Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị đưa thêm 4 công ty Trung Quốc, trong đó có Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) - công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi năm 2014 vào danh sách đen các công ty quân sự được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty này với các nhà đầu tư Mỹ.

Mỹ đưa công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào “danh sách đen” ảnh 1
CNOOC là công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi năm 2014

Ngoài CNOOC, 3 công ty khác gồm gồm Công ty công nghệ xây dựng Trung Quốc, Tập đoàn tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn quốc tế (SMIC). Trước đó, hồi đầu tháng, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch đưa thêm 4 công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, nâng số công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách này lên con số 35.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì đợt danh sách mới này sẽ được công bố trong Sổ đăng ký Liên bang. Sau khi Reuters đăng tải thông tin trên, giá cổ phiếu của CNOOC giảm gần 14%. CNOOC cho biết, chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ các cơ quan liên quan của Mỹ. Công ty SMIC cho biết họ tiếp tục “tham gia một cách xây dựng và cởi mở với Chính phủ Mỹ” và các sản phẩm và dịch vụ của họ chỉ dành cho mục đích dân sự và thương mại. Công ty này cũng nói rằng không có mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc và không vì mục đích quân sự nào.

Dù vậy, cổ phiếu của SMIC đã giảm 2,7% vào hôm 30-11. Vào tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo cho một số công ty rằng họ cần phải có giấy phép trước khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho SMIC sau khi kết luận rằng có “rủi ro không thể chấp nhận được” mà thiết bị được cung cấp có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Theo một lệnh hành pháp vừa được Nhà Trắng công bố trong tháng này, các công ty bị liệt vào danh sách đen nói trên sẽ bị cấm tiếp cận với nguồn vốn từ các nhà đầu tư Mỹ từ tháng 11-2021.

Động thái trên, cùng với các chính sách tương tự, được xem là cách phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump. Danh sách này cũng là một phần trong nỗ lực mạnh mẽ hơn của Washington nhằm ngăn chặn mục tiêu được xem là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tranh thủ các tập đoàn khai thác hoạt động dưới vỏ bọc dân sự nhưng thu thập công nghệ mới cho mục đích quân sự.

Tuần trước, hãng tin Reuters cũng đưa tin rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp đưa ra tuyên bố danh sách 89 công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc và các công ty khác có quan hệ quân sự, để hạn chế họ mua một loạt sản phẩm và công nghệ của Mỹ. Một đạo luật ban hành năm 1999 quy định, Lầu Năm góc phải đưa ra danh sách “Các công ty quân sự do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, tuy nhiên, Lầu Năm Góc mới chỉ đưa ra vào năm 2020 này. Những “gã khổng lồ” như Hikvision, China Telecom và China Mobile được thêm vào danh sách này hồi đầu năm nay.

Trước động thái trên của Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30-11 nói rằng, Trung Quốc hy vọng Mỹ không dựng lên các rào cản và trở ngại cho sự hợp tác và phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.

Anh cấm cài đặt thiết bị 5G mới của Huawei

Ngày 30-11, Chính phủ Anh thông báo, các công ty viễn thông của Anh sẽ không được cài đặt thiết bị mạng viễn thông 5G của công ty Huawei, Trung Quốc) kể từ sau tháng 9-2021.

Thông báo được đưa ra trước thềm một cuộc tranh luận tại Quốc hội Anh về dự luật viễn thông mới và việc hoàn tất lịch trình gỡ bỏ thiết bị của Huawei. Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Oliver Dowden cho biết ông “đang đề ra một lộ trình rõ ràng cho việc loại bỏ hoàn toàn các nhà cung cấp tiềm ẩn rủi ro khỏi các mạng 5G”.

Theo ông Dowden, điều này sẽ được thực hiện thông qua việc sử dụng các quyền hạn mới để xác định và cấm các thiết bị viễn thông tiềm ẩn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trước đó, Chính phủ Anh ra lệnh các nhà cung cấp viễn thông nước này không mua thiết bị 5G từ tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc kể từ đầu năm tới. Theo đó đến năm 2027 sẽ loại bỏ toàn bộ các thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G của Anh. “Đây là bước đi đúng đối với các mạng viễn thông của Anh, đối với an ninh quốc gia và đối với nền kinh tế trong ngắn hạn và lâu dài”- Bộ trưởng Dowden khẳng định.

Trung Quốc trừng phạt 4 cá nhân Mỹ, căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng Trung Quốc trừng phạt 4 cá nhân Mỹ, căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố sẽ trừng phạt 4 quan chức Mỹ do liên quan đến vấn ...

Mỹ trừng phạt công ty Nga, Trung Quốc làm ăn với Iran Mỹ trừng phạt công ty Nga, Trung Quốc làm ăn với Iran

Mỹ công bố lệnh cấm vận nhằm vào 4 doanh nghiệp Nga và Trung Quốc bị cáo buộc chuyển giao công nghệ cho chương trình ...

Mỹ trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc Mỹ trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc

Mỹ áp lệnh trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc phụ trách quản lý và an ninh tại Hong Kong vì cáo buộc "trấn áp ...

Ngày đăng: 08:49 | 01/12/2020

/ anninhthudo.vn