Hải quân Mỹ sẽ phản ứng "quyết liệt hơn" các hành vi vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc, tại khu vực Thái Bình Dương.
Tham mưu trưởng Hải quân và tư lệnh Thủy quân Lục chiến, Tuần duyên Mỹ ngày 17/12 công bố tài liệu chiến lược hàng hải ba quân chủng mang tên "Lợi thế trên biển, áp đảo bằng sức mạnh hàng hải đa quân chủng tích hợp".
Tài liệu nhấn mạnh ba quân chủng cần phối hợp để sẵn sàng cho một cuộc chiến công nghệ cao với Trung Quốc, nhưng điều quan trọng cũng không kém là xây dựng một chiến lược và công cụ thích hợp để chống lại hoạt động cạnh tranh thường nhật, hay còn gọi là "hoạt động vùng xám", mà Trung Quốc đang tiến hành trên các vùng biển ở Thái Bình Dương.
Chiến lược hàng hải của ba quân chủng nhấn mạnh một số quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, "đang thử thách thế cân bằng quyền lực ở các khu vực quan trọng và tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện có".
"Các lực lượng hải quân được triển khai trên toàn cầu của chúng tôi tương tác với tàu chiến, máy bay của Trung Quốc, Nga hàng ngày", tài liệu nêu, nhấn mạnh vào "hành động ngày càng quyết liệt" của họ và gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất".
Tài liệu chiến lược cáo buộc Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng, triển khai các tàu trợ chiến núp bóng tàu dân sự, quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông... Ba quân chủng Mỹ cho rằng các hoạt động này của Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm, nhưng quân đội Mỹ chưa đạt được vị thế tốt để thảo luận hay chống lại các động thái đó.
Tàu sân bay trực thăng Makin Island của Mỹ hoạt động tại tây Thái Bình Dương hồi tháng 4. Ảnh: US Navy. |
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế. Để phản ứng với các hoạt động của Trung Quốc, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến đến khu vực này để thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải theo luật quốc tế.
Để duy trì lợi thế chiến lược trước hải quân Trung Quốc, với lực lượng chiến đấu tăng hơn gấp ba về quy mô chỉ trong hai thập kỷ, hải quân Mỹ có kế hoạch hiện đại hóa bằng các tàu nhỏ hơn, linh hoạt hơn và thậm chí được điều khiển từ xa.
Các tàu chiến của Mỹ cũng sẽ "chấp nhận những rủi ro chiến thuật đã được tính toán và áp dụng tâm thế quyết đoán hơn trong các hoạt động hàng ngày của chúng tôi", tuyên bố cho biết.
Đối với chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Jay Bynum, điều này đồng nghĩa lực lượng Mỹ sẽ "phản ứng nhanh hơn, quyết liệt hơn". "Trước đây, cách xử lý của chúng tôi là giảm leo thang. Chúng tôi sẽ từ bỏ chiến lược này và giảm thiểu rủi ro trong những lần chạm trán đó", ông nói, chỉ ra rằng hải quân Mỹ có thể "nhường sân" cho tuần duyên và thủy quân lục chiến trong các hoạt động như vậy.
Tài liệu cũng chỉ rõ hải quân Mỹ cũng sẽ hiện diện nhiều hơn ở Thái Bình Dương, nơi lực lượng này sẽ "phát hiện và ghi nhận các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đánh cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác".
"Chiến lược này chi tiết hóa chỉ đạo của các tư lệnh quân chủng. Đó là tín hiệu mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ với lực lượng của chúng tôi cũng như đồng minh và đối tác, đồng thời là lời cảnh báo cho bất cứ ai sẽ là đối thủ của Mỹ", Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite nhấn mạnh.
Huyền Lê (Theo AFP, USNI)
Tranh chấp và hoài nghi định hình trục quan hệ Mỹ-Trung năm 2020
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất vào năm 2020, sau 3 năm liên tiếp leo thang căng thẳng ... |
Ngày đăng: 12:00 | 18/12/2020
/ vnexpress.net