Về hình thức, căn cứ này là của Ukraine nhưng thực chất là căn cứ của Mỹ. NATO hiện diện sát nách Nga sẽ không còn là điều ảo tưởng.

Xâm lược dưới vỏ bọc giúp đỡ

Theo tờ Quan điểm của Nga, Mỹ đã cử đơn vị xây dựng quân sự cơ động số 1 của Hải quân nước này đến bắt đầu xây dựng một trung tâm tác chiến dành cho Hải quân Ukraine tại Ochakov (tỉnh Nikolayev), cách bán đảo Crimea 150 km.

Giới quan sát quân sự nhận định rằng về mặt hình thức, căn cứ này là của Ukraine, song thực chất là căn cứ của Mỹ, và nếu như vậy thì sự hiện diện của NATO tại một nước láng giềng sát Nga không còn là điều ảo tưởng.

Các chuyên gia Ukraine không loại trừ khả năng Mỹ có thể sử dụng căn cứ tại Ochakov cho mục đích riêng của mình, như hoạt động tình báo. Ngoài ra, căn cứ Ochakov có thể được dùng làm trung tâm huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Hải quân SEAL tinh nhuệ nhất của Mỹ.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Các quân nhân Mỹ làm việc tại trung tâm tác chiến hải quân ở Ochakov, Ukraine

Ngay bên cạnh căn cứ này có trung tâm đặc nhiệm số 73 của Hải quân Ukraine. Đây là lực lượng người nhái chiến đấu chuyên về chống phá hoại và trinh sát.

Theo thông tin của giới quan sát quân sự Nga, hệ thống trang thiết bị của lực lượng hải quân Ukraine tại Ochakov khá lỗi thời, các phương tiện tàu đều sản xuất từ thời Liên Xô trước đây.

Theo nhận định của nguồn tin trong Ban chỉ huy Hạm đội Biển Đen (Nga), ban đầu nhân sự Ukraine sẽ cùng với phía Mỹ huấn luyện sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới, nhưng có thể sẽ chuyển đổi thành sự hiện diện thường trực của phía Mỹ tại Ochakov, thực chất là triển khai hệ thống chỉ huy đầy đủ có khả năng được tăng cường.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Lính hải quân Nga trên xuồng cao su cao tốc

Nga rất quan ngại về động thái của Mỹ tại Ochakov. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Yuri Shvutkin, điều này một lần nữa cho thấy Washington đang sử dụng Kiev làm bàn đạp cho cơ hội thực hiện hành động hiếu chiến với Moscow.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga Frants Klintsevich cũng gọi hành động của Mỹ là bước đi khiêu khích và đi ngược lại luật pháp Ukraine.

Trong khi đó, tại Ukraine, có những ý kiến cả ủng hộ và phản đối động thái của Mỹ. Phó chủ tịch đảng Khối Petro Poroshenko tại Quốc hội Ukriane Aleksey Goncharenko cho rằng Hiến pháp không cấm sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine, ngoài ra sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine không vi phạm thỏa thuận Minsk vì không động chạm đến vùng xung đột Donbass. Ông này cũng phủ nhận dự báo Mỹ sẽ sử dụng căn cứ để hoạt động tình báo.

Còn chuyên gia người Ukraine Oleg Soskin cho rằng trên thực tế Mỹ sử dụng căn cứ tại Ochakov như căn cứ quân sự của mình: “Đây thực chất là việc Mỹ triển khai một căn cứ hùng hậu của mình trên lãnh thổ Ukraine, tại một vị trí chiến lược như Ochakov. Đây là lời thách thức trực tiếp và cụ thể đối với Nga”.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Mỹ đang biến Ochakov thành căn cứ hải quân NATO tại Ukraine?

Theo ông, trong con mắt của Mỹ, Ukraine đang trở thành một nhân tố tác động đến Nga, giống như cách họ dùng Hàn Quốc để tác động đến Triều Tiên. “Mỹ coi Nga là mối đe dọa chính. Do đó giờ đây Mỹ phải ủng hộ những nước có thể là sự đối đầu thích hợp chống lại mối đe dọa ấy. Với Mỹ, Ukraine thích hợp hơn cả cho mục đích này”, ông nói.

Ông Soskin tin rằng tại Ochakov đang xây dựng một nguyên mẫu của căn cứ NATO và “khi Ukraine được trao kế hoạch về các chỉ tiêu để trở thành ứng cử viên vào NATO, thì lúc đó các cơ sở đã được hoàn tất”.

Ông Soskin cũng không loại trừ trong tương lai Mỹ sẽ bố trí cả hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ukraine như tại Ba Lan và Romania. Ông nhận định: “Đây sẽ là bước chuyển mới về chất. Quân đội Ukriane càng hùng mạnh, họ càng đối đầu hiệu quả tại phía Đông nước Nga, cho nên Mỹ sẽ càng đổ nhiều tiền và tài nguyên vào đó”.

