Những quả bom xuyên phá này được xem là sự lựa chọn lý tưởng, để phá hủy các đường hầm kiên cố do lực lượng Hamas xây dựng nằm dưới mặt đất Dải Gaza.
Là một phần của đợt tăng cường viện trợ quân sự lớn cho Israel, kể từ sau khi bùng phát các cuộc xung đột giữa lực lượng Israel và các nhóm dân quân người Palestine ở Dải Gaza. Các quan chức Mỹ thông báo rằng, nước này đã cung cấp cho Israel 100 quả bom phá boong-ke BLU-109 để sử dụng trong cuộc xung đột.
Mặc dù chính quyền Mỹ không tiết lộ công khai nội dung các chuyến hàng vũ khí của mình, nhưng một số quan chức ẩn danh đã nói chuyện với các cơ quan truyền thông sở tại như Tạp chí Phố Wall.
Những quả bom nặng 900kg này là một phần nhỏ trong số khoảng 15.000 quả bom đã được chuyển đến Israel trong hai tháng qua. Những vũ khí này được coi là rất quan trọng để vô hiệu hóa các vị trí ngầm kiên cố của Hamas và các nhóm dân quân Palestine khác.
Việc cung cấp bom có trọng tải lớn để sử dụng trong các chiến dịch của Israel gặp nhiều sự phản đối, đặc biệt là các quốc gia không thuộc phương Tây. Và không ít nhà quan sát quốc tế cáo buộc lực lượng Israel đang sử dụng vũ khí có sức công phá lớn chống lại người dân Palestine ở dải Gaza.
Israel đã tìm cách mua bom phá hầm ngầm thế hệ mới từ Mỹ trong hơn hai thập kỷ và vào năm 2005, lần đầu tiên nước này yêu cầu Mỹ cung cấp bom xuyên mục tiêu cứng GBU-28.
Tuy nhiên, vào năm 2005 chính quyền Tổng thống George W. Bush đã từ chối cung cấp bom. Đến năm 2009, việc giao hàng đã được phê duyệt và nó diễn ra trong điều kiện hết sức bí mật, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Obama, với 55 quả bom được cho là đã chuyển giao trong năm đó.
Vào thời điểm đó, Washington lo ngại rằng việc giao hàng sẽ khiến Iran coi là động thái bật đèn xanh từ Washington, để Israel tiến hành một cuộc tấn công vào nước này.
GBU-28 là loại bom nặng hơn 2.200kg, lớn hơn nhiều so với BLU-109 và chỉ được sử dụng bởi Mỹ, Israel và Hàn Quốc. Loại bom BLU-109 được chuyển giao gần đây có chi phí rẻ hơn nhiều và hiện được nhiều nước đồng minh của Mỹ trong khu vực triển khai như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…
Israel đã từng phải gặp nhiều khó khăn khi đối phó với các lực lượng sử dụng hầm và đường hầm dưới lòng đất, đặc biệt là trong trong cuộc chiến ngắn ngủi với Hezbollah vào năm 2006. Lực lượng Hezbollah xây dựng một mạng lưới hầm ngầm rộng lớn và rất kiên cố, ngay cả loại bom GBU-28 của Mỹ cũng khó có thể phá hủy được hệ thống hầm này.
Việc Israel phong tỏa dải Gaza đã hạn chế khả năng Hamas tiếp cận các vật liệu xây dựng chất lượng, bên cạnh đó, các loại đất tại khu vực Gaza do nằm gần biển nên cũng mềm hơn rất nhiều so với khu vực do Hezbollah kiểm soát, vì vậy việc phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas sẽ dễ dàng hơn.
Đối với quân đội Mỹ, những mục tiêu khó khăn nhất mà họ có thể phải đối mặt chính là các cơ sở quân sự quan trọng ở Trung Quốc và Triều Tiên, nhiều cơ sở trong số đó được xây dựng dưới núi với độ sâu hơn 100 mét.
Những vị trí như vậy sẽ phải sử dụng loại bom xuyên phá khổng lồ GBU-57 nặng 13.600kg và chỉ có các máy bay ném bom chiến lược như B-2 Spirit mới có thể mang được những quả bom nặng như vậy.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng phát triển nhiều biến thể của bom hạt nhân chiến thuật B61, có thể mang đầu đạn 350 kiloton mạnh hơn gấp 20 lần so với những quả bom được sử dụng trong Thế chiến 2, chúng được xem là giải pháp tối ưu để vô hiệu hóa các vị trí kiên cố dưới lòng đất.
Ngày đăng: 08:33 | 06/12/2023
Lê Hưng / VTC News