Các điều khoản hỗ trợ quân sự giữa Nga và Triều Tiên trong hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện có thể đẩy Mỹ vào thế bị động nếu bán đảo Triều Tiên nổ ra xung đột.
Ngày 14/10, truyền thông Nga cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức trình Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn hiệp ước công nhận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên.
Theo hiệp ước được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6, hai nước sẽ “hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và quốc tế”.
Một trong số các điều khoản của hiệp ước này quy định nếu một trong hai bên phải chịu một cuộc tấn công vũ trang của một hoặc một số quốc gia và thấy mình trong tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác.
Theo giáo sư Artyom Lukin - chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga cho biết, mặc dù thỏa thuận này gọi là hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện nhưng những điều khoản về hỗ trợ quân sự giữa hai bên, khiến nó không khác gì một hiệp ước liên minh quân sự - chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành hội đàm song phương tại Bình Nhưỡng vào tháng 6. (Ảnh: Sputnik)
Đẩy Mỹ vào thế khó
Theo giáo sư Artyom Lukin, hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều Tiên là "độc nhất", Triều Tiên là quốc gia đầu tiên không thuộc khối các nước Liên Xô cũ ký kết một thỏa thuận an ninh với Nga. Cho đến nay Moskva chỉ mới ký thỏa thuận đảm bảo an ninh với Belarus và các thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
"Nga có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh mới của mình là Triều Tiên nếu có hành động xâm lược chống lại nước này. Và ngược lại, Bình Nhưỡng sẽ có nghĩa vụ cung cấp cho Moskva mọi hình thức hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ quân sự nếu có hành động xâm lược chống lại Nga", giáo sư Artyom Lukin nói.
Ông Lukin cho biết hiệp ước này sẽ có lợi cho cả hai nước và giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trước các hành động khiêu khích từ Mỹ và các đồng minh. Cũng theo chuyên gia này việc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng cũng được xem là nguy cơ khiến khu vực này càng thêm bất ổn.
"Nga đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và là một siêu cường hạt nhân. Điều này có nghĩa là nếu Mỹ và đồng minh phát động một cuộc xung đột với Triều Tiên, họ không chỉ phải đối đầu với Bình Nhưỡng mà cả Nga", ông Lukin phân tích.
Trong hoàn cảnh hiện tại, xung đột xảy ra trên bản đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đến từ các hành động khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc. Bởi hiệp ước an ninh mới giữa Nga và Triều Tiên đã tạo ra một bước tiến tới sự ổn định của Đông Bắc Á, vì nó giúp điều chỉnh "sự mất cân bằng lực lượng quân sự" ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
"Hàn Quốc đang trở thành một cường quốc quân sự hùng mạnh, họ có thể sản xuất toàn bộ các loại vũ khí hiện đại, từ vũ khí nhỏ đến tàu ngầm và máy bay chiến đấu, phóng vệ tinh trinh sát của riêng. Thứ duy nhất Hàn Quốc không có là vũ khí hạt nhân, mặc dù việc sở hữu những vũ khí này chỉ là vấn đề quyết tâm chính trị và mất vài năm", giáo sư Lukin nhấn mạnh.
Theo nhà quan sát này, tiềm năng kinh tế và công nghệ của Triều Tiên không cho phép nước này cạnh tranh với nước láng giềng "được trang bị tận răng" và liên minh với Mỹ và Nhật Bản.
"Như các chiến lược gia phương Tây thường nói, 'sự yếu đuối sẽ dẫn đến khiêu khích' và một Triều Tiên đơn độc chống lại những mối đe dọa này có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự xâm lược", Lukin phân tích thêm.
Với hiệp ước an ninh mới giữa Nga và Triều Tiên, liên minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản sẽ càng trở nên chặt chẽ hơn nhưng họ sẽ không dám hành động thiếu cân nhắc. Bởi Nga hoàn toàn có thể sẵn sàng can thiệp nếu Triều Tiên bị tấn công.
Triều Tiên cho nổ đường liên Triều ở biên giới sau khi Bình Nhưỡng bị máy bay không người lái từ Hàn Quốc xâm nhập hôm 11/10. (Ảnh: Reuters)
Cam kết hỗ trợ của Nga
"Nếu Triều Tiên bị tấn công, tất cả các biện pháp hỗ trợ cần thiết sẽ được thực hiện theo luật pháp của chúng tôi, theo luật pháp của Triều Tiên", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 15/10 khẳng định.
Thứ trưởng Rudenko cho biết, các điều khoản đó đều có trong hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên.
"Hiệp ước đã nói lên tất cả: điều 3, điều 4. Hiệp ước đã được ký nên công khai. "Điều 4 đề cập chính xác đến vấn đề hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị khiêu khích. Trong trường hợp một trong 2 bên bị gây hấn, bên còn lại sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ quân sự", ông Rudenko nêu rõ.
Theo một bản ghi nhớ của hiệp ước, các bên tìm cách thiết lập sự ổn định chiến lược toàn cầu và một hệ thống quốc tế đa cực công bằng.
Hiệp ước quy định rằng trong trường hợp có mối đe dọa sắp xảy ra về một hành động vũ trang chống lại một trong các bên, một bên sẽ theo đề nghị của bên còn lại ngay lập tức kích hoạt các kênh tham vấn song phương nhằm phối hợp quan điểm và hành động, nhất trí về các biện pháp thiết thực có thể để hỗ trợ lẫn nhau nhằm loại bỏ mối đe dọa.
Trong trường hợp một trong các bên bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và do đó rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện mà mình có theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp của Nga, Triều Tiên.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nhấn mạnh, thỏa thuận mới giữa 2 nước phản ánh "lập trường phòng thủ đơn thuần" và chỉ những ai có kế hoạch tấn công Nga hoặc Triều Tiên mới phản đối.
Nga tuyên bố thỏa thuận này không nhằm chống lại Hàn Quốc hay bất cứ bên thứ 3 nào khác, mà như một lời cảnh báo tới các nước muốn dùng biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên đang thúc đẩy mối quan hệ song phương. Triều Tiên nhiều lần bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tuy nhiên, cả Bình Nhưỡng và Moskva đều bác bỏ.
Ngày đăng: 19:42 | 16/10/2024
Trà Khánh / VTC News