Mỹ và các nước NATO không gửi binh sĩ đến Ukraine, song cam kết hỗ trợ Kiev nguồn lực tài chính và vũ khí để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Reuters ngày 25/2 (giờ Mỹ) dẫn lời quan chức Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách 6,4 tỷ USD để xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó 2,9 tỷ USD dành cho nỗ lực nhân đạo, 3,5 tỷ USD dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hiện do đảng Dân chủ kiểm soát nên các đề xuất có thể sớm được phê chuẩn. Quốc hội Mỹ dự kiến coi khoản viện trợ 2,9 tỷ USD là một dự luật khẩn cấp và sẽ phê duyệt nhanh nhất có thể, còn khoản 3,5 tỷ USD của Lầu Năm Góc sẽ được xem xét sau.
Cùng ngày, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói trong một cuộc họp báo rằng, Mỹ "sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine". "Chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều đó. Cách thức thực hiện vẫn đang được thảo luận", ông nói.
Tuy nhiên Lầu Năm Góc không nêu chi tiết các lô hàng viện trợ cho Ukraine vì lý do an ninh. Trước chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ đã chuyển một số lô khí tài quân sự cho các lực lương vũ trang Ukraine, bao gồm vũ khí sát thương và không sát thương.
Được biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/2 đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
"Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ quốc phòng và liên minh chống chiến tranh vừa được thảo luận với Tổng thống Biden. Biết ơn vì những hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ với Ukraine", Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.
Từ phía NATO, khối quân sự này cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine và cho biết nhiều nước thuộc liên minh đã cam kết sẽ gửi vũ khí sang Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ, trong các gói viện trợ này có bao gồm các hệ thống vũ khí phòng không.
Theo Reuters, hôm 25/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak xác nhận một đoàn xe vận chuyển đạn dược đã tới Ukraine. Đây là chuyến hàng viện trợ quân sự công khai đầu tiên cho Ukraine kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga.
"Chúng tôi đứng về phía người Ukraine và thể hiện tinh thần đoàn kết chống lại chiến dịch của của Nga", ông viết trên Twitter, nhưng không thông tin về chủng loại đạn dược được đưa đến Ukraine.
Các quyết định của NATO xuất hiện sau khi Tổng thống Zelensky đã tỏ ra thất vọng khi không nhận được sự bảo vệ từ phương Tây trước chiến dịch quân sự của Nga. Bên cạnh đó, các nước châu Âu đã không hồi đáp các câu hỏi của ông xung quanh khả năng gia nhập NATO của Kiev.
"Tôi đã hỏi tất cả các nước đối tác xem họ có đứng về phía chúng ta không? Họ đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng kết nạp chúng ta vào cùng liên minh với họ", ông Zelensky sáng 25/2 phát biểu. "Tôi đã trực tiếp hỏi 27 nhà lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có thể gia nhập NATO hay không. Mọi người đều lo sợ, không trả lời".
Thiện Nhân
Mỹ, NATO gửi văn bản trả lời yêu cầu an ninh của Nga |
Ác mộng mới của tàu chiến Mỹ, NATO ở châu Âu? |
Ngày đăng: 08:24 | 26/02/2022
/ cand.com.vn