Bốn ngày từ khi dịch bùng phát, Đà Nẵng ghi nhận 29 người nhiễm nCoV, sáu ngày tiếp theo, số bệnh nhân tăng gấp 5 lần.
Sáng 25/7, "bệnh nhân 416" đã chấm dứt 99 ngày không ca nhiễm nCoV mới ở Việt Nam. Ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện C (bệnh viện của Bộ Y tế đóng tại Đà Nẵng), sau đó chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng - nơi đã điều trị khỏi cho 6 bệnh nhân hơn 3 tháng trước.
Dịch bệnh tái bùng phát khi Đà Nẵng đang nỗ lực kích cầu du lịch để cứu vãn tình trạng lần đầu tiên kinh tế địa phương tăng trưởng âm 3,61%, sau 23 năm là thành phố trực thuộc Trung ương.
Đường phố Đà Nẵng vắng vẻ 10 ngày qua. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Dù các đường bay quốc tế vẫn đóng, trong tháng bảy, sân bay Đà Nẵng mỗi ngày đón bình quân 40.000 khách du lịch nội địa. Các chốt kiểm soát y tế từ sân bay, cảng biển, bệnh viện đã gỡ bỏ. Nhiều người không còn giữ thói quen đeo khẩu trang khi ra đường.
Ngay khi dịch tái bùng phát, các cuộc họp xuyên trưa giữa lãnh đạo Đà Nẵng và Chính phủ đã diễn ra nhằm bàn biện pháp ứng phó. Ngành y tế địa phương khoanh vùng khu vực có ca lây nhiễm, phong toả khu dân cư, lấy mẫu xét nghiệm... Nhưng khó khăn lớn nhất là chưa xác định được nguồn lây.
Bệnh viện Đà Nẵng - trụ cột của ngành y tế thành phố bị phong tỏa, cách ly toàn bộ hơn 2.000 nhân viên và khoảng 4.000 bệnh nhân, người nhà từ chiều chủ nhật (26/7). Nhiều nhân viên y tế đang trực tại bệnh viện, phải gọi người thân gửi vật dụng cá nhân vào bên trong vì không được về nhà.
Trưa 27/7, Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng cho thực hiện cách ly toàn xã hội. Lệnh cách ly theo chỉ thị 16 của Chính phủ được ban hành chiều cùng ngày, áp dụng với 6 quận huyện nội thị, dân số một triệu dân, từ 0h ngày 28/7. 13 giờ sau, chính quyền nâng cấp độ cách ly toàn thành phố, với hơn 1,13 triệu dân. Thời điểm này, Cục Hàng không ước tính khoảng 80.000 du khách đang kẹt ở đây.
Nhịp sống sôi động của thành phố "đòn gánh" miền Trung bỗng chốc thay bằng những con đường vắng vẻ, các khu du lịch lớn đóng cửa, khách chen chân rời Đà Nẵng trước 0h ngày 28/7 để tránh bị mắc kẹt.
Người dân tại một khu vực có ca lây nhiễm nCoV xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm, chiều 3/8. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đà Nẵng ban bố lệnh phong toả toàn bộ khu dân cư quanh ba bệnh viện có các ca mắc Covid-19, gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh biện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. 9 chốt kiểm soát được lập ở các ngã tư, ngõ hẻm xung quanh. Công an, quân đội đảm bảo "nội bất xuất ngoại bất nhập". Lúc này khoảng 1.700 người dân được xét nghiệm.
Người dân thành phố dù bình tĩnh hơn trong lần thứ hai cách ly xã hội, nhưng không khỏi lo lắng khi số ca bệnh tăng liên tiếp mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lây lan chóng mặt, mất dấu F0
Ngày 25/7, Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên của làn sóng thứ hai, ngày 28/7 số bệnh nhân là 14, ngày 31/7 số bệnh nhân tăng lên 79. Sau 10 ngày bùng phát, số bệnh nhân được ghi nhận là 142. Khắp bảy quận huyện trên địa bàn thành phố đều có ca mắc nCoV.
Liên tục các quyết định từ Trung ương đến địa phương được thực hiện, nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của Covid-19. Cùng với việc tăng cấp độ cách ly xã hội, công an thường xuyên tuần tra để đảm bảo không tụ tập đông người. Bệnh viện dã chiến gấp rút được xây dựng để chuyển bệnh nhân nhẹ và người nhà (đã có xét nghiệm âm tính) ra khỏi tâm dịch là Bệnh viện Đà Nẵng.
Bộ Y tế khuya 30/7 quyết định lập Bộ Chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng. Lúc này, ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam đã ghi nhận 8 ca, Quảng Ngãi một ca, Hà Nội hai ca, Đăk Lăk một ca, TP HCM hai ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng. Các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lên đường "chi viện" cho miền Trung.
