Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ tuyên bố thắng thế về phương tiện siêu thanh nhưng Nga cũng hoàn toàn có khả năng bắn hạ.
Ảnh: lockheedmartin.com |
Xin được bắt đầu từ những thông tin mới nhất qua bài “Mỹ đã vượt Nga trong lĩnh vực (tốc độ) siêu thanh” cùng phụ đề: "Chúng ta có gì để đối phó với SR-72 bất khả xâm phạm?" của chuyên gia quân sự Nga Andrey Polunhin đăng trên “Svobodnaia Pressa.ru” (Nga) ngày 30/9/2017.
Chúng tôi có sắp xếp lại các đề mục để tiện theo dõi. Ảnh trong bài là của tác giả Andrey Polunhin.
1. Thông tin mới nhất:
Nước Mỹ đang trên ngưỡng cửa của cuộc cách mạng siêu thanh. Ngay trong năm 2020, Tập đoàn Lockheed Martin sẽ chế tạo phiên bản SR-72- kiểu máy bay không người lái trong tương lai có thể bay với tốc độ đến 6M (6.900km/h).
Đây là nội dung chính trong tuyên bố mới nhất (ngày 28/9/2017) của Оrlando Karvalo, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực hàng không Tập đoàn Lockheed Martin trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị kỹ thuật hàng không quốc tế tổ chức tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ).
Xin nói rõ: SR-72- đấy là máy bay không người lái- gián điệp (trinh sát) siêu thanh.
Theo số liệu của Tạp chí Aviation Week, nguyên mẫu của chiếc máy bay này đã được thử nghiệm thành công vào cuối tháng 7/2017 mới đây, thêm nữa, chuyến bay thử nghiệm này của nguyên mẫu SR-72 được hộ tống bởi 2 chiếc máy bay siêu thanh huấn luyện Northrop T-38 Talon.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành trên trường bắn gần thành phố Palmdale, California (Mỹ), nơi có trụ sở của chi nhánh Skunk Works thuộc Lockheed Martin chuyên chế tạo các phương tiện bay.
Trên thực tế, SR-72 là kết quả của sự phát triển và hoàn thiện ý tưởng đã được ứng dụng khi thiết kế chiếc máy bay huyền thoại Lockheed SR-71 Blackbird (có trong trang bị của Không quân Mỹ trong những năm 1964-1998).
Tốc độ của Lockheed SR-71 Blackbird đạt 3,3M, và vào năm 1990, một chiếc SR-71 đã đạt kỷ lục khi bay từ Los Angeles đến Washington chỉ trong thời gian 1 giờ 13 phút.
Tuy nhiên, do kỹ thuật bay SR-71 đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối nên đã có tới 18 chiếc trong tổng số 38 chiếc (có trong trang bị) đã gặp nạn.
Máy bay không người lái SR-72 có bước tiến vượt bậc so với SSR-71. Nó được chế tạo từ vật liệu titan và sợi các bon và về lý thuyết có thể bay một vòng quanh Trái Đất chỉ trong hơn 6 giờ.
Theo Giám đốc Chương trình Hypersonics Bred Leland thì các máy bay siêu thanh được trang bị tên lửa siêu thanh có thể xâm nhập vào vùng không phận cấm bay của bất kỳ đối thủ tiềm năng nào và tiến hành các đòn tấn công vào bất kỳ địa điểm nào trên lục địa và chỉ sau không đầy một giờ kể từ thời điểm cất cánh nó đã có mặt tại khu vực triển khai tấn công mục tiêu.
Từ những thông tin này, dĩ nhiên, sẽ có một câu hỏi được đặt ra (đối với Nga): Nga có gì trong tay để đối phó?
Hiện gần như không có thông tin gì về những dự án thiết kế máy bay siêu thanh của Matxcova.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2017, Bộ Quốc phòng Nga đã có tuyên bố khẳng định là đang thực hiện dự án chế tạo phương tiện tấn công siêu thanh, cụ thể: trong khuôn khổ Chương trình vũ khí 2018-2025 có một mục ghi rõ: “Hoàn tất công tác thiết kế (chế tạo) và đưa vào trang bị cho Quân đội (Nga) các mẫu vũ khí siêu thanh mới về nguyên tắc”.
