Chính sách “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ khiến Mỹ dần đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc định hình lại trật tự quốc tế theo ý mình.
Theo bài viết của Giáo sư kinh tế Barry Eichengreen trên trang Project-Syndicate ngày 12/8, chủ nghĩa đơn phương có phần cực đoan của Tổng thống Trump dường như chỉ đang làm cho Mỹ tụt khỏi vị trí lãnh đạo kinh tế và chính trị toàn cầu.
Rút lui khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, "hung hăng" tham gia vào các cuộc chiến thương mại, tấn công từ đối thủ đến đồng minh lâu năm... tất cả những hành động này của Tổng thống Trump đang biến Mỹ trở thành một đối tác không đáng tin cậy trong việc duy trì trật tự thế giới.
Nhưng không chỉ có vậy, chính sách "nước Mỹ trên hết” đang tạo ra không gian cho các nước khác định hình lại hệ thống và trật tự quốc tế. Khi Mỹ quay lưng lại với trật tự toàn cầu, các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc có thể lợi dụng thời cơ này để vươn lên vị thế dẫn đầu về cải cách các quy tắc thương mại và đầu tư quốc tế.
Ví dụ như khi khi Liên minh châu Âu EU coi Mỹ là đối tác thương mại không đáng tin cậy, họ sẽ bắt đầu tính đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Các chính sách của Tổng thống Trump được cho là đang tạo điều kiện giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng viết lại trật tự quốc tế. (Ảnh: Project-Syndicate)
Vậy nên, vấn đề mà giới quan sát quan tâm hàng đầu hiện nay là Trung Quốc muốn gì? Các nhà lãnh đạo của họ đang định hình trật tự kinh tế quốc tế nào trong đầu?
Năm 2017, Trung Quốc cam kết phát triển một nền kinh tế toàn cầu mở tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 tại Davos, Thụy Sỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đội ngũ của ông rõ ràng muốn gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh không muốn gỡ bỏ hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại.
Nhưng nền kinh tế thứ hai thế giới đang hướng tới toàn cầu hóa theo hướng khác biệt với quan điểm mà chúng ta vẫn thường nhìn nhận. Bắc Kinh dựa nhiều hơn vào các hiệp định thương mại song phương và khu vực, ít quan tâm hơn tới các vòng đàm phán đa phương.
Điển hình, năm 2002, Trung Quốc ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN. Không lâu sau đó, họ tiếp tục bước vào đám phán các hiệp định thương mại tự do song phương với từng quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận này làm giảm sút vai trò của Trung Quốc đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đang dồn rất nhiều nguồn lực vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với cam kết đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Với kế hoạch đầy tham vọng này, giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ đang muốn biến Bắc Kinh trở thành trung tâm trong khi các quốc gia khác sẽ trở thành các nan hoa phụ họa.
Rõ ràng, Bắc Kinh không hề giấu diếm tham vọng định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu và mọi giao dịch sẽ xoay quanh họ. Theo đà này, Trung Quốc bắt đầu tính đến chuyện sắp xếp các thể chế khác để bổ sung cho chiến dịch thương mại của mình. Kịch bản này trên thực tế đã bắt đầu với phát súng đầu tiên là sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, tham vọng đóng vai trò thay thế cho Ngân hàng thế giới trong khu vực.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách thách thức vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm 2016, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc cung cấp gói trợ giúp khẩn cấp trị giá 900 triệu USD cho Pakistan giúp chính phủ nước này tránh việc phải cầu viện IMF. Không chỉ cho thấy \'độ hào phóng\' của mình, chính phủ Trung Quốc thực tế đang dùng những khoản trợ cấp này cũng như các chỉ thị tới các doanh nghiệp trong nước như cách để định hình nền kinh tế.
Kế hoạch "Made in China 2025" được đề ra nhằm tăng cường tiềm lực công nghệ cao của quốc gia đông dân nhất thế giới chính là hiện thân mới nhất cho định hướng này. Trong khi WTO đưa ra các quy định hạn chế trợ cấp, Trung Quốc hướng tới một hệ thống thương mại nới lỏng những hạn chế như vậy.
Một “chế độ quốc tế” do Trung Quốc lãnh đạo cũng sẽ ít cởi mở hơn đối với các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hạn chế này nhằm mục đích giúp các công ty Trung Quốc có không gian để phát triển công nghệ trong khi các công ty đa quốc gia của Mỹ đang tìm kiếm môi trường hoạt động ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với những trở ngại mới.
Trong khi các nhà xuất khẩu và các công ty nước ngoài đang tìm một sân chơi bình đẳng, thì Trung Quốc đang tìm cách dựng lên một nền kinh tế mở cửa cho thương mại, ít tôn trọng tài sản trí tuệ của Mỹ, đánh bật các kênh đầu tư nước ngoài của Mỹ. Điều này rõ ràng là trái ngược với những gì mà chính quyền Trump mong muốn.
*Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley và là cựu cố vấn chính sách cao cấp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Vì sao chữ Trung Quốc in trên thẻ đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông?
Đoàn tàu ở dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam chạy thử nghiệm từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) đi ... |
Những công cụ Trung Quốc sử dụng để giám sát 1,4 tỷ dân
Chính phủ Trung Quốc tham vọng xây dựng hệ thống đồ sộ, kết hợp nhiều biện pháp và công nghệ, nhằm giám sát hoạt động ... |
Bắc Đới Hà - kỳ nghỉ hè ven biển chi phối chính trường Trung Quốc
Dù vai trò và quy mô của hội nghị thường niên không chính thức tại Bắc Đới Hà đã thay đổi theo những thời lãnh ... |
Ngày đăng: 17:16 | 12/08/2018
/ https://vtc.vn