Chỉ sau mấy giờ đồng hồ, giá vàng đang tăng liền đảo chiều rơi thẳng đứng, đánh mất gần 2 triệu đồng/lượng.

Ngày mùng 9 tháng Giêng, một ngày trước Vía Thần tài, tại “con phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội), hàng dài người vẫn xếp hàng bất chấp trời mưa phùn giá lạnh, giao dịch chủ yếu là mua vàng. Với tâm lý mua lấy may đầu năm, nên nhiều người chỉ mua một vài chỉ. Tuy nhiên, cũng có những người có tiền nhàn rỗi, muốn “ôm” vàng đầu tư.

Ở chiều ngược lại, một số người thấy giá vàng lên cao, lại mang bán “chốt lời”, nhưng số lượng người bán so với dòng người mua có phần “lép vế”. Sức cầu tăng cao, cộng hưởng với đà tăng mạnh của thế giới, giá vàng liên tục được đẩy lên lập kỷ lục. Đáng chú ý, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lại “ phòng thủ” rủi ro cho mình bằng cách kéo doãng khoảng cách mua bán vàng lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng.

xep_hang-1738890960789.jpg
Nhiều người xếp hàng mua vàng lấy may ngày Vía Thần tài.

Song, dù bán “hời” thế, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu hay Doji... cho biết, suốt thời gian qua, doanh nghiệp hầu như không có vàng SJC để bán và hiện tại cũng vậy. Khách hàng ít bán ra nên các doanh nghiệp không mua vào được vàng SJC, từ đó không có hàng bán. Vàng nhẫn tròn trơn cũng ở tình trạng lúc có hàng, lúc không. Có ngày, các doanh nghiệp có hàng giao ngay nhưng thường hết khá sớm.

Thế nhưng về phía khách hàng, bất chấp giá cao, khan hàng, việc vàng “nổi sóng”, lại đúng dịp Vía Thần Tài sắp đến, nên cảnh những người dân xếp hàng mua vàng lại tái diễn. Nhiều cửa hàng đã thông báo không có vàng miếng, vàng nhẫn để bán, mà chỉ còn vàng bán theo món, điển hình là các linh vật biểu tượng cho từng năm. Trước cảnh khan hiếm, để mua được vàng như ý, ngay trước cửa hàng vàng, một số khách hàng đã giao dịch trao tay ngay với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán”: Người có vàng muốn bán và người muốn mua vàng thay vì vào cửa hàng, thì sang tay ngay trước cửa, vừa được giá hời, đỡ mất công xếp hàng.

Song, “người tính không bằng trời tính”. Dù mở cửa tiếp tục lập kỷ lục mới, nhưng chỉ vài tiếng sau khi “lên đỉnh” ở mốc hơn 91 triệu đồng/lượng, giá vàng đã đảo chiều giảm mạnh. Tính đến cuối giờ chiều ngày 6/2, giá vàng đã đánh mất gần 2 triệu đồng/lượng so với phiên mở cửa buổi sáng, thoái về mốc 89,6 triệu đồng/lượng. Chị Nha Trang, một khách hàng mua vàng ở Hà Nội cho biết chị định mua trước Tết, nhưng nghĩ nên chọn ngày Vía Thần tài để đợi may mắn. “Thế rồi khi ra Tết, thấy giá vàng tăng chóng mặt, tôi cũng lo lắng giá sẽ còn tăng nữa, nên đã xếp hàng mua 2 cây vàng đúng lúc 91 triệu đồng/lượng. Nhưng may đâu chẳng thấy, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, vàng giảm đã khiến tôi mất tới 5 triệu đồng/lượng. Tính ra, chỉ mới nửa ngày, đã “bay” mất chục triệu. Nghĩ thấy xót ruột quá”, chị Trang than thở.

Chị Trang là một trong rất nhiều khách hàng mang tâm lý mua vàng lấy may ngày Vía Thần tài. Ngoài tập tục, nhiều “nhà vàng” cũng tung các chiêu trò tận dụng ngày Vía Thần tài để kinh doanh, gây sự chú ý, nên mua vàng ngày mùng 10 tháng Giêng trở thành thói quen trong suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, theo chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh, nếu người dân và nhà đầu tư mua với tâm lý lấy may mắn đầu năm, mua với số lượng ít như quan niệm trong ngày Thần Tài xưa nay, thì giá vàng lập đỉnh cũng không phải yếu tố đáng ngại. Còn nếu mua để đầu tư cần cân nhắc kỹ, vì mua đầu tư là phải xác định lời lỗ. Nếu mua vàng xong mà bị lỗ thì không thể gọi là may mắn trong ngày Thần Tài. Bởi nhiều năm qua, giá vàng thường có xu hướng giảm sau ngày Thần Tài, thậm chí còn giảm mạnh. Nếu mua, nên canh thời điểm giá vàng điều chỉnh, thay vì mua đầu tư ngay vùng đỉnh cao như hiện tại.

Lý giải thêm về màn “quay xe” của kim loại quý ngay trước ngày Vía Thần tài của năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng đây là diễn biến lạ nhưng không khó hiểu bởi từ nhiều năm nay, phong trào mua vàng lấy may ngày Vía Thần tài được các doanh nghiệp kinh doanh vàng “đẩy” lên thành truyền thống. Song, vì lợi nhuận, và vì phụ thuộc vào nguồn cung, cũng như giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nên sau những ngày “làm giá”, thị trường sẽ đảo chiều để về đúng giá trị (tương đối). Trước thực tế này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo người mua vàng cầu may nên cân nhắc lượng mua một cách hợp lý, không nên mua ở giá cao chỉ vì tâm lý "sợ lỡ cơ hội". “Đối với những người muốn tránh tình trạng xếp hàng dài, hoàn toàn có thể mua trước hoặc sau mùng 10 tháng Giêng, bởi giá vàng thường sẽ giảm trở lại khi cơn sốt qua đi. Cân nhắc thời điểm mua sẽ giúp người dân tránh rủi ro thua lỗ do giá giảm nhanh sau cao điểm”, chuyên gia khuyến cáo.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc mua vàng trong dịp này chỉ nên mang ý nghĩa tượng trưng, thay vì coi đây là một kênh đầu tư. “Đầu tư vào vàng vào dịp lễ Thần tài là điều vô lý, và người mua thường sẽ bị thiệt hại, trong khi các “nhà vàng” hốt bạc. Người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. Hãy để dành tiền để đầu tư vào tài sản khác thay vì mua vàng trong ngày vía Thần Tài để lấy may", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị. 

https://cand.com.vn/Thi-truong/mua-vang-lay-may-lo-ngay-tien-trieu-i758410/

Ngày đăng: 09:17 | 07/02/2025

Hà An / CAND