Châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba và đang phải tái áp đặt phong tỏa, khiến Mỹ lo lắng họ sẽ chịu chung số phận.

Tối 18/3, Pháp công bố lệnh phong tỏa mới đối với 16 khu vực, bao gồm thủ đô Paris và Nice, mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron từ chối tái áp đặt phong tỏa toàn quốc.

Đầu tuần trước, nhiều vùng của Italy, bao gồm các thành phố Rome và Milan, một lần nữa phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi ở Tây Ban Nha, tất cả khu vực ngoại trừ Madrid quyết định hạn chế đi lại trong dịp lễ Phục sinh sắp tới. Thủ đô Berlin của Đức cũng dừng kế hoạch nới lỏng hạn chế do ca Covid-19 tăng mạnh.

0207 14
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân tại Angers, Pháp ngày 15/3. Ảnh: AFP.

"Làn sóng thứ hai vốn không kết thúc hẳn vì họ đã mở cửa quá sớm để mọi người đi mua sắm cho dịp Giáng sinh", nhà dịch tễ học người Pháp Catherine Hill nhận định, chỉ ra rằng mức độ lây nhiễm khi đó vẫn ở mức cao. "Số ca phải vào khu điều trị tích cực gần đây tăng đều, tình hình hiện trở nên nghiêm trọng ở một số vùng của đất nước, bao gồm Vùng đô thị Paris".

Biến thể dễ lây lan hơn B.1.1.7 từ Anh dường như là thủ phạm đằng sau làn sóng thứ ba. Dữ liệu sơ bộ mới được công bố trên British Medical Journal cho thấy chủng này cũng dễ gây chết người hơn.

Alessandro Grimaldi, giám đốc bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Salvatore ở thị trấn L'Aquila của Italy, nói rằng biến thể mới dễ lây lan hơn đã "thay đổi cuộc chơi", nói thêm rằng "các biện pháp quyết liệt để ngăn lây nhiễm là không thể tránh khỏi".

WHO đã cảnh báo về điều này gần hai tháng trước, khi có thông tin rõ ràng rằng biến thể từ Anh lây lan mạnh ở hầu hết châu Âu. "Một khi nó trở thành biến thể phổ biến nhất, nó có thể tác động đến đường cong dịch bệnh và khiến chúng ta phải có cách tiếp cận khắt khe hơn", Catherine Smallwood, quan chức phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp ở châu Âu của WHO, nói.

Điều đó giờ đã xảy ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đức hôm 10/3 thông báo rằng biến thể từ Anh đã trở thành chủng nổi trội ở Đức. Giới chức y tế cũng cho biết biến thể là nguyên nhân gây ra phần lớn ca nhiễm mới ở Pháp và Italy. Tại Tây Ban Nha, B.1.1.7 hiện là chủng phổ biến nhất ở 9 trong số 19 vùng của đất nước.

Tình cảnh của châu Âu đang trở thành một bài học cảnh giác đối với Mỹ. Biến thể mới cũng đang lan nhanh ở Mỹ. CDC dự đoán nó sẽ trở thành chủng phổ biến nhất ở Mỹ vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 4.

Nhưng có một lý do khác khiến các chuyên gia Mỹ lo lắng về những gì đang xảy ra ở châu Âu. Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều từng tránh được tình trạng gia tăng đột biến ca nhiễm đã khiến nước Anh tê liệt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Tỷ lệ lây nhiễm của họ ổn định hoặc có dấu hiệu giảm chỉ vài tuần trước đó. Khi chương trình tiêm chủng được khởi động trên khắp lục địa, mọi người bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, dù nỗ lực tiêm vaccine được triển khai khá chậm.

Nhưng trong khi xu hướng này có vẻ đầy hứa hẹn, số ca nhiễm mới vẫn rất cao. Điều đó trở thành vấn đề lớn khi làn sóng mới bắt đầu, khiến các chính phủ buộc phải tái phong tỏa, Grimaldi nói.

"Không dễ dàng gì khi quyết định phong tỏa vì hệ quả kinh tế và xã hội mà nó gây ra", ông nói thêm. "Nhưng đó là công cụ không thể thiếu để ngăn chặn virus".

Ông cho biết dữ liệu từ một nghiên cứu gần đây của Đại học Bologna đã chỉ ra rằng các biện pháp đóng cửa chặt chẽ nhất, được gọi là "khu đỏ" ở Italy, có hiệu quả rất cao, giảm 91% ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Việc chậm trễ tái áp đặt phong tỏa có thể rất nguy hiểm. Resolution Foundation, tổ chức tư vấn của Anh, hồi giữa tuần trước nói rằng 27.000 người chết vì chính phủ Anh đã trì hoãn lần phong tỏa gần đây nhất của đất nước cho đến tháng một, bất chấp ca nhiễm tăng mạnh vào tháng 12/2020.

