Mỹ áp hạn chế với 24 công ty Trung Quốc và một số cá nhân mà họ cho là liên quan đến việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 ra tuyên bố cho biết 24 công ty đóng vai trò "trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông", bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các công ty viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

Các công ty nằm trong danh sách đen sẽ không được tiếp cận công nghệ có xuất xứ từ Mỹ của các công ty Mỹ nếu không có giấy phép.

5758 24 cong ty trung quoc 2

5900 24 cong ty trung quoc

Nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc do liên quan tới các cáo buộc tranh chấp thương mại và cả vấn đề Tân Cương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Washington mở rộng danh sách này tới những hoạt động liên quan tới việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/8 cũng ra tuyên bố cho biết họ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa" với hành động nói trên ở Biển Đông và những người có liên quan đến việc Trung Quốc "sử dụng hành động cưỡng ép với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn để cản trở họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi".

Các thực thể vừa bị liệt vào danh sách hôm nay có vị trí quan trọng trong các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo khiêu khích của Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.

Các công ty được nêu tên trong danh sách trừng phạt bao gồm một số đơn vị của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc xây dựng trên khắp thế giới.

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng công ty này đã "dính líu vào các hành vi tham nhũng, tài trợ mang tính chất săn mồi, phá hủy môi trường và các hành vi lạm dụng khác trên khắp thế giới".

Ngoài ra, những cái tên khác đáng chú ý trong danh sách gồm có Beijing Huanjia Telecommunication Co., Chongxin Bada Technology Development Co., Shanghai Cable Offshore Engineering Co., Tianjin Broadcasting Equipment Co., các viện nghiên cứu của China Electronics Technology Group Corporation, và China Shipbuilding Group.

"Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để nạo vét và cải tạo hơn 3.000 mẫu (12 km2) ở các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp lên chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường nghiêm trọng", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố.

Mỹ hồi đầu tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc "Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy 'chân lý thuộc về kẻ mạnh'".

Hành động gây hấn gần nhất của Trung Quốc là cuộc tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc đã thông báo cuộc tập trận kéo dài từ 24-30/8.

5758 600619828bc1629f3bd0

Ông Dov Zakheim, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nhận định động thái này mang lại hiệu quả tốt hơn biện pháp thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Trump áp lên nền kinh tế số hai thế giới. Bởi ông cho rằng biện pháp thuế quan có tác dụng phụ lên cả người tiêu dùng Mỹ.

Về tính thời điểm, ông Zakheim cho rằng chính quyền của ông Trump chọn lúc này để đưa ra các biện pháp trừng phạt lên các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm trợ lực cho tổng thống trong hội nghị đảng Cộng hòa đang diễn ra.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ bắt đầu áp lệnh hạn chế thị thực đối với các công dân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa" với những hành động cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc ở các tiền đồn phi pháp ở Biển Đông. Những cá nhân này sẽ bị cấm đến Mỹ và các thành viên gia đình của họ cũng có thể phải đối mặt với các hạn chế về thị thực.

Đây là động thái mới nhất trong loạt hành động khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trượt dốc. Tổng thống Trump, người đã không ngừng chỉ trích Bắc Kinh không hành động đủ để ngăn chặn virus corona thành đại dịch toàn cầu, đang ngày càng đẩy mạnh trừng phạt Trung Quốc.

Phóng viên (t/h)

Vì sao dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc thất bại ở Ấn Độ? Vì sao dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc thất bại ở Ấn Độ?
Trump đang bỏ lỡ đồng minh “đáng gờm” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc? Trump đang bỏ lỡ đồng minh “đáng gờm” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc?
Mỹ trừng phạt công ty giúp Trung Quốc quân sự hoá trái phép ở Biển Đông Mỹ trừng phạt công ty giúp Trung Quốc quân sự hoá trái phép ở Biển Đông

Ngày đăng: 09:02 | 27/08/2020

/