Mỹ không kêu gọi chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật, song cho rằng bất cứ sửa đổi nào cũng cần tham vấn ý kiến các bên liên quan.

my ung ho nguoi hong kong bieu tinh phan doi du luat dan do

Người Hong Kong biểu tình phản đối dự luật dẫn độ hôm 9/6. Ảnh: SCMP.

"Cuộc biểu tình ôn hòa của hàng trăm nghìn người Hong Kong hôm qua rõ ràng cho thấy sự phản đối của công chúng đối với dự luật sửa đổi được đề xuất", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo hôm 10/6, đề cập đến dự luật của Hong Kong cho phép dẫn độ người phạm tội sang các vùng tài phán, trong đó có Trung Quốc đại lục, để xét xử.

Theo bà Ortagus, Mỹ chia sẻ "mối lo ngại nghiêm trọng" với nhiều người Hong Kong rằng "việc không quy định các biện pháp bảo vệ tố tụng trong dự luật sửa đổi có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và ảnh hưởng tiêu cực đến bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và giá trị dân chủ" được quy định trong Luật cơ bản và Tuyên bố chung Trung - Anh (tuyên bố để Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không trực tiếp kêu gọi chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật, nhưng nói rằng "bất cứ dự luật sửa đổi nào cũng nên được thực hiện hết sức cẩn thận". Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo Hong Kong tham khảo ý kiến đầy đủ các bên liên quan trong và ngoài nước, những người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự luật.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ lên tiếng bày tỏ lo ngại về những dự luật sửa đổi có liên quan mật thiết đến người Mỹ. Ortagus cho rằng những thay đổi luật pháp này có thể làm hỏng môi trường kinh doanh của Hong Kong và khiến công dân Mỹ cư trú hoặc đến Hong Kong phải chịu sự điều chỉnh của một "hệ thống tư pháp thất thường".

Dự luật dẫn độ nếu được thông qua chắc chắn sẽ là trọng tâm trong đánh giá tiếp theo của Bộ Ngoại giao Mỹ về quyền tự trị của Hong Kong. Chính phủ Mỹ căn cứ vào luật mới để quyết định có nên duy trì quan hệ thương mại và kinh tế đặc biệt với đặc khu này hay không.

Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi đang là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong, châm ngòi cho cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 9/6 cũng như cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát rạng sáng 10/6. Cảnh sát Hong Kong cho biết khoảng 240.000 người tham gia biểu tình, song các nhà tổ chức khẳng định hơn một triệu người đã xuống đường.

Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc đại lục, người Đài Loan, Macau cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 10/6 nói rằng "Bắc Kinh kiên quyết phản đối các lực lượng bên ngoài lên tiếng hoặc hành động can thiệp vào các vấn đề pháp lý của Hong Kong". Ông Cảnh cũng nói rằng Trung Quốc không lo ngại dự luật sửa đổi ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của đặc khu này.

my ung ho nguoi hong kong bieu tinh phan doi du luat dan do Hong Kong chuẩn bị đình công, đóng cửa tiệm để phản đối luật dẫn độ

Hong Kong đang chuẩn bị cho nhiều cuộc biểu tình rầm rộ hơn để phản đối dự luật dẫn độ, hai ngày sau khi hàng ...

my ung ho nguoi hong kong bieu tinh phan doi du luat dan do Người Hong Kong dọa đóng cửa tiệm đồng loạt để phản đối dự luật dẫn độ

Các cơ sở kinh doanh ở Hong Kong tuyên bố đóng cửa để thể hiện đoàn kết và ủng hộ cuộc biểu tình phản đối ...

Huyền Lê (Theo SCMP)

Ngày đăng: 17:30 | 11/06/2019

/ https://vnexpress.net