Việc mở rộng lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei khiến các nhà khai thác viễn thông châu Âu lo ngại do đã ký hợp đồng với hãng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đưa ra lời cảnh báo trong bối cảnh Đức và Italy đang xem xét mạng 5G thế hệ mới. Theo Krach, Nokia và Ericsson là hai công ty duy nhất mà chính phủ châu Âu nên lựa chọn. Phát biểu tại hội nghị của tổ chức German Marshall Fund, ông cáo buộc Huawei là một phần của nhà nước giám sát Trung Quốc và là công cụ vi phạm nhân quyền.
Huawei liên tục phủ nhận thiết bị 5G của họ có thể bị lợi dụng cho hoạt động theo dõi.
Krach cho rằng Huawei tham gia vào mạng 5G châu Âu sẽ đặt đồng minh NATO vào tình thế rủi ro và đối với Trung Quốc, 5G là “xương sống của nhà nước giám sát”.
“Những nhà sản xuất không đáng tin, nguy cơ cao như Huawei và ZTE cung cấp cho Trung Quốc khả năng gián đoạn hay vũ khí hóa ứng dụng trong cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp tiến bộ kỹ thuật cho lực lượng quân đội”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tiếp tục.
Italy và Đức đang cân nhắc có cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G quốc gia hay không sau khi Anh và Pháp thông báo cấm cửa công ty Trung Quốc. Huawei đang bị Mỹ trừng phạt với mục tiêu dập tắt thị phần 5G trên toàn cầu và buộc các nhà cung ứng phải xin giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei. Trong lúc này, Huawei tăng cường đầu tư vào doanh nghiệp bán dẫn trong nước và hãng công nghệ khác, củng cố chuỗi cung ứng với hi vọng sống sót dưới áp lực của Mỹ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi những nước như Séc, Ba Lan và Estonia "chỉ cho phép những nhà cung cấp đáng tin tham gia mạng 5G". Carisa Nietsche - nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ thì cho biết nhiều nước trong số này đã quyết định việc trên từ năm ngoái rồi.
Sau động thái của Mỹ, Nokia thông báo ký hợp đồng thiết bị 5G quan trọng với nhà mạng lớn nhất Anh BT. Trước đó, vào tháng 7, Anh cho biết sẽ cấm thiết bị Huawei khi triển khai 5G. Theo hợp đồng, Nokia sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ 5G tại 11.600 trạm vô tuyến của BT trên cả nước. Cụ thể, BT sử dụng thiết bị AirScale Single RAN (S-RAN) của Nokia để phủ sóng trong nhà và ngoài trời. Thiết bị bao gồm trạm gốc và sản phẩm truy cập vô tuyến.
Như vậy, Nokia sẽ trở thành đối tác hạ tầng lớn nhất của BT. Theo nguồn tin của CNBC, Nokia phụ trách 63% toàn bộ mạng lưới của nhà mạng này. Chi tiết về giá trị giao dịch không được tiết lộ. Công ty Phần Lan hiện cung cấp dịch vụ cho mạng của BT tại Luân Đôn, khu vực trung du và một số vùng sâu vùng xa.
Tháng 7, Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden thông báo nhà mạng không được mua thiết bị Huawei từ cuối năm nay. Họ cũng phải gỡ bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi hạ tầng vào năm 2027. Quyết định ngược lại hoàn toàn với công bố hồi đầu năm khi Anh cho phép Huawei tham gia mạng 5G với vai trò hạn chế. Theo hướng dẫn mới, nhà mạng được yêu cầu giảm thị phần thiết bị Huawei trong các bộ phận không phải lõi của hạ tầng xuống 35% vào năm 2023.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất mà Mỹ công bố có tác động lớn hơn lệnh cấm năm ngoái. Các công ty sử dụng bất kỳ trang bị và phần mềm nào của Mỹ cũng sẽ không được cung cấp chip cho Huawei nếu không có giấy phép từ Washington. Quy định mới sẽ hạn chế các hãng như TSMC xuất khẩu chip máy tính và các linh kiện cần thiết khác cho Huawei. Hãng môi giới Jefferies cho rằng không có loại chip này, Huawei không thể làm trạm BTS 5G và sản xuất các thiết bị khác.
PV (th)
Chủ tịch Huawei kêu gọi Mỹ ngừng các biện pháp trừng phạt |
Mỹ cấm bán hàng chứa công nghệ Mỹ cho Huawei |
Huawei bị thiệt hại ra sao nếu thiếu công nghệ Mỹ? |
Ngày đăng: 11:17 | 30/09/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống