Ông Philip Davidson, người được đề cử thay thế Đô đốc Harry Harris làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) nhấn mạnh Washington phải duy trì hoạt động đều đặn và thường xuyên ở biển Đông.
Đài CNN cho biết ông Davidson đưa ra đề xuất nói trên tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện ngày 17-4.
Bên cạnh việc cảnh báo Trung Quốc có thể kiểm soát biển Đông, ông Davidson còn cho rằng nếu Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại vùng biển này (cả trên không lẫn trên biển) thì Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội bành trướng.
Vì vậy, theo ông Davidson, để đảm bảo sự ổn định ở biển Đông, cần duy trì hoạt động đều đặn và thường xuyên, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đối phó Trung Quốc. "Tôi đang lên kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao" – ông Davidson tiết lộ.
Hồi giữa tháng 5, tại buổi lễ thay đổi chỉ huy quân sự tại Hawaii, Đô đốc Scott Swift mô tả những gì đang xảy ra ở biển Đông là minh chứng cho thấy trật tự dựa trên quy tắc mới được hình thành bởi sức mạnh quân sự chứ không phải là sự đồng thuận quốc tế.
Theo đài CNN, những phát biểu trên cho thấy sự cứng rắn của quân đội Mỹ đang thắng thế trong cách đáp trả Trung Quốc trên biển Đông.
Tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam của Mỹ tại vùng biển Philippines năm 2008. Ảnh: CNN
Một trong các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Đông – Philippines – cũng vừa tuyên bố nước này đã sẵn sàng chiến tranh nếu lực lượng của họ bị gây tổn hại.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon cho biết Manila luôn cố gắng theo đuổi đàm phán để xoa dịu căng thẳng nhưng sẵn sàng bước vào trận chiến nếu quân đội bị khiêu khích hoặc bị tổn hại.
Trước đó, hôm 28-5, Bộ trưởng Ngoại giao Alan Peter Cayetano dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo ông sẽ không cho phép Trung Quốc xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough hoặc khai thác tài nguyên ở những khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Tuần trước, Manila "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp nhưng không phản ứng Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo ở biển Đông. Tổng thống Duterte đã bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì hành động "im hơi lặng tiếng" này.
Trước cáo buộc Manila "bỏ xó" phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trong đó bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở biển Đông, cố vấn Esperon ngày 30-5 khẳng định Philippines "không và sẽ không bỏ phí phán quyết của PCA". Ông giải thích Philippines chỉ "tạm thời gác lại phán quyết của tòa án để thúc đẩy hòa bình, ổn định và quan hệ mật thiết giữa các nước trong khu vực".
"Vào đúng thời điểm, chúng tôi sẽ tận dụng toàn bộ phán quyết của tòa án, ngay cả khi Trung Quốc từ chối công nhận nó" – ông Esperon nói thêm.
Phạm Nghĩa (Theo CNN, Reuters, PNA)
Ngày đăng: 21:33 | 30/05/2018
/ http://nld.com.vn