Khi tình hình thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp, với hai cuộc xung đột lớn, Mỹ đang đối mặt với một tình huống đáng lo ngại.

Bên cạnh hai cuộc xung đột lớn tại Trung Đông và châu Âu, Mỹ hiện đang tìm cách mở rộng năng lực hạt nhân của mình để duy trì sức mạnh, đặc biệt là khi Trung Quốc cũng đang tăng cường và mở rộng nâng lực hạt nhân của mình. 

Khôi phục tàn dư thời Chiến tranh Lạnh

Theo ghi nhận của phóng viên tờ Nikkei Asia hồi năm 2023, Savannah River Site (SRS) - được ví là tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh, đang dần được "khôi phục hoạt động". Cơ sở này bắt đầu mở cửa từ những năm 1950, rộng 800 km2 với 5 lò phản ứng hạt nhân. SRS khi ấy là nhà máy sản xuất plutonium và tritium duy nhất của Mỹ đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ. 

Khu vực nhà máy SRS tại ở Nam Carolina. (Ảnh: Reuters)

Khu vực nhà máy SRS tại ở Nam Carolina. (Ảnh: Reuters) 

Vào tháng 6/2022, Uỷ ban Ngân sách Hạ viện Mỹ đã phê duyệt dự thảo ngân sách của Bộ Năng lượng cho năm tài khoá 2024. Trong đó, ngân sách dành 19,1 tỷ USD để tăng cường sản xuất và dự trữ vũ khí nguyên tử, tập trung vào hiện đại hóa cái gọi pit plutonium - thành phần quan trọng trong những vũ khí này, thực sự gây ra vụ nổ hạt nhân.

Được biết, SRS bắt đầu sử dụng plutonium dư thừa cho mục đích hòa bình vào những năm 2000. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất nhiên liệu oxit hỗn hợp, thường được gọi là MOX, từ uranium và plutonium đã được tái chế. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị trì hoãn do bội chi ngân sách.

Khi còn tại vị, cựu Tổng thống Donald Trump đã chú ý đến nhà máy MOX và quyết định sẽ đưa vào vận hành cơ sở này từ năm 2030 với tư cách là một nhà máy sản xuất vũ khí với công suất 50 pit plutonium mỗi năm. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục kế hoạch này và âm thầm nâng cấp, mở rộng thiết bị sản xuất.

Cộng đồng địa phương đã đưa ra những phản ứng trái chiều về vấn đề này. Trong đó, ông Tom Clements, một nhà hoạt động địa phương đã theo dõi cơ sở này trong nhiều năm nhận xét: "Kế hoạch này gây ô nhiễm môi trường và lãng phí rất lớn tiền thuế của người dân. Chúng ta có quá nhiều vũ khí hạt nhân. Tại sao chúng ta lại cần nhiều hơn?"

Ông ước tính chi phí xây dựng cơ sở sản xuất các hầm chứa sẽ lên tới 20 tỷ USD, bao gồm cả số tiền đã chi cho nhà máy MOX. “Đây sẽ là công trình đắt nhất trong lịch sử Mỹ, vượt xa chi phí của Trung tâm Thương mại Một Thế giới”, Ông Clements nói thêm. 

Các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội, như Fluor và Huntington Ingalls Industries, cũng đang tham gia vào kế hoạch mở rộng SRS. "Mọi thứ đều được kết nối với nhau", ông Clements nhấn mạnh. 

 

Ngoài ra, Khu vực An ninh Quốc gia Nevada (NNSS) đã và đang mở rộng cơ sở thí nghiệm hạt nhân như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Liền kề với NNSS là Căn cứ Không quân Creech, trụ sở hoạt động chính của máy bay không người lái. Chính phủ Mỹ đã chi số tiền khổng lồ để đặt mua thiết bị và vũ khí cho hai cơ sở này từ các công ty tư nhân. 

Cô Pettit, một trợ giảng tại Las Vegas (bang Nevada, Mỹ), chia sẻ: "Các công ty chi hàng triệu USD để vận động hành lang cho chính phủ và đổi lại chính phủ sẽ bảo vệ lợi ích của họ. Đó là cách Mỹ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình".

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính, Washington sẽ cần khoảng 750 tỷ USD trong thập kỷ tới để tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân.

Trên thực tế, việc nhà nước và doanh nghiệp liên kết với nhau không phải điều gì quá lạ trong lĩnh vực quân sự. Trong đó, những yêu cầu từ chiến lược an ninh quốc gia thường được ưu tiên hơn so những mong muốn của cộng đồng địa phương.

Nguyên nhân cấp bách

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có lý do cấp bách để tăng tốc độ sản xuất công trình này. 

Joseph Kent, Giám đốc Bảo tàng thử nghiệm nguyên tử quốc gia, một chuyên gia về an ninh hạt nhân, giải thích: “Chính phủ đang thử nghiệm các thành phần dự trữ hạt nhân và tìm ra cách làm cho những vũ khí 50 năm tuổi tồn tại lâu hơn”.

Hiện nay, Mỹ sở hữu hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân, đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh, do đó, các pit plutonium gắn trên đầu đạn có thể đã xuống cấp theo thời gian. Washington coi việc thay thế chúng bằng những cái mới, hiện đại hơn là một nhiệm vụ cấp bách, bởi họ chưa có nhà máy nào có thể sản xuất hàng loạt các nguyên liệu này. Do đó, họ đặt kỳ vọng lớn vào SRS.

Một trong những lý do nữa khiến Mỹ muốn nâng cao năng lực hạt nhân bởi Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp họ trong lĩnh vực này. 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh vào năm 2019. (Ảnh: AP)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh vào năm 2019. (Ảnh: AP)

Hiện tại, Trung Quốc là một trong năm quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng Bắc Kinh từ trước đến nay chưa từng cung cấp bất kỳ thông tin nào về lực lượng hạt nhân của nước này. Do Bắc Kinh vẫn kín tiếng về vấn đề này, thông tin liên quan chỉ có thể được lấy từ báo chí và các báo cáo hàng năm do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, với các nguồn dữ liệu chưa thể được xác minh.

Trong báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 10/2023 về tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng Trung Quốc sẽ sở hữu hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, nhiều hơn gấp đôi con số 500 hiện tại. Nếu Mỹ mất quá nhiều thời gian để thay thế các pit plutonium, Trung Quốc có thể vượt lên nhờ triển khai vũ khí tối tân.

https://vtc.vn/my-gap-rut-hoi-sinh-nganh-cong-nghiep-vu-khi-hat-nhan-ar848104.html

Ngày đăng: 07:57 | 20/01/2024

KÔNG ANH(Nguồn: Nikkei Asia) / VTC News