Trong khi Trung Quốc và Nga đang rục rịch triển khai vaccine Covid-19 trên diện rộng, Mỹ vẫn tranh cãi nội bộ về vấn đề này.
Hôm 14/9, Guizhen Wu, chuyên gia an toàn sinh học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), tiết lộ vaccine Covid-19 do nước này phát triển có thể sẵn sàng được tiêm chủng cho cộng đồng vào đầu tháng 11. Trước đó, giới chức Trung Quốc cho biết họ đã cấp phép sử dụng các vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hàng trăm nghìn người ở nước này, bao gồm binh sĩ quân đội, nhà ngoại giao, các nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên thuộc doanh nghiệp nhà nước, đã tiêm vaccine của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) thông qua quy định sử dụng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng bắt đầu triển khai vaccine Covid-19 ra nước ngoài, tới những nơi được cho là mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuần trước, Sinopharm thông báo sẽ cung cấp những liều khẩn cấp của một trong hai loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng minh của Mỹ. Trung Quốc hiện cũng là nhà cung cấp vaccine Covid-19 duy nhất tại khu vực Trung Đông.
Vaccine Covid-19 tiềm năng do Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG), đơn vị thuộc Sinopharm, phát triển trưng bày tại hội chợ thương mại ở Bắc Kinh hôm 4/9. Ảnh: Reuters. |
Vaccine Covid-19 của Sinopharm còn đang được thử nghiệm Giai đoạn ba tại Jordan và Bahrain. Ai Cập hôm 11/9 thông báo họ cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine của Sinopharm, ba ngày sau khi hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca phải tạm dừng thử nghiệm lâm sàng vì một tình nguyện viên mắc bệnh "không rõ nguyên nhân".
Trung Quốc có tổng cộng 4 vaccine Covid-19 tiềm năng đang thử nghiệm Giai đoạn ba. Ngoài những nước trên, danh sách quốc gia đăng ký thử nghiệm các vaccine của Trung Quốc còn bao gồm Argentina, Brazil, Bangladesh, Indonesia, Morocco, Peru, Nga và Arab Saudi.
Trong khi đó, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), một quỹ tài sản do chính phủ Nga thành lập và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19, tuần trước ký thỏa thuận cung cấp cho Ấn Độ 100 triệu liều Sputnik V, vaccine Covid-19 được Nga cấp phép từ tháng 8. Brazil, Mexico và Kazakhstan cũng đã đồng ý mua Sputnik V.
Theo bình luận viên Eva Dou và Isabelle Khurshudyan của Washington Post, những động thái gần đây của Nga và Trung Quốc trong cuộc đua vaccine Covid-19 đã khiến phương Tây đánh mất một lợi thế quan trọng.
Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục hối thúc tiến độ ra mắt vaccine Covid-19 của Mỹ, trong khi các công ty dược phẩm nước này phản đối ý tưởng "đốt cháy giai đoạn", quyết tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn đã được thiết lập từ lâu.
"Các chuyên gia y tế Mỹ tuyên bố sẽ không vội vàng ra mắt vaccine Mỹ để đáp trả, nhưng điều đó lại giúp Nga và Trung Quốc phát huy vũ khí ngoại giao vô giá này trong nhiều tháng tiếp theo", hai bình luận viên viết.
Kết quả là trong năm tới, Nga và Trung Quốc có thể thu về quyền lực địa chính trị đáng kể bằng cách "bẻ cong quy định" và gấp gáp ra mắt vaccine Covid-19 của riêng mình, chấp nhận đặt cược về hậu quả nếu vaccine không hiệu quả.
"Đó thực sự là một ý tưởng điên rồ và tệ hại. Điều này khó hiểu một cách đáng kinh ngạc", Arthur Caplan, chuyên gia tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, Mỹ, nhận định về việc Trung Quốc và Nga sử dụng vaccine Covid-19 trước khi hoàn tất thử nghiệm Giai đoạn ba. "Thật không thể hiểu nổi kiểu tính toán này".
Tuy nhiên, Kirill Dmitriev, chủ tịch quỹ RDIF của Nga, cho hay Nga quyết định phê chuẩn vaccine Sputnik V trước khi hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn Ba bởi nhiều nước khác cũng làm vậy.
"Họ chỉ trích rằng bạn không thể đăng ký vaccine trước khi thử nghiệm Giai đoạn ba", Dmitriev nói. "Nhưng sau đó, Trung Quốc đăng ký vaccine, UAE cũng làm vậy trước khi hoàn tất Giai đoạn Ba. Cả Anh và Mỹ đều công khai tuyên bố rằng họ đang xem xét việc đăng ký vaccine trước Giai đoạn ba. Vì vậy, mấu chốt cho lời chỉ trích đó không còn nữa", ông nói.
Theo giới quan sát, đối với Bắc Kinh, những quyết định táo bạo về vaccine Covid-19 là một canh bạc lớn. Do là nơi đại dịch khởi phát, Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu cơn thịnh nộ của cộng đồng quốc tế, nhưng một số nỗ lực trước đây của họ lại phản tác dụng, như việc những lô khẩu trang y tế và đồ bảo hộ viện trợ cho nước khác bị chỉ trích không đạt chuẩn.
Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn với "canh bạc" vaccine lớn hơn nhiều. Theo giới chuyên gia, các tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine hiếm khi xuất hiện trong thử nghiệm quy mô nhỏ, đó là lý do thử nghiệm Giai đoạn ba trên quy mô lớn thường được tiến hành suốt nhiều tháng, trước khi vaccine được phê duyệt đưa ra thị trường. Nguy cơ về an toàn cũng có thể xuất hiện do quá trình sản xuất gấp rút.
Một vấn đề khác mà Trung Quốc và Nga phải xử lý là số lượng liều vaccine Covid-19 sẽ không đủ cho tất cả. Cả hai nước đều ước tính họ chỉ có thể sản xuất đủ vaccine cho một phần nhỏ dân số trong năm đầu tiên, dẫn tới việc cần quyết định ai sẽ được ưu tiên.
Zhou Song, giám đốc điều hành của Sinopharm, gần đây cho biết công ty dự kiến sản lượng ban đầu là 300 triệu liều một năm. Do mỗi người cần hai liều, con số này sẽ đáp ứng được khoảng 1/10 dân số Trung Quốc. Trong khi đó, quỹ RDIF dự kiến có 30 triệu liều vaccine Sputnik V được sản xuất tại Nga vào cuối năm nay, chỉ đủ cho khoảng 20% dân số.
Dù vậy, cả Trung Quốc và Nga đều đang thúc đẩy các thỏa thuận cung cấp vaccine tiềm năng cho các đối tác trên toàn cầu, trong nỗ lực "tấn công quyến rũ" nhằm gia tăng ảnh hưởng địa chính trị.
Nếu thắng trong canh bạc này, khi vaccine của họ được chứng minh hiệu quả và an toàn, nó sẽ giúp củng cố vị thế dẫn đầu của Nga và Trung Quốc trước phương Tây trong nỗ lực phục hồi kinh tế năm 2021, đồng thời trở thành "vũ khí ngoại giao" mạnh mẽ ở nước ngoài, Dou và Khurshudyan nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)
Ngày đăng: 16:33 | 21/09/2020
/ vnexpress.net