"Nhân viên y tế không còn khái niệm về ngày hay đêm nữa", Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến nói. Phía trong khu cách ly của bệnh viện, khoa cách ly với khoa, nhân viên y tế trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, làm thay phần việc chăm sóc bệnh nhân khi họ không còn người nhà bên cạnh.
Phố phường chỉ còn lác đác người đi lại, công viên, bãi biển được căng dây "khu vực cấm vào". Nhiều người dân đổ đi gom đồ ăn tích trữ. Ngành Công Thương thành phố lập tức khẳng định sẽ cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm, chợ và siêu thị sẽ không đóng cửa để trấn an người dân.
Bộ Y tế chiều 31/7 thông báo "bệnh nhân 428", 70 tuổi, ở Quảng Nam, tử vong sau 5 ngày được khẳng định dương tính nCoV, do "nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19". Đây là ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam liên quan đến nCoV. Con số người tử vong đến ngày 4/8 đã là 8 người. Các ca này chủ yếu là bệnh nặng, suy thận mạn, chạy thận nhiều năm...
Việc điều trị cho bệnh nhân tại các khoa ở Bệnh viện Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Hồ Văn Phước. |
14.500 người phải cách ly
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong cuộc họp trực tuyến ngày 2/8 cho biết do chưa tìm được nguồn lây, nên thành phố đặt nghi ngờ "còn ổ dịch khác chưa được phát hiện".
Chiến lược chống dịch của Đà Nẵng trong giai đoạn này là xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong toả, dập dịch. Những công việc này được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng để "giải quyết dịch lây lan trong cộng đồng chứ không chỉ khu trú trong khu dân cư".
Ba loại hình cách ly được thực hiện là: cách ly y tế, cách ly tập trung và cách ly tại nơi lưu trú (nhà ở, khách sạn). Từ 25/7 đến 4/8, Đà Nẵng đã xác định hơn 8.400 người F1, hơn 6.100 người F2 liên quan đến các ca bệnh. Thành phố đang cách ly hơn 4.200 F1 tại các cơ sở y tế; hơn 4.000 F1 tại khu cách ly tập trung.
Nhận định "Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch", ngành y tế đã quyết định chuyển dần bệnh nhân Covid-19 sang Bệnh viện Trung ương Huế và hai cơ sở y tế khác ở Đà Nẵng là Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Hoà Vang. Cung thể thao Tiên Sơn được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến vùng, công suất tối đa 700 giường.
Lực lượng quân đội phun khử khuẩn trên đường phố ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), chiều 3/8. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Chúng tôi cũng tính đến cách ly cộng đồng, song Bộ chưa khuyến khích. Đây là phương án bỏ túi. Nếu các khu cách ly quá tải, lây nhiễm chéo thì sẽ kích hoạt phương án cách ly tại nhà", ông Thơ nói và cho biết đang huy động thêm các cơ sở xét nghiệm của quân đội, công an để đảm bảo công suất 10.000 mẫu/ngày.
Tăng tốc xét nghiệm được coi là khâu "đột phá" của Đà Nẵng trong chiến lược chống dịch giai đoạn này. Hiện, năng lực xét nghiệm của thành phố đạt công suất 6000-7000 mẫu một ngày, do ba đơn vị đảm nhận là CDC, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi. Thành phố cũng chờ chi viện thêm hai labo xét nghiệm di động từ các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Khi năm cơ sở cùng hoạt động sẽ nâng công suất xét nghiệm lên 10.000 mẫu mỗi ngày. Năng lực xét nghiệm nâng lên, giúp thành phố tăng tốc trong "cuộc đua" chặn đứng Covid -19.
"Mọi sự thành bại đều phụ thuộc vào tốc độ xét nghiệm, cách ly, truy vết. Làm càng nhanh thì chiến dịch càng thu ngắn lại", ông Thơ nói. Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện lớn tiếp tục "chia lửa" với Đà Nẵng về mặt chuyên môn, hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực chống dịch.
Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện Đà Nẵng lần 5
Trưa 4/8, đội phản ứng nhanh số 5 Bệnh viện Chợ Rẫy ra Đà Nẵng hỗ trợ các ca nhiễm nCoV nặng, đang chạy thận ... |
Đội xét nghiệm Đà Nẵng: 'Chạy đua từng giây'
Đội xét nghiệm nCoV tại Đà Nẵng chia làm 3 nhóm, chạy đua xét nghiệm khoảng 8.000-10.000 mẫu bệnh phẩm một ngày. |
Thêm 16 người Đà Nẵng, một Đồng Nai nhiễm nCoV
Bộ Y tế chiều 4/8 ghi nhận 18 ca nhiễm nCoV, trong đó 16 ca tại Đà Nẵng, một Đồng Nai liên quan đến Bệnh ... |
https://vnexpress.net/muoi-ngay-da-nang-buoc-vao-lan-song-covid-19-thu-hai-4141003.html
Ngày đăng: 20:53 | 04/08/2020
/ vnexpress.net