Giới chức y tế công cộng Mỹ lo lắng Mỹ đang đi theo hướng tương tự, khi một số bang bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngay cả khi số ca nhiễm mới còn cao. "Nếu mức nhiễm mới cứ mãi duy trì ở mức 60.000 ca mỗi ngày, nó rất dễ tăng trở lại. Đó chính xác là những gì đã xảy ra ở châu Âu", tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói.

Ông quan sát thấy rằng sau khi một số nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm giảm đầy hứa hẹn, họ gỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng và điều này dẫn đến mức tăng đột biến mới.

Mike Tildesley, chuyên gia mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick và là cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cho biết việc triển khai vaccine chậm hơn ở nhiều nước châu Âu có nghĩa là họ đang đối mặt với nguy cơ cao hơn khi đối mặt làn sóng lây nhiễm mới. "Đáng buồn là cho đến khi các quốc gia tiến gần đến 'miễn dịch cộng đồng', chúng ta có thể sẽ thấy những làn sóng lây nhiễm đến rồi đi giữa các giai đoạn phong tỏa", Tildesley nói.

Grimaldi đánh giá mặc dù tiêm chủng đóng vai trò quan trọng để chống lại dịch bệnh, nó phải đi đôi với các biện pháp phòng dịch, vì virus càng lây lan trong cộng đồng thì nó càng có khả năng đột biến thêm. "Virus sẽ cố gắng tồn tại bất chấp vaccine đang được triển khai, vì vậy, phong tỏa thực sự là cách duy nhất để ngăn virus lây lan", ông nói.

WHO hồi giữa tuần cảnh báo rằng chiến dịch tiêm chủng của châu Âu vẫn chưa làm chậm quá trình lây nhiễm nCoV. Châu lục này đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm mới vào tuần trước và hơn 20.000 người chết vì Covid-19 mỗi tuần.

Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết: "Số người chết vì Covid-19 ở châu Âu hiện nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mức độ lây lan của loại virus này".

Đại dịch đang "di chuyển về phía đông", Kluge nói thêm, với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở Trung Âu, các quốc gia vùng Balkan và Baltic nằm trong số những nước cao nhất trên thế giới.

Một mô hình mới được công bố trên tạp chí Lancet cho thấy chỉ tiêm vaccine có thể không đủ để ngăn chặn dịch bệnh, nhấn mạnh các nước cần nới lỏng từ từ thay vì gỡ bỏ hoàn toàn biện pháp hạn chế ngay lập tức.

Hill, nhà dịch tễ học người Pháp, nói thêm rằng xét nghiệm cũng phải là một phần quan trọng của chiến lược. "Để kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần xét nghiệm đại trà để tìm ra và cách ly người nhiễm virus. Ước tính khoảng 50% ca nhiễm lây lan là từ những người không có triệu chứng, không biết mình nhiễm nCoV", ông cho biết.

Làn sóng Covid-19 mới không chỉ xuất hiện ở châu Âu. Số ca nhiễm mới đã tăng 10% trên toàn cầu trong tuần qua. Ca mới từng đạt đỉnh vào đầu tháng một, nhưng sau đó giảm trong 4 tuần liên tiếp trước khi tăng trong ba tuần qua. Số người chết giảm xuống 60.000 người một tuần vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 11/2020.

Các chuyên gia nhấn mạnh Mỹ đang chứng kiến cuộc đua gay go giữa tiêm chủng Covid-19 và biến thể, việc nới lỏng hạn chế phòng dịch chỉ làm mọi thứ thêm phức tạp.

"Đó sẽ là một cuộc đua sít sao", tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown nói. "Tin tốt là chúng ta đang tiêm phòng rất hiệu quả. Tin xấu là biến chủng nCoV đang lây lan khá nhanh trên toàn quốc".

Phương Vũ (Theo CNN)

Hơn 124 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Putin sắp tiêm vaccine Nga Hơn 124 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Putin sắp tiêm vaccine Nga

Thế giới ghi nhận hơn 124 triệu người nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, Putin sẽ tiêm vaccine Covid-19 do Nga sản xuất ...

Anh lập kỷ lục tiêm chủng Covid-19 Anh lập kỷ lục tiêm chủng Covid-19

Anh ngày 20/3 phá kỷ lục về số mũi tiêm vaccine Covid-19 nhiều nhất được thực hiện trong một ngày với 844.285 liều.

Biden chênh vênh giữa ngoại giao vaccine và Biden chênh vênh giữa ngoại giao vaccine và "nước Mỹ trên hết"

Chỉ vài tuần trước, Biden thẳng thừng từ chối yêu cầu chia sẻ vaccine Covid-19 cho Canada và Mexico, nhưng tất cả thay đổi vào ...

Ngày đăng: 15:00 | 23/03/2021

/ vnexpress.net