Giới truyền thông Nga râm ran về cái gọi là “hiệu ứng ngược”, khi Moscow kiếm được hàng tỷ USD nhờ các lệnh trừng phạt Venezuela và Iran của Hoa Kỳ.
Lệnh trừng phạt của Mỹ gây khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ
Những hạn chế và cấm đoán của Nhà Trắng chống Iran và Venezuela đã dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu và chế phẩm dầu trầm trọng. Nga sẵn sàng bù đắp phần thiếu hụt này, nhưng trong bối cảnh tăng mạnh nhu cầu, nguyên liệu thô vẫn không đủ cho tất cả, các nhà máy lọc dầu của Mỹ và châu Âu đều phải xếp hàng chờ đợi.
Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, dựa trên tham vọng vô định của Washington muốn giải quyết mọi vấn đề trên trường quốc tế thông qua biện pháp trừng phạt và phong tỏa, các công ty dầu khí của Nga đã kiếm được khoảng 1 tỷ USD.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Iran Nuclear Deal - IND) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống chính quyền Hassan Rouhani, bao gồm cả trừng phạt thứ cấp, tức là các nước xưa nay từng làm ăn với Tehran, cũng bị cấm mua dầu Iran.
Có ngoại lệ dành cho Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó chỉ kéo dài được 1 năm, đến tháng 5 năm 2019 Nhà Trắng đã từ chối gia hạn biệt lệ này.
Lệnh trừng phạt chống Venezuela có hiệu lực kể từ tháng 1 năm 2019. Tài khoản của tập đoàn dầu khí PDVSA lớn nhất đất nước bị phong tỏa, 8 tỷ USD tài sản nước ngoài bị phong tỏa. Ngoài ra, việc xuất khẩu và tái xuất chất pha chế dầu thô đều bị cấm.
Kết quả là, thị trường đối mặt với cảnh thiếu hụt trầm trọng về dầu thô hạng nặng chất lượng cao.
Thay thế cho nguồn cung từ Venezuela có thể là dầu thô từ Saudi Arabia, có thành phần hóa học tương tự. Nhưng vào tháng 1 Saudi Arabia tuyên bố không sửa soạn tăng lượng khai thác trong tương quan có lệnh trừng phạt chống nước Cộng hòa Bolivar.
Tình hình trở nên phức tạp bởi thực tế là khi thực hiện các điều kiện của thỏa thuận Vienna về giảm khối lượng sản xuất, các nước OPEC đã hạ thấp nguồn cung cấp trước hết là các loại dầu nặng - vì giá rẻ hơn.
Mỹ, châu Âu cay đắng xếp hàng chờ dầu Nga
Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, Nga đã trở thành nhà xuất khẩu chính về nguyên liệu chứa hàm lượng axit sulfurơ (sulphurous) cao. Và nghịch lí là xếp hàng đầu tiên để chờ nhận dầu Nga chính là các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Trong bối cảnh nhập khẩu từ Venezuela tuột dốc từ 550 nghìn thùng/ngày xuống còn 80 nghìn/ngày, đã xuất hiện viễn cảnh ngừng trệ sản xuất của các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico và Bờ Đông Hoa Kỳ, vốn được thiết kế để chế biến dầu axit sulfurơ nặng.
Tất cả những doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực hóa dầu như Citgo Petroleum, Valero Energy, Chevron, đều bị thiệt hại nặng nề.
|
Ngay trong tháng 4, người Mỹ đã mua nguyên liệu thô của Nga đến mức kỷ lục. Theo dữ liệu của Caracas Capital Markets Russ Dalllen, trong nửa đầu tháng 5, 13 tàu vận tải đã giao gần 5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga cho Hoa Kỳ. Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở đây, kế hoạch của các nhà máy lọc dầu Mỹ là tăng gấp ba lượng tiêu thụ dầu Nga hàng tháng.
Hơn thế nữa, các nhà phân tích cho biết thêm rằng, trong thời gian gần đây, các đợt cung cấp từ Nga đã tăng cả với những nhà máy lọc dầu của châu Âu.
