Mỹ cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt chính trị lên hàng đầu khi phớt lờ cảnh báo sớm về Covid-19 của Đài Loan.
Mỹ "cực kỳ lo ngại rằng thông tin của Đài Loan đã bị giấu khỏi cộng đồng y tế toàn cầu. Điều này được phản ánh bằng việc thông báo ngày 14/1 của WHO rằng không có dấu hiệu Covid-19 lây nhiễm từ người sang người", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9/4 cho hay.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng WHO đã hành động quá muộn trong việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về Covid-19 và quá bảo vệ Trung Quốc, đồng thời đặt câu hỏi về lý do WHO không chú ý đến cảnh báo từ Đài Loan.
"WHO một lần nữa đặt chính trị lên trên y tế cộng đồng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Bà cũng chỉ trích WHO vì đã chối bỏ vai trò quan sát viên của Đài Loan tại tổ chức này từ năm 2016. "Hành động của WHO đã lãng phí thời gian và nhiều mạng sống".
Đài Loan, nơi thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh với chỉ gần 380 ca nhiễm và 5 ca tử vong dù gần gũi Trung Quốc về mặt địa lý và thương mại, đã cảnh báo WHO vào ngày 31/12/2019 về khả năng Covid-19 lây nhiễm từ người sang người, quan chức cấp cao Đài Loan Chen Chien-Jen cho biết.
Chen, một nhà dịch tễ học, nói với Financial Times rằng các bác sĩ Đài Loan biết rằng các đồng nghiệp ở Vũ Hán nhiễm bệnh nhưng WHO không hành động để xác nhận phát hiện này.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trái) đeo khẩu trang khi thăm căn cứ quân sự ở Đài Nam hôm 9/4. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Đài Loan từng giữ vai trò quan sát viên tại các hội nghị thường niên của WHO, tuy nhiên áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đẩy Đài Loan khỏi những cơ quan quốc tế lớn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8/4 cáo buộc Đài Loan dẫn đầu những cuộc công kích cá nhân nhằm vào ông, bao gồm những lời lẽ lăng mạ, gièm pha chủng tộc. Đài Loan bác bỏ cáo buộc này, yêu cầu Tedros phải giải thích và xin lỗi.
Trong bài đăng trên Facebook hôm qua, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn mời Tedros đến thăm Đài Loan và học hỏi cách đối phó dịch bệnh, thách thức ông "thoát khỏi áp lực từ Trung Quốc". "Chúng tôi đã bị chặn khỏi các tổ chức quốc tế trong nhiều năm nên chúng tôi biết cảm giác bị phân biệt đối xử và cô lập nhiều hơn bất kỳ ai", bà Thái cho hay.
Trung Quốc phản bác phát biểu của lãnh đạo Đài Loan, cáo buộc hòn đảo tham gia "thao túng chính trị" đối với WHO. "Mục đích thực sự của họ là tìm kiếm độc lập thông qua đại dịch. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành công", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Nhiều người, gồm các quan chức cấp cao Mỹ, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tedros, WHO quá thân thiết với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí nói rằng WHO "thiên vị Trung Quốc". Tedros phủ nhận cáo buộc này, kêu gọi thế giới đoàn kết chống đại dịch và không chính trị hóa các vấn đề y tế toàn cầu.
Huyền Lê (Theo AFP)
Trung Quốc bênh vực Tổng giám đốc WHO
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Tổng giám đốc Tedros đã lãnh đạo WHO tích cực làm việc và có quan điểm khách quan từ ... |
Tổng thống Trump nói WHO nhận nhiều tài trợ từ Mỹ nhưng "hướng về Trung Quốc"
Tổng thống Trump hôm 7/4 chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cách xử lý đại dịch, cảnh báo sẽ cắt ngân ... |
WHO nhận định dịch COVID-19 "còn lâu mới kết thúc" tại châu Á
Ông Kasai phân tích, kể cả với tất cả các biện pháp này, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong khu vực sẽ không biến ... |
Ngày đăng: 09:25 | 10/04/2020
/ vnexpress.net