Kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các đối tác đã áp dụng một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm kiềm chế sức mạnh của Moscow. Chiến lược này bao gồm ba trụ cột chính: cung cấp viện trợ quân sự, tăng cường mối quan hệ đối tác quân sự với Ukraine, và đưa Ukraine gần hơn với Liên minh châu Âu (EU) cũng như NATO.

Có thể thấy, ngay từ đầu cuộc xung đột, Mỹ và đồng minh đã cung cấp viện trợ quân sự lớn cho Ukraine. Từ hệ thống tên lửa HIMARS, ATACMS, xe tăng Abrams đến các

Mỹ đã áp dụng những biện pháp gì để kiềm chế sức mạnh của Nga? -0
Ảnh minh hoạ.

máy bay chiến đấu F-16, sự hỗ trợ này đã giúp quân đội Ukraine cầm cự và chống lại các đợt tấn công của Nga.

Dù có những lần chậm trễ và tranh cãi về việc cung cấp các loại vũ khí nhất định, Mỹ vẫn đóng vai trò chính trong việc viện trợ cho Ukraine. Điều quan trọng là việc cung cấp vũ khí không chỉ giúp Ukraine duy trì được vị thế của mình mà còn gửi một thông điệp rõ ràng về sự đoàn kết của các quốc gia ủng hộ Kiev. Chương trình viện trợ quân sự này không chỉ do Mỹ lãnh đạo mà còn được sự đóng góp của nhiều nước khác, từ Pháp, Anh, Đức cho đến Canada.

Bên cạnh việc cung cấp viện trợ, một trong những yếu tố quan trọng khác là việc tăng cường mối quan hệ đối tác quân sự giữa Ukraine và các quốc gia phương Tây. Kể từ năm 2022, những quốc gia như Mỹ và Anh đã bắt đầu ký các thỏa thuận song phương về an ninh dài hạn với Kiev. Mặc dù tư cách thành viên NATO chưa được thực hiện, sự hợp tác này đã mang lại cho Ukraine một sự đảm bảo an ninh, giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga trong tương lai.

Ngoài ra, những tuyên bố của Nhóm G7 vào tháng 7/2023 về việc cung cấp các đảm bảo an ninh dài hạn cho Ukraine cũng thể hiện rõ cam kết của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn mang lại hy vọng về một tương lai hòa bình và ổn định cho đất nước này.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược của phương Tây là đưa Ukraine tiến gần hơn với châu Âu. Mặc dù quá trình này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến vẫn đang diễn ra, nhưng sự hội nhập của Ukraine với EU đang tiến triển. Vào năm 2014, Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác với EU, nhưng tư cách thành viên chính thức vẫn là một mục tiêu khó khăn. Tuy nhiên, xung đột đã khiến cho cả Ukraine và châu Âu nhận ra rằng sự thờ ơ và ngăn cách không còn là lựa chọn khả thi.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-da-ap-dung-nhung-bien-phap-gi-de-kiem-che-suc-manh-cua-nga--i744123/

Ngày đăng: 08:35 | 16/09/2024

Như Thảo / CAND