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tiếp tục tỏ ra “tốt bụng” đối với Ukraine khi cam kết kéo dài hỗ trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2019. Ngược lại, Ukraine cũng mong muốn và cần hỗ trợ của phương Tây. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của phương Tây liệu có giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay hay không?

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine hiện đang trở nên căng thẳng hơn. Theo thống kê, các cuộc đụng độ ở thị trấn công nghiệp Avdiivka giữa binh sĩ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập trong hai tháng đầu năm 2017 đã gây thương vong lớn nhất kể từ năm 2015.

Đây là thị trấn có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối chính giữa thành phố Donetsk ở miền Đông với các thành phố lân cận. Và giống như mọi cuộc đụng độ khác, hai bên đều đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký cách đây 2 năm.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Binh sĩ Mỹ cùng các thiết bị tại Ochakov, Ukraine

Ngay cả báo chí phương Tây cũng ám chỉ khả năng Kiev cố tình đẩy xung đột ở miền Đông leo thang để thu hút sự chú ý của phương Tây. Bằng chứng là cách đây 2 năm, Kiev cũng đã làm điều tương tự trong nỗ lực lôi kéo trở lại sự chú ý của phương Tây và kéo được các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngồi lại họp với nhau ở Munich.

Sau cuộc họp này, phương Tây đã gia tăng trừng phạt Nga vì cho rằng Moscow đã tác động trực tiếp tới các tay súng ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt không thể thay đổi lập trường của Nga và cũng chỉ tác động rất ít tới nền kinh tế.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Kẻ đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang lợi dụng cuộc khủng hoảng này?

Nhưng với Ukraine, một quốc gia đang ngập trong núi nợ hàng tỷ USD và rất cần sự giúp đỡ của phương Tây, các lệnh trừng phạt Nga sẽ mang lại cho Kiev những lợi ích nhất định.

Thứ nhất, các lệnh trừng phạt sẽ khiến Mỹ và châu Âu tiếp tục để mắt tới miền Đông Ukraine. Kiev không thể để phương Tây lơ là quan tâm tới khu vực này giống như đã từng xảy ra với bán đảo Crimea.

Thứ hai, khi phương Tây tập trung trừng phạt Nga, Kiev sẽ tạm thời lảng tránh được các cuộc cải cách thất bại trong nước và tiếp tục nhận được nguồn lực giúp đỡ từ bên ngoài để tránh rơi vào thảm cảnh sụp đổ kinh tế và chính trị.

Thứ ba, còn lệnh trừng phạt có nghĩa Kiev còn giá trị sử dụng cho dù giờ đây không còn giữ vai trò cầu nối giữa Nga và phương Tây như trước.

Thứ tư, hiện tại quân đội Ukraine không đủ mạnh để đối phó với lực lượng 35.000-40.000 quân thuộc hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR).

Thứ năm, bản thân người dân Ukraine cũng chưa có quan điểm rõ ràng trong vấn đề miền Đông. Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Razumkov, khoảng 42% những người được hỏi muốn chấm dứt quan hệ kinh tế với hai thực thể DNR và LNR (ngừng chi trả phúc lợi xã hội, cung cấp năng lượng và xuất khẩu than) cho tới khi Kiev khôi phục hoàn toàn kiểm soát hai vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, cũng có tới 36% số ý kiến cho rằng Ukraine không nên tách DNR và LNR, bất chấp nguy cơ chiến sự tiếp diễn.

my choi qua hiem doc voi ukraine
Quảng trường Maidan (Độc lập) của Ukraine chìm trong biển lửa những ngày tháng 2/2014

Ngoài ra, các cuộc xung đột ở miền Đông và các lệnh trừng phạt Nga cũng sẽ khiến Kiev tránh bị chỉ trích về những vấn đề nội bộ khác. Ukraine vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt bê bối tham nhũng, mà một trong số đó là “hồ sơ Panama” của Tổng thống Petro Poroshenko.

Hiện chỉ có 24% ý kiến ủng hộ Tổng thống Poroshenko và các chính sách của ông, và khoảng 17% bày tỏ tin tưởng vào Quốc hội Ukraine.

Với những lý do trên, giới phân tích phương Tây thừa nhận sự giúp đỡ của Mỹ cùng các đồng minh không thể giúp Ukraine chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Động thái của các bên cho thấy cuộc chiến ở miền Đông Ukraine có thể tiếp tục “đóng băng” thêm một thời gian dài nữa.

Thay vì giúp Ukraine giải quyết khủng hoảng, Mỹ đang biến đất nước này thành một “con bài” để mặc cả, là nơi mà Mỹ có thể “lợi dụng” trong các mưu đồ địa chính trị và quân sự của mình trong cuộc đối đầu với Nga.

Ngày đăng: 12:25 | 14/08/2017

/ baodatviet.vn