Tính đến 16 giờ ngày 9/8, mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm 8 người chết; 1.495 căn nhà và 10.199ha lúa, hoa màu bị ngập; sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục xong.
Nước lũ ngày càng dâng cao trên địa bàn xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN) |
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 16 giờ ngày 9/8, mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm 8 người chết; 1.495 căn nhà và 10.199ha lúa, hoa màu bị ngập.
Đêm mùng 8 và rạng sáng 9/8, trên địa bàn huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) tiếp tục có mưa, cùng với nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về khiến nhiều khu vực tại hai huyện trên bị ngập nặng, hơn 700 hộ dân (300 hộ tại xã Đắc Lua, 200 hộ xã Nam Cát Tiên, 200 hộ xã Tà Lài và 30 hộ dân tại xã Phú Thịnh) phải di dời.
Hai tuyến đường chính vào xã Nam Cát Tiên - đường 600A và đường Núi Tượng - đã bị chia cắt hoàn toàn, 1 người mất tích khi đang cố neo đậu và cứu bè nuôi cá trên sông.
Sáng 9/8, huyện huy động lực lượng đến các địa bàn bị ngập nặng để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, tổ chức tìm kiếm người bị nạn.
Tại tỉnh Bình Phước, sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Đăk Kar (tỉnh Đắk Nông), chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân bốn xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Trước đó, vào tối 8/8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng cũng đã tổ chức di dời 200 hộ dân với gần 1.000 người đến khu vực an toàn.
Thông tin từ huyện Bù Đăng, hiện tại sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục xong. Trong đêm 8/8 và sáng 9/8, lượng mưa trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước giảm nên nước ở đập thủy điện Đắk Kar đã trở về mức an toàn.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước vẫn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo diễn biến nước lũ.
Binh đoàn 16 (đứng chân trên địa bàn hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông) cũng đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn để khẩn trương sửa đường, dọn dẹp nhà dân, giúp dân di chuyển đồ đạc, phát gạo và mì tôm cho các hộ dân bị thiệt hại.
Binh đoàn 16 đã hỗ trợ một gia đình có nhà bị sập 20 triệu đồng; ổn định cuộc sống cho 50 hộ dân khác bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với sự cố đê biển Tây tại tỉnh Cà Mau, lực lượng chức năng đang đắp con trạch bằng bao tải cát với khoảng 100 người duy trì túc trực tại hiện trường. Tính đến 16 giờ ngày 9/8, tình trạng đê tạm thời ổn định.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.
Các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng chủ động tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn và sự cố công trình thủy điện Đăk Kar./.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to
Dự báo, vào đêm 10/8 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30 mm/12 giờ; riêng Đắk ... |
Đắk Nông: Thủy điện kẹt van xả, nguy cơ vỡ đập, đe dọa nhiều tỉnh
Hồ thủy điện có dung tích 13 triệu m3 nhưng xảy ra sự cố kẹt cửa van, nước tràn qua đập nguy cơ gây vỡ ... |
Nhiều nơi ở Tây Nguyên ngập nặng, 6 người chết
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở Tây Nguyên ngập sâu, giao thông chia cắt, 6 người ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai ... |
Ngày đăng: 20:04 | 09/08/2019
/ www.vietnamplus.vn