Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa 11 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong thông cáo ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết 11 công ty Trung Quốc trên đã tham gia sử dụng các lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.
Trong số 11 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, 9 công ty bị cáo buộc có liên quan tới việc cưỡng ép lao động, phần lớn là các công ty dệt, gồm Changji Esquel Textile, Hefei Bitland Information Technology, Hefei Meiling, Hetian Haolin Hair Accessories, Hetian Taida Apparel, KTK Group, Nanjing Synergy Textiles, Nanchang O-Film Tech và Tanyuan Technology.
Ngoài ra hai công ty Xinjiang Silk Road và Beijing Liuhe bị phạt vì "đã tiến hành những phân tích gen được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nghĩ", theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Những công ty này sẽ không thể mua hàng từ các công ty Mỹ nếu không được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Đây là nhóm công ty thứ ba tại Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen sau hai đợt trước với 37 thực thể bị Washington công bố trừng phạt vì liên quan cáo buộc chiến dịch đàn áp tại Tân Cương.
Các công ty bị trừng phạt sẽ không được phép mua hàng từ các công ty Mỹ mà không được chính phủ chấp thuận. Đây là nhóm công ty thứ ba tại Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen sau hai đợt trước với 37 thực thể bị Washington công bố trừng phạt vì liên quan cáo buộc tham gia đàn áp tại Tân Cương.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo song tuyên bố trên không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Mỹ Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, cho phép trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ trừng phạt các công ty của nước này, cho rằng Mỹ đã vượt qua khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp về kiểm soát xuất khẩu, vi phạm các quy tắc cơ bản về điều chỉnh quan hệ quốc tế và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Đầu tháng này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ là "vết nhơ thế kỷ".
Tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc nói họ làm sai, cho biết người Duy Ngô Nhĩ đang tham gia các trung tâm đào tạo nghề chứ không phải bị bắt giam hay lao động khổ sai như Mỹ và một số nước cáo buộc.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 09:06 | 21/07/2020
/