Theo doanh nhân Lê Thu Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật TBH Việt Nam, các DN nhỏ và vừa (thậm chí siêu nhỏ) mặc dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không vươn lên được chủ yếu do nội lực của chính DN đó. Muốn lớn mạnh, DN phải nỗ lực nhiều hơn!

Doanh nghiệp chưa lớn vì… nội lực yếu

Phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Có quan điểm cho rằng: DN không muốn lớn vì DN càng lớn thì càng bị “hành” nhiều hơn (cơ chế, chính sách chưa thông thoáng; Thủ tục nhiêu khê, phức tạp; Thanh tra kiểm tra chồng chéo, liên miên…). Bà có tán thành quan điểm đó không?

Tôi không tán thành quan điểm đó. Đồng ý là hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục chồng chéo trong hoạt động DN. Các DN lớn, nhất là các DN làm ăn được hoặc thua lỗ thì được quan tâm đặc biệt của nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành, nhưng đấy không phải là lý do để các DN nhỏ và vừa không muốn vươn lên thành DN lớn, hay nói nôm na là “không muốn lớn”.

Đã kinh doanh, ai cũng muốn DN của mình “ăn nên làm ra”, ngày càng phát triển và nếu có cơ hội thì vươn lên thành các “ông lớn” có giá trị thương hiệu toàn cầu. Thực tế, cũng có rất nhiều DN Việt Nam từ chỗ nhỏ bé đã phấn đấu không ngừng trở thành những tên tuổi lớn của Việt Nam và khu vực như Vingroup, FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Tuy nhiên, số DN này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong hàng trăm nghìn DN tư nhân của nước ta.

Vậy theo bà nguyên nhân chủ yếu nào khiến cho DN “không thể lớn”?

Các DN nhỏ và vừa (thậm chí siêu nhỏ) mặc dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng không vươn lớn được, theo tôi chủ yếu do nội lực của chính DN đó. Các hạn chế của DN nhỏ và vừa ở nước ta có thể dễ dàng nhìn thấy là: Thứ nhất do vốn và khả năng tiếp cận vốn thấp: Khả năng huy động vốn từ các nguồn đầu tư trong và ngoài nước đều khó khăn; Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng không hề dễ dàng mặc dù Chính phủ và ngành ngân hàng đã tạo nhiều điều kiện cho việc vay vốn thuận tiện hơn. Đáng tiếc là các DN nhỏ và vừa do còn nhiều hạn chế nên vẫn không đáp ứng được điều kiện vay đó.

DN vẫn cần Chính phủ tạo điều kiện để dễ dàng vay vốn hơn, “dắt tay” DN vào thị trường lớn của thế giới theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản gây cản trở đến sự phát triển của DN…

Thứ hai là do việc kinh doanh chưa ổn định, hàng tồn kho nhiều và thị trường bấp bênh là nỗi lo thường trực hàng ngày của các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, nguồn nhân lực vừa yếu lại vừa thiếu: Trong các DN nhỏ và vừa, tỷ lệ nhân viên có trình độ đại học và trung cấp còn thấp, công nhân có tay nghề cao thiếu trầm trọng nên đã làm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ, thị trường dẫn tới việc kinh doanh kém hiệu quả. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Ngoài ra do vốn ít, khả năng hạn chế của nguồn nhân lực, hiểu biết về luật pháp, kinh tế thị trường, quan hệ đối tác ngoài nước nên DN nhỏ và vừa ít có cơ hội để tiếp cận trình độ, trang thiết bị công nghệ cao và vươn ra các thị trường lớn trong, ngoài nước.

Chỉ khi nào khắc phục được các hạn chế trên, DN nhỏ và vừa mới có hy vọng vươn lớn được. Còn không thì DN sẽ mãi “còi cọc” và lại ngồi đổ thừa cho cơ chế, chính sách chưa thông thoáng, thủ tục nhiêu khê, phức tạp; Thanh tra, kiểm tra chồng chéo, liên miên… mà thôi.

Muốn lớn, phải nỗ lực nhiều hơn!

Thực tế, công ty của bà đã gặp phải những trở ngại nào? Theo bà, để DN có thể phát triển, phát triển một cách bền vững, chúng ta phải làm gì?

Các hạn chế nêu ở trên, thực tế DN của tôi đều gặp phải. Chỉ có điều, trong mỗi khoảng thời gian hoạt động, chúng tôi đều cố gắng khắc phục dần từng điểm để vươn lên, mặc dù không dễ dàng gì.

muon lon doanh nghiep phai no luc nhieu hon
Doanh nhân Lê Thu Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật TBH Việt Nam.

Để DN có thể phát triển, phát triển một cách bền vững, theo tôi, chúng ta phải xây dựng được thương hiệu của DN đó. Mà muốn có thương hiệu thì trước tiên DN phải có một hoặc nhiều sản phẩm của riêng mình được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Điều này không hề dễ dàng chút nào, đòi hỏi DN phải “tự thân vận động”, vươn lên không ngừng nghỉ. Thậm chí khi có được thương hiệu rồi vẫn phải phấn đấu giữ vững thương hiệu đó. Bởi chỉ cần lơ là một chút là tụt hậu ngay. Quan điểm của cá nhân tôi DN muốn vươn lớn thì tự bản thân DN phải phấn đấu, đừng trông chờ vào Nhà nước hay một điều gì may mắn từ trên trời rơi xuống…

Còn với Nhà nước, sau mấy chục năm hoạt động theo kinh tế thị trường, họ thừa hiểu những thuận lợi, khó khăn của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã có rất nhiều thay đổi về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa vươn lên. Tuy nhiên, đối với các DN, những thay đổi đó chưa bao giờ là đủ. DN vẫn cần Chính phủ tạo điều kiện để dễ dàng vay vốn hơn, “dắt tay” DN vào thị trường lớn của thế giới theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản gây cản trở đến sự phát triển của DN.

Tựu chung lại, vấn đề quan trọng nhất đối với một DN vẫn là kinh doanh có hiệu quả, không nhất thiết là các DN nhỏ và vừa đều phải lên thành DN lớn. Và việc lựa chọn quy mô, bước đi cho DN chỉ có thể do chính DN quyết định mà thôi.

Trân trọng cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Ngày đăng: 10:30 | 12/08/2017

/ Lâm Quỳnh/baophapluat.vn