Giới chức lãnh đạo Iraq đã tuyên bố rằng, nước này mở rộng cửa cho Nga vào chiếm lĩnh thị trường dầu mỏ và vũ khí.

Iraq mời Nga vào đầu tư tái thiết và cung cấp vũ khí

Sau khi giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) Thủ tướng Iraq Khalid Al-Abadi mới đây đã mời đại diện các tổ chức quốc tế đích thân đến thăm đất nước của ông để tìm hiểu đúng về thực trạng đất nước này sau chiến tranh.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ nhà lãnh đạo Iraq đưa ra lời mời này là để chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đất nước này. Do đó, ông muốn các quốc gia và tổ chức quốc tế đưa ra quyết định dựa trên những đánh giá đúng về tình hình, tránh sự bóp méo thông tin từ những nguồn không xác thực.

Theo quan điểm của chính trị gia Iraq, không rõ là cố ý hay vô tình, nhưng có một số phương tiện truyền thông phương Tây đang hạ thấp mức thành công của Chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống IS, tiếp tục mô tả bối cảnh trong nước là “cực kỳ bất ổn”, như vậy không đúng sự thật.

Trong bối cảnh đó, Phó Trưởng ban Đối ngoại của Quốc hội Iraq, ông Abbas al-Bayati nói với giới truyền thông Nga rằng, Iraq đặc biệt hoan nghênh chính phủ Nga các công ty của nước này tham gia vào công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy của đất nước.

Ông nhấn mạnh rằng, thị trường Iraq mở rộng cửa cho hàng hóa của các công ty Nga, người Iraq tin cậy vào chất lượng sản phẩm của Nga.

“Chúng tôi hy vọng rằng các công ty dầu mỏ và vũ khí của Nga sẽ chiếm vị trí đặc biệt trên thị trường Iraq” - ông Bayati nói.

Như vậy là không rõ vô tình hay cố ý mà giới lãnh đạo các nước Iraq và Syria đều bày tỏ mong muốn mời các doanh nghiệp Nga vào đầu tư các hạng mục quan trọng của các nước này, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ-khí đốt; cùng với việc cung ứng các loại vũ khí-trang bị.

Không nói về Syria bởi thực sự quốc gia này là đồng minh của Nga nên việc ông Assad mời ông Putin sang đầu tư tái thiết đất nước và phát triển kinh tế là điều đương nhiên nhưng với Iraq - quốc gia luôn được coi là đồng minh của Mỹ - thì điều này là rất đáng ngạc nhiên.

Hồi năm ngoái, Iraq còn đầu tư hơn 1 tỷ USD để mua sắm hàng trăm phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 Nga, trong đó, khoảng 73 chiếc tăng T-90S và biến thể chỉ huy T-90SK sẽ được bàn giao trong năm nay.

Đây là điều khiến giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc không hài lòng vì ngoài việc ưa chuộng vũ khí phòng không, máy bay trực thăng Nga; Iraq đã chọn T-90S, không tiếp tục mua xe tăng Abram, mặc dù được hỗ trợ kinh phí bằng các khoản viện trợ quân sự của Mỹ.

Chính quyền Iraq đang ngả về hướng Nga?

Những động thái “trân trọng Nga” một cách lộ liễu của chính quyền Baghdad còn được “bổ trợ” bằng những phát ngôn của giới chức lãnh đạo Iraq, phủ nhận vai trò quyết định của Mỹ trong chiến thắng trước tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở đất nước này.

my doc suc de nga vao iraq hot dau ban vu khi
Mặc dù được Mỹ viện trợ nhưng Quân đội Iraq luôn ưa thích các loại vũ khí Nga

"Người Mỹ nói rằng chiến thắng ở Mosul là thành tựu của họ, rằng chính họ đã tiến hành cuộc chiến. Nhưng tôi lấy làm tiếc và cần phản bác về điều này. Trên thực tế, đó là chiến thắng của quân đội Iraq” - ông al-Maliki nói và nhấn mạnh rằng, chiến thắng là của người dân Iraq đã dũng cảm đứng lên chống lại chủ nghĩa khủng bố trên đất nước.Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki đã phát biểu trước thềm chuyến thăm và làm việc tại Moscow vào ngày 23-26 tháng 7 rằng, ông không xem chiến thắng trước Nhà nước Hồi giáo ở Mosul là thành tựu của Hoa Kỳ, mà ông coi chính Nga mới là người cứu Trung Đông khỏi cảnh hủy diệt

"Đúng, người Mỹ từng ủng hộ chúng tôi bằng lực lượng không quân, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định, hầu hết công lao chiến thắng là của Không lực Iraq, của những người lính Iraq và của lực lượng tự vệ nhân dân” - Phó Tổng thống al-Maliki nhấn mạnh.

Ông khẳng định rằng, mặc dù chiến thắng Mosul chỉ là trong lãnh thổ Iraq nhưng nó không thể đạt được nếu không có những chuyển biến mang tính bước ngoặt ở Trung Đông, khiến chủ nghĩa khủng bố bị suy yếu một cách toàn diện.

Nếu như không có cách tiếp cận của Nga tới vấn đề Syria, khác biệt với lối tiếp cận của Mỹ (làm chế độ Syria sụp đổ và chủ nghĩa khủng bố mạnh lên), thì bản đồ khu vực hẳn là sẽ biến đổi và cuối cùng dẫn đến sự hủy diệt của chính quyền Baghdad" - ông Al-Maliki nhận định.

Do đó, vừa qua chính quyền Baghdad “làm ngơ” cho lực lượng vũ trang thân Iran PMU hoạt động mạnh ở khu vực biên giới Iraq, giáp với lãnh thổ Syria-Jordan, hợp sức với lực lượng vũ trang Syria vây quân Mỹ và đồng minh ở al-Tanf - miền Nam Syria.

Những tuyên bố và hành động ủng hộ Nga một cách “lộ liễu” của giới lãnh đạo Iraq đã khiến giới phân tích Mỹ nhận định rằng: Chính quyền Baghdad đang thực sự bắt đầu rời xa Washington và ngả theo hướng Moscow, điều này sẽ khiến Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược Trung Đông của mình.

Ngày đăng: 07:31 | 23/07/2017

/ Huy Bình/baodatviet.vn