Nghi ngờ Trung Quốc không minh bạch trong báo cáo chi tiêu quốc phòng, Mỹ đang thông qua dự luật nhằm tìm hiểu chi tiết hơn tiềm lực quân sự thực sự của Bắc Kinh.
Động thái “gây hấn” của tàu khu trục Trung Quốc - khi áp sát tàu chiến Hải quân Mỹ trên eo biển Đài Loan đầu tháng này - khiến mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Ngay sau vụ việc, Quốc hội Mỹ đang thông qua một dự luật tại Thượng viện nhằm thiết lập báo cáo chi tiết hơn về tiềm lực quân sự thực sự của Bắc Kinh.
Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney, Dan Sullivan cùng với Thượng nghị sĩ Angus King và Joe Manchin gần đây đã giới thiệu “Đạo luật minh bạch chi tiêu quốc phòng Trung Quốc”. Đạo luật yêu cầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) đưa ra một “báo cáo toàn diện về tiến trình xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc”.
Theo đó, chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã lên tới khoảng 220 tỷ USD, biến Bắc Kinh trở thành cường quốc đứng thứ hai thế giới về độ “chịu chi” cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng (chỉ sau Mỹ). Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái ước tính ngân sách này tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua.
Tới thời điểm hiện tại, Hải quân Trung Quốc là lực lượng lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu và đang bắt kịp Mỹ về tải trọng khi liên tục bổ sung các tàu lớn hơn vào hạm đội.
Tuy nhiên, các số liệu được Trung Quốc công bố được cho là chưa đầy đủ và thậm chí còn chưa tiệm cận với con số chi tiêu thực sự. Mỹ cáo buộc số liệu thống kê của Bắc Kinh đã gian lận hoặc bỏ qua các hạng mục chi tiêu lớn, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển và mua vũ khí nước ngoài.
Các số liệu về chi tiêu quốc phòng được Trung Quốc công bố được cho là chưa đầy đủ. Mỹ lo ngại con số này có thể ngang ngửa với Lầu Năm Góc. (Ảnh: CCTV)
Dự luật của Thượng viện sẽ yêu cầu DIA đưa ra một báo cáo công khai để nắm bắt tốt hơn chi tiêu thực tế. Trong đó sẽ bao gồm một phân tích về chiến lược “kết hợp quân sự - dân sự” của Bắc Kinh nhằm chiếm đoạt công nghệ tư nhân cho các mục đích chiến tranh.
Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin cho các cuộc tranh luận về chi tiêu quốc phòng sắp tới của Mỹ. Các cử tri Mỹ trước nay thường được phổ cập rằng Washington luôn chi tiêu mạnh tay cho lĩnh vực quốc phòng, thậm chí là nhiều hơn 10 quốc gia tiếp theo trong danh sách Top chi tiêu quốc phòng cộng lại. Tuy nhiên không ai thực sự biết Trung Quốc đang dốc bao nhiêu hầu bao để củng cố tiềm lực quốc phòng của mình. Điều khiến giới chức ở Washington lo ngại là con số này có thể ngang ngửa với Mỹ.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2021 ước tính ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc có thể gấp 1,1 đến gấp đôi so với số liệu thống kê chính thức được Bắc Kinh công bố. Phát biểu trước Thượng viện, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, các quan chức tình báo Mỹ đã nói với ông trong một cuộc họp ngắn gần đây rằng con số đúng là gần 700 tỷ USD.
Dù Mỹ chi hơn 840 tỷ USD cho Lầu Năm Góc, nhưng khoảng cách này ngày càng thu hẹp khi các ưu tiên và sức mua tương đối được xem xét. Trong khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ này, Mỹ đặc biệt chi phần lớn vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và lương hưu cho quân nhân. Một phân tích từ năm 2021 cho thấy mức lương đầu vào cho binh lính ở Mỹ cao gấp 16 lần so với ở Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại dành phần lớn chi tiêu vào sản xuất tên lửa. Bắc Kinh cũng có lợi thế hơn khi không phải chịu trách nhiệm về các khoản phân bổ chậm trễ từ quốc hội.
Tựu trung lại, Trung Quốc đang thực sự chi tiêu nhiều hơn so với những gì quốc gia này công bố với thế giới. Bắc Kinh được cho là dồn lực mua nhiều vũ khí hơn và tập trung lực lượng để thống trị khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tờ WSJ nhận định, dự luật của Thượng viện Mỹ là một bước đi hợp lý và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đây sẽ là bước đầu tiên để Washington có được một bức tranh rõ ràng về mối đe dọa thực sự do Trung Quốc đặt ra.
Ngày đăng: 07:54 | 13/06/2023
PHƯƠNG THẢO / VTC News