Có thể hình dung phần nào loại vũ khí mới này (của Nga) qua tên lửa chống hạm Nga mới nhất “Zircon”. Trong các thử nghiệm đã được tiến hành, “Zircon” đã đạt tốc độ tới 8M – tức gần 9.000km/h.
Nhiều khả năng hơn cà là ngay trong năm 2018 sắp tới, một số tàu nổi, tàu ngầm và các tổ hợp tên lửa bờ của Nga sẽ được trang bị tên lửa này.
Câu hỏi tiếp theo: liệu Nga có (đang) thua Mỹ trong “trận chiến giành ưu thế trong lĩnh vực các phương tiện siêu thanh” hay không?
2. Ý kiến của các chuyên gia quân sự Nga:
Đại tá, thành viên Hội đồng chuyên gia của Ủy ban công nghiệp quốc phòng Liên Bang Nga Viktor Murakhovski
- Vào đầu thế kỷ này, khi Mỹ thiết kế hệ thống để thực hiện học thuyết “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (Prompt Global Strike, PGS) của mình, một trong những hướng hiện thực hóa học thuyết trên chính là chế tạo các phương tiện bay siêu thanh. Nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc Mỹ đã thực hiện được ý tưởng chế tạo hệ thống trên đến đâu.
Để có thể đánh giá, cần phải có các kết quả thực tế, chứ không phải chỉ qua các tuyên bố của đại diện một hãng riêng biệt nào đó của Mỹ.
Theo cam kết của nhà sản xuất, SR-72 sẽ thực hiện các chuyến bay đầu tiên vào năm 2018. Nhưng thậm chí, cả trong trường hợp mọi công việc được tiến hành theo kịch bản lạc quan nhất, thì từ chuyến bay đầu tiên này đến khi máy bay không người lái nói trên được đưa vào trang bị cũng cần không ít thời gian.
Cần phải hiểu rằng: lĩnh vực (chế tạo phương tiện bay) tốc độ siêu thanh- tức các phương tiện bay mà theo các khái niệm (cách hiểu) hiện đại – có tốc độ 5-6M hoặc lớn hơn- đây là một lĩnh vực mới đối với tất cả. Cả đối với người Mỹ, cả đối với chúng ta (Nga).
“SP”: Nga đã thành công đến mức độ nào trong lĩnh vực này?
- Các thiết kế được tiến hành theo hai hướng. Hướng thứ nhất – được gọi là hướng siêu thanh đạn đạo.
Khái niệm này được hiểu là chế tạo các tên lửa đạn đạo mang các đầu tác chiến và các đầu tác chiến này có thể cơ động ở tốc độ siêu thanh trong giai đoạn thụ động của quỹ đạo bay .
Hướng thứ hai – chế tạo chính các phương tiện bay siêu thanh, hiện Tổ hợp công nghiệp quốc phòng “NPO (Tổ hợp khoa học- sản xuất- viết tắt tiếng Nga) chế tạo máy” đang thực hiện những công việc này.
Gần như không có bất cứ thông tin gì về những vấn đề cụ thể, chỉ có thể phán đoán rằng các phương tiện bay siêu thanh của cả Nga lẫn Mỹ - đều là các phương tiện bay không người lái.
“SP”: Chính ông đã từng nói rằng không thể đánh chặn khối tác chiến siêu thanh của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi chúng thực hiện các động tác cơ động trên quỹ đạo bay. Có phải điều đó cũng có nghĩa là nếu như Mỹ có máy bay không người lái siêu thanh- tức phương tiện chắc chắn có khả năng cơ động, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng ta (Nga)?
- Vấn đề quả thực là nghiêm trọng.
Các tên lửa chống tên lửa (đánh chặn) hiện đại có thể đánh chặn mục tiêu đang chuyển động theo quỹ đạo đạn đạo, bởi vì có thể tính toán được điểm “gặp nhau” của tên lửa đánh chặn và mục tiêu.
Còn nếu như một vật thể có tốc độ siêu thanh đang cơ động, không thể đưa tên lửa đánh chặn đến một điểm được tính toán trước (điểm đón mục tiêu) được.
