Số ca mắc sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái
Tại Khoa Nhiễm D Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP HCM) đang có hơn 70 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 60 ca điều trị nội trú.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, thông tin trong tháng 5, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị từ 20-25 ca SXH. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, các ca SXH nhập viện bắt đầu gia tăng nhanh, mỗi ngày có khoảng
50-70 ca bệnh. Theo số liệu thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi.
Theo BS Phong, mức độ gia tăng các ca bệnh nhập viện chứng tỏ năm nay bệnh đến sớm hơn 1 tháng. Trong tuần vừa qua đã có 2 ca tử vong từ địa phương khác chuyển đến trong tình trạng nặng (1 người lớn, 1 trẻ em). Hai trường hợp này đều có cơ địa đặc biệt và mang bệnh nền.
Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 1 mỗi ngày điều trị nội trú cho 50-60 bệnh nhi, trong đó có 2-3 em gặp biến chứng sốc do SXH.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH BV Nhi Đồng 1, cho biết bệnh SXH nguy hiểm nhất bắt đầu từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, vì ở giai đoạn này rất dễ xảy ra sốc SXH. Đây là thời điểm trẻ bớt sốt nên các bậc phụ huynh chủ quan, tưởng rằng bệnh đang thuyên giảm và có thể tự khỏi, ai ngờ sau đó bệnh trở nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong đang thăm khám bệnh nhân bị sốt xuất huyết
BS Tuấn khuyến cáo nếu thấy các bé giảm sốt mà mệt mỏi nhiều hơn, đau bụng, chảy máu mũi, ói hoặc đi cầu ra phân đen; nếu bé gái dậy thì có sự xuất huyết âm đạo bất thường, kèm theo tay chân lạnh, vật vã thì nhanh chóng đưa trẻ đến BV gần nhất.
Còn theo BS Phong, đối với các bệnh truyền nhiễm khác, khi hạ sốt thì người bệnh khỏe hơn, bệnh thuyên giảm dần. Tuy nhiên với SXH, khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó, rất nhiều người chủ quan không đi khám, đôi khi chính BS cũng không phát hiện ra để tình trạng bệnh nặng hơn, điều trị gặp khó khăn hơn.
BS Phong khuyến cáo đối với những người có cơ địa đặc biệt hay mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc SXH dễ dẫn đến sinh non.
Bệnh trở nặng ở người béo phì
Theo thống kê năm 2018 tại BV Bệnh nhiệt đới, gần 10 trường hợp tử vong do SXH nhưng có đến hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì. Theo các BS, trẻ béo phì khi bị bệnh SXH việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Tỉ lệ sốc do SXH ở trẻ có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%. |
3 người ở Sài Gòn tử vong do sốt xuất huyết
Bốn tháng đầu năm TP HCM ghi nhận gần 21.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3 người tử vong. |
Bộ Y tế phát động chống dịch ở trường học, bệnh viện
Ngày 12/10, Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tại TP HCM. |
Bài và ảnh: TRỊNH THIỆP
Ngày đăng: 16:24 | 03/07/2019
/ https://nld.com.vn