Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Joe Biden dự kiến mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để phân phối cho gần 100 quốc gia trong hai năm tới.
Hai tờ báo lớn của Mỹ là Washington Post và New York Times ngày 9/6 dẫn nguồn tin cho hay Mỹ có khả năng sẽ phân phối 200 triệu liều trong năm nay và 300 triệu liều trong nửa đầu năm sau cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và Liên minh châu Phi.
Khoản đóng góp sẽ được thực hiện thông qua chương trình phân phối Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI). Các báo cho biết Biden sẽ đưa ra thông báo chính thức trong cuộc họp G7 tại Anh tuần này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫy tay chào khi lên Không lực Một khởi hành tại Căn cứ không quân hoàng gia Anh Mildenhall tới sân bay Cornwall dự hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 9/6. Ảnh: AFP. |
Động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt áp lực hành động nhiều hơn để giải quyết tình trạng thiếu vaccine toàn cầu, khi các nước giàu có mua hết phần lớn nguồn cung vaccine từ sớm.
GAVI, Nhà Trắng và Pfizer từ chối bình luận. Trước khi lên Không lực Một tới Anh, Tổng thống Mỹ cho hay ông đã đề ra một chiến lược vaccine toàn cầu và sẽ tuyên bố, nhưng không nói cụ thể.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 34.262.554 ca nhiễm và 613.463 ca tử vong do nCoV, tăng 23.204 ca nhiễm và 379 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Toàn cầu ghi nhận 175.143.130 ca nhiễm nCoV và 3.775.680 ca tử vong, tăng lần lượt 433.678 và 14.607, trong khi 158.645.856 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nga hôm 9/6 ghi nhận 10.407 ca Covid-19 mới trong 24 giờ, số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3. Moskva ghi nhận 4.124 ca, lần đầu vượt mốc 4.000 ca kể từ giữa tháng một.
"Tình hình dịch bệnh đang xấu đi ở Moskva, số ca nhiễm đang gia tăng", Yevgeny Danchikov, một quan chức thành phố Moskva cho hay. "Việc bắt buộc người dân sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân ở nơi công cộng, bao gồm phương tiện giao thông công cộng, tàu ngầm, trung tâm giải trí... sẽ được siết chặt".
Những người vi phạm quy định phòng chống Covid-19 có thể bị phạt tiền. Người dân thủ đô được yêu cầu đeo khẩu trang và găng tay khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, taxi và những nơi như trung tâm mua sắm, nhưng quy định này không được thực thi nghiêm túc.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho hay thành phố hơn 12 triệu dân chưa có kế hoạch áp đặt một đợt phong tỏa mới. Tháng trước, rất ít người đi tiêm vaccine Covid-19 dù chính quyền miễn phí vaccine và bố trí nhiều điểm tiêm chủng thuận tiện.
Ủy ban chống Covid-19 của Nga hôm 9/6 thông báo 399 ca Covid-19 tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 124.895 người. Nga, quốc gia có 145 triệu dân, ghi nhận hơn 5,1 triệu ca Covid-19 từ khi đại dịch bắt đầu.
Nhiều quốc gia đang vật lộn để kiềm chế dịch bùng phát. Tuy nhiên, việc triển khai vaccine nhanh chóng tại những quốc gia giàu có trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, đang cho phép cuộc sống quay lại bình thường, điều vài tháng trước không thể tưởng tượng.
Tại Pháp, người dân đã có thể nhâm nhi đồ uống bên trong một quán cà phê từ 9/6, lần đầu tiên sau nhiều tháng. "Thật vui khi được ngồi quán cà phê. Cuộc sống bình thường đang dần trở lại", Hammou Mraoui, một công nhân ngành vận tải, thưởng thức cà phê trong một quán bar ở Paris, nói.
Pháp nới lỏng lệnh giới nghiêm, cho phép các địa điểm trong nhà và ngoài trời mở cửa muộn thêm hai tiếng, tới 23h. Các phòng gym cũng được phép mở cửa. "Tôi đặt đồng hồ báo thức sáng nay, trời vẫn còn rất sớm. Tôi nhìn thấy mặt trời và tự nhủ, đây là khởi đầu một cuộc sống mới", Stephanie Moscoso, 35 tuổi, người tới phòng gym lúc 8h, cho hay.
Bỉ cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép quán cà phê và nhà hàng phục vụ trong nhà, nới lỏng quy định đeo khẩu trang tại Brussels.
Châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm gia tăng ở vài nơi như Bồ Đào Nha, quốc gia trì hoãn việc tái mở cửa hôm 9/6. Nhưng chiến dịch tăng tốc tiêm chủng của Liên minh châu Âu làm dấy lên hy vọng về một cuộc sống bình thường. Gần nửa số người trưởng thành ở EU đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, và gần 26% đã tiêm đủ hai mũi.
Tuy nhiên, sự lạc quan ở châu Âu và Mỹ vẫn bị kìm hãm, bởi hàng tỷ người tại các nước nghèo vẫn thiếu vaccine nghiêm trọng.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.182.072 ca nhiễm và 359.695 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 93. 896 và 6.138 ca.
Trong khi Ấn Độ đang có dấu hiệu cho thấy số ca Covid-19 giảm, thì các nước láng giềng trước đây mà Ấn Độ cung cấp vaccine đang phải quay sang Nga và Bắc Kinh để xin tài trợ vaccine.
Nepal, nơi chỉ 2% dân số được tiêm đầy đủ, đã tiếp tục chiến dịch tiêm chủng ngày 7/6 sau khi nhận thêm một triệu liều vaccine Sinopharm từ Trung Quốc, quốc gia duy nhất đáp ứng lời kêu gọi của Nepal. Nepal là vùng dịch thứ 40 thế giới, ghi nhận 598.813 ca nhiễm và 8.179 ca tử vong.
Sri Lanka cũng tích cực triển khai vaccine Sinopharm sau khi nhận được hai triệu liều trong tuần qua, mở đầu chương trình tiêm chủng cho phụ nữ mang thai hôm 9/6. Quốc gia này là vùng dịch thứ 77 thế giới, ghi nhận 213.396 ca Covid-19 và 1.844 ca tử vong.
Tại Indonesia, hơn 10 của hàng McDonald's phải đóng cửa hôm 9/6 vì lo ngại Covid-19 bùng phát, sau khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này ra mắt suất ăn BTS khiến người hâm mộ của ban nhạc Hàn Quốc ùn ùn đổ tới thưởng thức.
Jakarta và một số thành phố khác đóng cửa ít nhất 13 cửa hàng. Fajar Purwoto, người đứng đầu cơ quan trật tự của thành phố, cho biết chính quyền "tạm thời đóng cửa 4 trong số 6 của hàng McDonald's ở Semarang trong vài ngày". "Tôi không muốn Semarang lại thành vùng đỏ vì Covid-19 nữa", ông nói.
Indonesia là một trong những quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất châu Á. Quốc gia này là vùng dịch thứ 18 thế giới, ghi nhận 1.877.050 ca nhiễm và 52.162 ca tử vong, tăng lần lượt 7.725 ca và 170 ca so với một ngày trước.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/AFP)
Mỹ đau đầu với núi vaccine COVID-19 hết hạn trong tháng này |
Covid-19 sẽ kết thúc ở Mỹ như thế nào? |
Ngày đăng: 08:12 | 10/06/2021
/ vnexpress.net