Các nhà máy lọc dầu châu Âu, định hướng vào chế biến loại dầu axit sulfurơ cao cũng đang tìm kiếm khẩn cấp để thay thế dầu sulphurous bị thiếu hụt nghiêm trọng trên thị trường. Do lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran và Venezuela, thị trường đã mất gần 800 nghìn thùng mỗi ngày.
Theo thông tin của Refinitiv Eikon, từ tháng 10 đến tháng 3, Saudi Arabia đã cắt giảm gần một nửa với xuất khẩu các loại dầu lưu huỳnh sang châu Âu, còn Iraq là hơn 40%. Hãng tin Anh Reuters cho biết, tình trạng không thể tiếp cận dầu Iran và Venezuela đã khiến khách mua châu Âu thực sự phải tranh cướp để có dầu Urals của Nga.
“Tất cả các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm dầu Urals hoặc loại tương tự. Rõ ràng là loại dầu này không đủ cho tất cả” - đại diện của một thương nhân dầu mỏ châu Âu thừa nhận trong cuộc phỏng vấn của Reuters.
Hàng tỷ USD chảy vào túi Nga
Theo giới thương nhân Mỹ và châu Âu, mặc dù chất lượng như nhau, nhưng những nguồn cung dầu thô của các nước khác đắt giá hơn nhiều so với dầu Urals, do đó, sản phẩm của Nga luôn cháy hàng
Theo truyền thống, dầu Urals được giao dịch giảm giá với Brent. Trong 5 năm lại đây, một thùng dầu thô của Nga trung bình rẻ hơn 1 USD so với chỉ số cơ sở ở khu vực Địa Trung Hải và 1,63 USD ở tây-bắc châu Âu, - như các chuyên gia phân tích của hãng giám sát S & P Global Platts cho biết.
Cơn sốt nhu cầu và sự cạnh tranh bùng phát ngày càng gay gắt về nguyên liệu thô của Nga dẫn đến thực tế là vào tháng 3, sự khác biệt giữa Urals và Brent đã giảm 30% - xuống mức tối thiểu kể từ năm 2013.
Chỉ trong tháng đầu tiên của mùa xuân năm nay, ngành dầu mỏ của Nga đã kiếm được nhiều hơn 140 triệu USD so với tháng 10, trước khi Trump áp đặt lệnh trừng phạt chống Iran và Venezuela.
Còn đến tháng 8 này, lần đầu tiên mác dầu Urals trở nên đắt hơn cả Brent và đang được giao dịch ở mức cao hơn so với chuẩn Biển Bắc.
Như Bloomberg nhấn mạnh, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, các công ty dầu khí Nga đã kiếm được khoản thu nhập bổ sung ít nhất là 905 triệu USD. Còn nếu đến hết năm nay, con số này sẽ tăng lên ít nhất là 1,5 tỷ USD.
Các tính toán lợi nhuận này dựa trên dữ liệu từ hệ thống thiết bị kho bãi đầu cuối, chương trình bốc dỡ của hải cảng Nga, cũng như đánh giá của S & P Global Platts.
Các chuyên gia phân tích lưu ý, những khoản thu bổ sung của các công ty dầu khí của Nga đang bù đắp tổn thất có thể, thí dụ như do ô nhiễm dầu trong đường ống dẫn “Druzhba”.
Rõ ràng, sự thiếu hụt dầu lưu huỳnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vị thế của dầu Urals và nếu lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran càng kéo dài thêm, Nga sẽ còn được lợi nhiều hơn nữa.
Toàn Thắng
Trung Quốc tố Mỹ 'can thiệp thô bạo' khi trừng phạt Venezuela
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/8 cáo buộc Mỹ vi phạm nguyên tắc quốc tế và can thiệp thô bạo khi đóng băng tài ... |
Mỹ ký lệnh trừng phạt Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 ký sắc lệnh trừng phạt Nga vì nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ... |
Mỹ áp lệnh trừng phạt với Ngoại trưởng Iran
Washington hôm 31/7 áp dụng các biện pháp trừng phạt với Ngoại trưởng Iran bằng cách phong tỏa các tài sản và lợi ích của ... |
Ngày đăng: 19:37 | 20/08/2019
/ baodatviet.vn