Hoặc là phải chế tạo tên lửa có các tính năng tương đương với mục tiêu siêu thanh cần đánh chặn.
Về mặt lý thuyết, có thể chế tạo được kiểu tên lửa đánh chặn như vậy. Nhưng cần phải hiểu rằng: nó sẽ là một tên lửa (có kích thước) lớn hơn nhiều so với các tên lửa dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện nay.
Đấy là chưa nói đến việc thậm chí khối lượng và kích thước của các tên lửa đánh chặn hiện đại đã không khác nhiều so với các tên lửa phương tiệng mang (tên lửa đẩy) vận chuyển hàng lên quỹ đạo.
Các tên lửa đánh chặn nói trên không cơ động được. Chúng ta biết rằng, các tên lửa chống tên lửa (đánh chặn) quanh Matxcova được bố trí trong các tổ hợp phóng cố định, và các tên lửa GBI (Ground-Based Interceptor) của người Mỹ cũng đặt trong các hầm phóng cố định.
Thành thử, về mặt lý thuyết có thể chế tạo tên lửa đảm bảo có thể đánh chặn được những mục tiêu cơ động ở tốc độ siêu thanh.
Nhưng trên thực tế kiểu tên lửa đó sẽ đắt đỏ đến mức mà không một nước nào, kể cả nước giàu có nhất, cũng không thể tải nổi một hệ thống phòng thủ chống tên lửa với các “sản phẩm” như vậy.
“SP”: Cứ cho rằng, người Mỹ có UAV siêu thanh mang tên lửa siêu thanh. Trong trường hợp đó kho vũ khí hạt nhân của Nga có giữ được chức năng là một công cụ kiềm chế nữa hay không?
- Tất nhiên, vẫn giữ được. Tiềm lực hạt nhân của chúng ta dựa vào “Bộ ba”, trong số đó đối phương chỉ có dữ liệu (tọa độ) của các hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cố định.
Nhưng ngoài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chúng ta còn có nhiều tổ hợp tên lửa trên mặt đất cơ động, cộng với các lực lượng chiến lược trên biển và trên không.
Chính vì vậy, vũ khí siêu thanh của Mỹ không làm cho tình thế của chúng ta xấu đi một cách đáng kể.
Pavel Pushkin, Tổng giám đốc Tập đoàn “Cosmokurs”, một trong những người thiết kế tên lửa Angara (dòng tên lửa mang) thuộc Xí nghiệp quốc gia liên bang thống nhất “Trung tâm nghiên cứu- sản xuất vũ trụ quốc gia” mang tên M.V. Khtunhchev:
- Các dự án thiết kế thiết bị bay siêu thanh có cánh đã được tiến hành từ thời Liên Xô, và sau đó là tại Nga. Nhưng tôi không thể nói chi tiết về những dự án đó được, bởi vì chúng là những dự án mật, và có ý nghĩa quốc phòng.
Chỉ có thể nói một điều rằng nguyên tắc thiết kế những thiết bị như vậy của LB Nga và Mỹ là một, cách tiếp cận cũng như nhau.
“SP”: Hãy hình dung là Mỹ đã có máy bay không người lái bay với tốc độ 6M . Có thể bắn hạ được nó không?
- Về nguyên tắc có thể bắn hạ những thiết bị như vậy.
Đơn giản là cần phải xem nó được điều khiển như thế nào, và quỹ đạo bay của nó như thế nào.
Cần hiểu rõ rằng: các thiết bị bay với tốc độ càng lớn thì càng cực khó điều khiển. Trên thực tế, chúng bay theo quỹ đạo đạn đạo và quỹ đạo đạn đạo thì không khó để tính toán, xác định.
Tôi nhắc lại lần nữa, có thể bắn hạ được máy bay không người lái của Mỹ.
Và khi các phòng thiết kế của Nga thiết kế những thiết bị (bay) siêu thanh, các phòng thiết kế đó, cùng với những nội dung công việc khác để thực hiện nhiệm vụ, họ cũng phải tính toán những phương án và (thiết kế các phương tiện) để bắn hạ những thiết bị (bay siêu thanh) tương tự của đối phương.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-vuot-nga-ve-phuong-tien-sieu-thanh-3344170/
Ngày đăng: 12:08 | 01/10/2017
/