Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc khi Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ra tuyên bố hôm 22/8. Bà Morgan Ortagus cho biết, hành xử của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về những cam kết của nước này - gồm cả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc - là giải quyết bằng biện pháp hòa bình cho các tranh chấp hàng hải.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò thuộc sở hữu của chính phủ, cùng với các tàu hộ tống có vũ trang tại vùng biển Việt Nam vào ngày 13/8 vừa qua là "hành động leo thang của Bắc Kinh trong các nỗ lực nhằm đe dọa nước khác có tuyên bố chủ quyền đang khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus |
Tuyên bố của nữ phát ngôn Mỹ nêu rõ:
Hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực, áp đặt gánh nặng kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn cản sự tiếp cận của họ với nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính 2,5 tỷ USD và chứng minh Trung Quốc coi thường quyền của các quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, theo Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996.
Các công ty Mỹ đứng đầu thế giới trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên hydrocarbon, bao gồm cả ở Biển Đông. Do đó, Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc áp chế những nước đối tác từ chối hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc. Hoặc nói cách khác là quấy rối các hoạt động hợp tác của họ.
Mỹ cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đảm bảo sản xuất dầu khí khu vực không bị gián đoạn cho thị trường toàn cầu.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, như đã thông tin vào ngày 16/8, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
“Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng khẳng định.
Bắc Kinh lập kỷ lục hiếm có, dồn ép Donald Trump lo sợ |
Doanh nghiệp Mỹ tìm cách "phòng thân" trong thương chiến |
Trung Quốc cấm dạy trước chương trình tiểu học với học sinh mẫu giáo |
Ngày đăng: 11:14 | 23/08/2019
/ vietnamnet.vn