NATO, mà đặc biệt là Mỹ đã liên tiếp có những động thái quân sự nhằm vào Nga, từ một cứ điểm Đông Âu là Ba Lan.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blashak tuyên bố trên đài phát thanh nước này, Bộ chỉ huy của quân đội Mỹ ở phía đông NATO sẽ được triển khai ở nước này.
“Chúng tôi đã đồng ý về sự hiện diện của Bộ tư lệnh sư đoàn của quân đội Hoa Kỳ. Bộ tư lệnh này sẽ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở mặt trận phía đông của NATO” - ông Blaschak cho biết.
"Đây là thành công không thể nghi ngờ. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan sẽ khiến kẻ thù phải sợ hãi. Kẻ xâm lược có thể hiểu rằng việc xâm phạm biên giới Ba Lan, tấn công vào Ba Lan sẽ không phải là cuộc tấn công cục bộ, mà là cuộc xung đột toàn cầu", ông Blaschak nói.
Vị Bộ trưởng này tin rằng, quyết định như vậy sẽ làm tăng đáng kể an ninh cho Ba Lan vì những mối đe dọa của cuộc xung đột quân sự toàn cầu. Mặc dù vị lãnh đạo quân đội Ba Lan không nói đến “kẻ địch” cụ thể, nhưng người ta cho rằng, đó không ai khác ngoài Nga.
Trước đó, đã có thông tin rằng, Hoa Kỳ và Ba Lan đã đồng ý triển khai trên lãnh thổ Ba Lan phi đội máy bay trinh sát không người lái “Tử thần” MQ-9 Reaper của Mỹ và Hoa Kỳ dự định tăng số lượng quân đội của họ thêm 1 nghìn người từ con số 4,5 nghìn người hiện nay.
Đổi lại, Ba Lan cam kết tự chuẩn bị tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng số lượng lớn quân nhân và trang thiết bị của Mỹ, đồng thời xây dựng sân bay quân sự có thể được sử dụng cho mục đích vận chuyển lực lượng "cho những cuộc tập trận và đề phòng sự kiện không lường trước". Ngoài ra, các bên sẽ thành lập những trung tâm huấn luyện chiến đấu.
Nước này cũng sẽ bố trí trụ sở sư đoàn Hoa Kỳ và các đơn vị thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Mỹ "để hỗ trợ các chiến dịch trên không, trên bộ và trên biển". Dự trù này bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo hiện diện của một "nhóm chiến đấu gồm lữ đoàn bọc thép, lữ đoàn hàng không chiến đấu và một tiểu đoàn hỗ trợ tác chiến”.
Được biết, các điều khoản có liên quan đến thỏa thuận này được trình bày trong tuyên ngôn chung về hợp tác quốc phòng, do các Tổng thống Donald Trump và Andrzej Duda ký kết hồi tuần trước.
Theo quân đội Ba Lan, việc Không lực Hoa Kỳ tạo lập một phi đội MQ-9 chuyên trinh sát, theo dõi ở Ba Lan nhằm mục đích khi cần sẽ trao đổi thông tin thu được từ hoạt động của phi đội này để hiện thực hóa các mục tiêu phòng thủ của khối NATO.
Ngoài ra, Ba Lan còn đang bàn bạc với Mỹ để mua sắm 35 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của hãng Lockheed Martin là F-35 Lightning II, nhằm thay thế hết các phi đội máy bay chiến đấu cũ kiểu Liên Xô.
Trước đó, Ba Lan cũng đã mua của Mỹ các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến Patriot 3 (PAC3).
Hợp đồng bao gồm 2 giai đoạn, trong giai đoạn 1, Ba Lan sẽ được nhận 16 bệ phóng, 4 trạm radar và 208 tên lửa PAC-3 MSE và các thành tố của hệ thống điều khiển và liên lạc IBCS; trong giai đoạn hai, Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan các loại radar mới tiên tiến nhất, cũng như các tên lửa và bệ phóng bổ sung.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai ở Ba Lan các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis Ashore. Giới chuyên gia và quan chức quân sự Nga tố cáo đây là đòn đánh nhằm vào Nga, bởi các bệ phóng Mk41 có thể sử dụng để phóng cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.
Liên quan đến việc Ba Lan và Hoa Kỳ mở rộng hợp tác quân sự, giới lãnh đạo Moscow tuyên bố rằng, quân đội nước này đang phân tích kỹ thông tin để tránh các nguy cơ đe dọa đối với an ninh của Nga từ hướng Tây. Lực lượng của Mỹ-NATO ở Ba Lan có thể trở thành mũi dao sắc thọc vào sườn Nga.
Trong quyết định của Washington và Warsaw về bổ sung lực lượng, trang bị của Mỹ ở Ba Lan và của cả quân đội nước này, Moscow nhận thấy dấu hiệu chuẩn bị cho việc triển khai quy mô lớn tiếp theo, vì vậy Nga không thể không tính đến điều này trong kế hoạch phòng thủ của mình và sẽ có những bước đi tương xứng để bảo vệ đất nước.
Nga nói về báo cáo vũ khí thông thường của LHQ
Bản đăng ký các loại vũ khí thông thường chỉ có ý nghĩa tương tự như Ngày thế giới phòng chống bệnh viêm tai giữa... |
Nga điều chiến hạm giám sát NATO tập trận
Ba tàu chiến Nga được triển khai theo dõi 40 chiến hạm NATO tập trận ở khu vực Biển Baltic. |
Ngày đăng: 22:20 | 17/06/2019
/ http://baodatviet.vn