Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí không gian trong cuộc chạy đua thống trị vùng nằm ngoài bầu khí quyển Trái Đất. 

Chỉ huy Bộ tư lệnh Vũ trụ Mỹ, tướng không quân John Raymond nhấn mạnh mối đe dọa tấn công các vệ tinh quan trọng của Mỹ là "có thật".

"Theo quan điểm của tôi, quy mô, phạm vi và sự phức tạp của mối đe dọa này là rất đáng lo ngại", ông Raymond phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ngày 18/11.

my muon triet giac mong vu tru cua trung quoc
Tên lửa Trường Chinh 3B mang tàu thám hiểm mặt trăng Thường Nga 4 rời khỏi bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 8/12/2018. Ảnh: Reuters.

Báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (USSCC) cảnh báo Trung Quốc muốn thống trị vùng không gian nằm giữa Trái Đất và Mặt Trăng trong chiến lược được gọi là "giấc mơ chinh phục vũ trụ".

Trung Quốc lên kế hoạch đặt cơ sở thường trực trên Mặt Trăng trong chương trình không gian kết hợp quân sự và thương mại, theo báo cáo của USSCC. Năm 2018, Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đặt mục tiêu phải kiểm soát không gian vũ trụ.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tháng 6, tướng Raymond lần đầu tiên hé lộ Lầu Năm Góc đang phát triển các loại vũ khí không gian mới phục vụ chiến dịch tấn công lẫn phòng thủ. Tướng 4 sao nhấn mạnh Trung Quốc và Nga là mối đe dọa chính trong không gian vũ trụ nên Mỹ phải nhanh chóng phát triển kho vũ khí mới, nhưng không nêu chi tiết.

Giới chuyên gia cho biết Lầu Năm Góc đang tiến hành chương trình phát triển vũ khí không gian tuyệt mật tại một số đơn vị, bao gồm Cơ quan Phát triển Không gian và căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico. Các loại vũ khí không gian hiện hữu bao gồm tên lửa, thiết bị gây nhiễu sóng điện từ và vũ khí laser. Tàu vũ trụ không người lái X-37B tối mật dự kiến đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí không gian của Mỹ.

Kể từ thập niên 1950, nhiều đời tổng thống và quốc hội Mỹ ngăn chặn hoặc hạn chế phát triển vũ khí không gian do lo ngại nguy cơ "quân sự hóa vũ trụ". Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh chế tạo và triển khai tên lửa, vũ khí laser diệt vệ tinh.

Theo báo cáo của tổ chức tư vấn RAND Corp, Mỹ cũng có tên lửa diệt vệ tinh. Đó là tên lửa ASM-135 được phóng từ chiến đấu cơ F-15, tiêu diệt một vệ tinh Mỹ trong cuộc thử nghiệm thành công năm 1985. Tuy nhiên, chương trình này bị hủy cuối năm đó. Không quân Mỹ bắt đầu phát triển hệ thống gây nhiễu vệ tinh hồi 2002 nhằm ngăn chặn nguy cơ bị quân địch do thám, nhưng hai năm sau đó quốc hội ngừng cấp ngân sách cho chương trình này.

Dù vậy, quân đội Mỹ sở hữu nhiều hệ thống tên lửa và laser lưỡng dụng có thể được nâng cấp thành vũ khí diệt vệ tinh. Chẳng hạn, Mỹ dùng tên lửa đánh chặn SM-3, được cải tiến hồi 2008, để bắn hạ vệ tinh của Cơ quan Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO) và ngăn nó quay lại bầu khí quyển, rơi trúng khu vực đông dân cư. NRO có nhiệm vụ cung cấp hình ảnh chụp từ vệ tinh cho chính phủ và các cơ quan tình báo khác của Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ được cho là có khả năng bắn hạ vệ tinh. Ngoài ra, hải quân Mỹ đã thử nghiệm vũ khí laser hóa học hồng ngoại sóng trung tiên tiến (MACL) dùng để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa. Trong tương lai, MACL có thể được dùng để tiêu diệt vệ tinh.

USSCC nhấn mạnh các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc xem không gian vũ trụ là "đỉnh cao chỉ huy" phải thống trị trong tình huống xung đột bùng nổ. Quân đội Trung Quốc áp dụng nguyên tắc sử dụng vũ khí có thể "gây bất ổn không gian vũ trụ", theo USSCC.

"Trung Quốc xem không gian vũ trụ là điểm yếu của Mỹ về mặt quân sự lẫn kinh tế. Chính vì thế, Bắc Kinh không ngừng phát triển vũ khí nhắm vào từng tài sản của Mỹ trong không gian vũ trụ. Tuy nhiên, Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc tấn công hàng trăm vệ tinh thương mại lẫn quân sự của nước này. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thiết lập vị thế dẫn đầu trong không gian vũ trụ về kinh tế lẫn quân sự hay còn được gọi là giấc mơ chinh phục vũ trụ", USSCC lưu ý.

Larry Wortzel, cựu quan chức tình báo quân đội và là thành viên USSCC, đánh giá Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ từ lĩnh vực quân sự cho đến thương mại. "PLA có thể dẫn trước quân đội Mỹ trong phát triển vũ khí không gian. Nếu phải hành động, Trung Quốc có lợi thế hơn vì chỉ cần sự phê chuẩn của chính phủ. Quân đội Mỹ phải vượt qua hàng loạt rào cản từ luật sư, Hội đồng An ninh Quốc gia cho đến Nhà Trắng và quốc hội trước khi hành động", chuyên gia Wortzel nói.

Ông Wortzel cho biết thêm Trung Quốc đang sử dụng hệ thống định vị riêng BeiDou nhằm thay thế GPS cùng lúc xúc tiến hợp tác kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. "Đây chính là thách thức lớn cho Mỹ", theo ông Wortzel.

Trong bức thư gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng Mỹ, tướng Raymond cảnh báo: "Trung Quốc trở nên vượt trội trong lĩnh vực không gian với nhiều loại vũ khí và ưu thế của chúng ta đang bị hạn chế. Quân đội Mỹ cần có thêm ngân sách để tăng cường vũ khí không gian phục vụ mục tiêu tấn công lẫn phòng thủ".

Rick Fisher, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, cho biết báo cáo của USSCC phơi bày nhiều chi tiết mới về tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong không gian vũ trụ và tác động đối với nền an ninh Mỹ trên Trái Đất.

"Cách duy nhất là ngăn Trung Quốc kiểm soát Mặt Trăng cùng vùng nằm giữa Mặt Trăng và Trái Đất", theo ông Fisher.

Trân Châu (Theo Washington Times)

Ngày đăng: 10:35 | 03/12/2019

/ vnexpress.net