhiều về việc các biện pháp trừng phạt có hại với Nga ra sao. Và dường như khi áp đặt chúng, Washington cùng các đối tác châu Âu không dự đoán được họ sẽ gặp phải áp lực kinh tế như hiện tại.

Mỹ và đồng minh
Giá năng lượng ở Mỹ và châu Âu tăng vọt, khiến giá cả chung leo thang. Ảnh: Getty Images

Bất chấp những đảm bảo ban đầu rằng lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu, Mỹ đã cấm nhập dầu Nga và EU công bố kế hoạch giảm 90% dầu nhập khẩu của Nga ngay trong năm 2022.

Những động thái này đã góp phần đẩy giá năng lượng tăng cao chóng mặt ở châu Âu, trong khi nhiều bang ở Mỹ cũng ghi nhận giá xăng trung bình lên mức 5 USD/1 gallon (gần 3,8 lít).

Giá xăng tăng kéo giá cả mọi mặt hàng tăng thêm. Financial Times cho hay, tại Mỹ, lạm phát tăng 8,6%, trong khi tại Anh, lạm phát là 9,1% và ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1% hồi tháng 5 vừa qua.

New York Times mô tả giá xăng dầu tăng là mối đe dọa lớn đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, khi đảng Cộng hòa có thể tận dụng lợi thế đó để công kích, dù Tổng thống Biden cho rằng giá cả leo thang là vì… Nga.

Trong khi đó, châu Âu đối mặt với nguy cơ về mùa đông lạnh giá giữa lúc có nhiều cảnh báo Moscow sẽ cắt nguồn cung khí đốt. Ngay lúc này, dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể. Nhiều chuyên gia lo ngại EU sẽ không thể tích trữ đủ khí đốt để sử dụng trong mùa Đông tới, khiến một số cơ sở công nghiệp cốt lõi đối mặt khả năng ngừng hoạt động.

Mỹ và đồng minh
Đức đang đối mặt nhiều nguy cơ vì thiếu hụt khí đốt. Ảnh: DW

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh châu Âu cũng mang tới thêm một rắc rối, khi tạo điều kiện cho Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của họ, mua được lượng lớn dầu và khí đốt của Nga với giá rẻ, khi Moscow tìm kiếm khách hàng thay thế.

Chiến sự chưa nổ ra, phương Tây đe dọa áp trừng phạt như biện pháp ngăn Nga tiến công. Khi lời đe dọa ấy không có tác dụng, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken mô tả Mỹ đang tăng áp lực với Nga để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến thông qua các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm xuất khẩu.

"Các biện pháp trừng phạt chắc chắn không ngăn được lực lượng Nga tiếp tục các hoạt động quân sự mà họ đang thực hiện ở Ukraine", Alina Polyakova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đánh giá.

"Rõ ràng trong một thời gian rất dài, ông Putin và những người xung quanh ông ấy không còn tính toán đến tăng trưởng kinh tế. Điều mà ông Putin và giới tinh hoa quan tâm là doanh thu, và họ vẫn nhận được doanh thu từ việc bán năng lượng", bà Polyakova nói.

Mỹ và châu Âu từng là những khách hàng lớn của Nga, nhưng theo lời Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, ngoài nhóm G7, trên thế giới còn tồn tại một nhóm "G8 mới" là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow đang tăng cường hợp tác với các quốc gia trong nhóm "G8" mới này để bù đắp phần thâm hụt từ phương Tây.

Reuters trích dẫn dữ liệu của Refinitiv Eikon nói rằng chỉ riêng tháng 5, Ấn Độ đã nhập 24 triệu thùng dầu thô của Nga, tăng từ 7,2 triệu thùng hồi tháng 4/2022 và 3 triệu thùng hồi tháng 3/2022. New Delhi dự kiến mua 28 triệu thùng trong tháng 6.

Mỹ và đồng minh
Không bán được cho châu Âu, Nga chuyển hướng tìm kiếm khách hàng ở châu Á. Ảnh: Getty Images

Giới quan sát nhận định, khi Mỹ và phương Tây tuyên bố cấm vận Nga, họ không hề nêu thời điểm dỡ bỏ chúng, khiến Nga có ít động lực đối thoại hơn. Ở thời điểm hiện tại, phương Tây còn rất ít lựa chọn cấm vận Nga, nhất là khi họ đang hứng chịu áp lực kinh tế khổng lồ từ các biện pháp đã áp đặt.

Ông Gerard DiPippo, cựu quan chức tình báo Mỹ và hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nêu quan điểm: "Các biện pháp trừng phạt mới có lẽ không cần thiết và chắc chắn là không đủ để mang tới một kết thúc chấp nhận được cho xung đột".

Theo ông DiPippo, phương Tây có lẽ cần chuyển sang mục tiêu khác, đó là giúp Ukraine đạt tiến bộ trên chiến trường, bởi đó sẽ là cách tốt nhất giúp Kiev có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.

Những tuần qua, Mỹ và đồng minh gửi sang Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, nhưng các lô hàng xuất phát rời rạc, số lượng nhỏ, khác biệt về công nghệ, cách thức vận hành, khiến lực lượng của Kiev không thể tận dụng chúng tối đa.

Trong khi đó, trên thực địa, quân đội Nga vẫn đang tăng đà tiến ở chiến trường đông Ukraine và tiến gần hơn tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.

Mỹ và đồng minh
Trên thực địa, Nga đang tiến gần hơn mục tiêu kiểm soát vùng Donbass. Đồ họa: BBC/ISW

Rất khó để biết rằng, liệu sau khi kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, Nga sẽ làm gì tiếp theo. Rất có thể họ sẽ đặt ra những mục tiêu mới, nhưng cũng có thể ngừng tiến công và bảo vệ thành quả.

Và trong trường hợp hòa bình, ít nhất là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, được thiết lập, liệu phương Tây có dỡ bỏ các biện pháp cấm vận gây khó cho cả họ và Nga, hay sẽ đưa ra những yêu cầu không tưởng, ví dụ như hối thúc Moscow trở lại vị trí mà họ kiểm soát trước ngày 24/2?

Năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ và đồng minh đã bắt đầu tiến hành những vòng cấm vận đầu tiên nhằm vào Nga, rồi khẳng định họ sẽ chỉ dỡ bỏ khi Moscow trao trả Crimea cho Ukraine.

New York Times cho biết, giới chức Mỹ từng đánh giá quá cao tác động của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp với Nga trước đây. Tháng 1/2015, cựu Tổng thống Barack Obama nói các lệnh trừng phạt với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea khiến nền kinh tế Nga "tơi tả". Nhưng ngày nay, các quan chức của chính quyền Obama thừa nhận các biện pháp trừng phạt chỉ có tác động khiêm tốn.

https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/my-va-dong-minh-duoc-it-mat-nhieu-vi-lenh-trung-phat-nga-i658286/

Ngày đăng: 20:42 | 26/06/2022

Thiện Nhân / cand.com.vn