Vụ rò rỉ thông tin mật về quân sự của Mỹ, được đánh giá là nghiêm trọng bậc nhất trong thời gian gần đây, khiến các cơ quan chức năng nước này khẩn trương tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác định ảnh hưởng của nó tới mối quan hệ với các đồng minh hàng đầu, trong đó có Hàn Quốc và Ukraine.

Khoảng 100 trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc bất ngờ bị rò rỉ trên các mạng xã hội vào tháng trước, phơi bày các tiết lộ nhạy cảm chưa được báo cáo trước đây về Ukraine, Hàn Quốc, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và các quốc gia khác. Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đang nỗ lực ngăn chặn luồng thông tin mật trên mạng xã hội và các trang web, đồng thời ngăn chặn mọi thiệt hại lâu dài đối với mối quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược. Đây có thể coi là vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao của Mỹ xuất hiện trên trang web WikiLeaks năm 2013.

Mỹ nỗ lực xử lý khủng hoảng niềm tin sau vụ rò rỉ tài liệu mật -0
Các quan chức Ukraine cho rằng vụ rò rỉ thông tin khó làm ảnh hưởng đến cục diện cuộc chiến. Ảnh minh họa Getty Images.

Theo Washington Post, người làm rỏ rỉ các thông tin mật của quân đội Mỹ có biệt danh OG, đam mê súng và ở độ tuổi 20, từng làm việc trong một căn cứ quân sự. Người này đã chia sẻ thông tin mật cho một nhóm trên nền tảng nhắn tin Discord gồm hơn 20 người có chung "tình yêu súng, thiết bị quân sự và Chúa". Người này được các thành viên trong nhóm kính trọng và mô tả là một thanh niên "mạnh mẽ, được huấn luyện và trang bị vũ khí". Tuy nhiên, tờ báo không tiết lộ danh tính thanh niên này.

Mặc dù do thám là một phần không thể thiếu trong cách cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin trên toàn cầu, nhưng các nhà ngoại giao từ một số quốc gia được đề cập trong bản tài liệu bày tỏ giận dữ khi những thông tin đó bị rò rỉ. "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ chia sẻ đánh giá thiệt hại với chúng tôi trong những ngày tới, nhưng chúng tôi cũng không thể cứ ngồi chờ đợi đánh giá của họ. Chúng tôi đang có động thái của riêng mình", quan chức một quốc gia nằm trong thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) cho biết. Nhóm Ngũ Nhãn bao gồm Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh. Một quan chức khác của quốc gia thuộc Ngũ Nhãn bày tỏ lo ngại về thông tin xung đột Ukraine bị rò rỉ có thể gây bất lợi cho Kiev trên chiến trường. Quan chức cho rằng thật đáng báo động khi thấy một trong những tài liệu từ tháng 2 có tiêu đề "Nga-Ukraine: Trận chiến ở khu vực Donbas có khả năng dẫn đến bế tắc trong suốt năm 2023" bị rò rỉ.

Ngày 12/4, bà Amanda Sloat - Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ kiêm Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết Washington đang phối hợp với các đồng minh xử lý vụ rò rỉ tài liệu mật. Trước đó, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Bộ Quốc phòng đã triển khai "nỗ lực liên ngành" để đánh giá tác động của vụ rò rỉ đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác. Theo bà Singh, các quan chức Mỹ đã trao đổi với các đồng minh và đối tác vào cuối tuần qua về vụ rò rỉ, đồng thời thông báo cho "các ủy ban có liên quan của quốc hội". Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, bao gồm các lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống, đang kiểm tra danh sách phân phát để xem ai nhận được những báo cáo này.

Liên quan đến vụ việc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin ngày 12/4 cho biết Washington bày tỏ ý định hợp tác với Seoul nhằm giải quyết vấn đề các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng bị rò rỉ, trong đó chứa nội dung Mỹ nghe lén các quan chức an ninh hàng đầu Hàn Quốc. Theo hãng tin Yonhap, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hàn Quốc, Ngoại trưởng Park Jin khẳng định Mỹ đã nêu vấn đề trên một cách nghiêm túc và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc thông qua kênh liên lạc bí mật. Dư luận đang quan tâm đến tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ sau khi tờ New York Times và Washington Post đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ bị cáo buộc nghe lén các cuộc tranh luận nội bộ của Hàn Quốc về việc cung cấp vũ khí cho quân đội Mỹ để sử dụng tại Ukraine. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng đây là thông tin "sai lệch và vô căn cứ".

Cùng ngày 12/4, ông Park Jin tuyên bố nhiều thông tin trong tài liệu dường như đã bị xuyên tạc một cách có chủ đích, nhưng sau đó nhấn mạnh với các nghị sỹ tham dự phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hàn Quốc rằng việc tìm hiểu sự thật là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Khi được hỏi liệu Seoul sẵn sàng phối hợp với Washington trong vấn đề trên hay không, Ngoại trưởng Park Jin khẳng định "không có chủ đề nào là không thể thảo luận" giữa hai nước.

Về phía Ukraine, các quan chức nước này không cho rằng vụ rò rỉ thông tin mật là tác nhân gây tổn hại nghiêm trọng đến các chiến dịch của Kiev trong tương lai. Các quan chức của Washington và Kiev mới đây nhận định, chỉ có phía Ukraine nắm được thông tin về các kế hoạch chiến đấu chứ không phải Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của họ. Điều này đồng nghĩa với việc vụ rò rỉ, bao gồm các đánh giá về điểm mạnh và yếu trên chiến trường so với Nga, đến nay có thể chưa đủ để thay đổi cục diện cuộc chiến. "Nếu các hoạt động quân sự được lên kế hoạch, thì chỉ một nhóm rất ít người biết về kế hoạch đó", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, nói thêm rằng nguy cơ rò rỉ đối với những vấn đề chiến sự quan trọng nhất là rất nhỏ.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-no-luc-xu-ly-khung-hoang-niem-tin-sau-vu-ro-ri-tai-lieu-mat-i690006/

Ngày đăng: 08:20 | 14/04/2023

Tiến Dũng / cand.com.vn